11:22 24/11/2020

Người dân châu Âu sẽ được khởi kiện tập thể

Ngày 24/11, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua một đạo luật cho phép người tiêu dùng châu Âu có thể nhóm lại cùng nhau để khởi kiện tập thể, tương tự như hình thức rất phổ biến tại Mỹ.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh một phiên họp Nghị viện châu Âu ở Brussels, Bỉ. Ảnh: AFP/TTXVN

Đạo luật này sẽ chính thức có hiệu lực trong vòng 2 năm tới, sau khi được công bố trên công báo hành chính chính thức của Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia thành viên EU hoàn tất việc bổ sung đạo luật này vào các bộ luật hiện hành của họ.

Với đạo luật mới này, người tiêu dùng tại toàn bộ 27 quốc gia thành viên EU sẽ được phép lập thành nhóm để tiến hành các hành động pháp lý tập thể nhằm vào những công ty hoặc đối tượng thương mại mà họ cho rằng đã khiến họ bị tổn hại khi sử dụng các sản phẩm hoặc dịch vụ.

Theo EP, đạo luật này nhằm mục đích mang lại công bằng hơn cho người tiêu dùng, giúp họ vượt qua rào cản về chi phí pháp lý vốn cản trở họ khi tiến hành các vụ kiện tụng.

Ủy ban châu Âu (EC) bắt đầu thúc đẩy sáng kiến này từ năm 2018, sau khi hãng sản xuất ô tô Volkswagen của Đức bị tố cáo đã gian lận về mức khí thải của hàng triệu phương tiện chạy bằng nhiên liệu diesel và các chủ sở hữu thương hiệu xe này tại châu Âu giận dữ khi không nhận được khoản tiền đền bù tương ứng như các khách hàng ở Mỹ.  

Tuy có nét tương đồng với các vụ kiện tập thể thường được áp dụng tại Mỹ, nhưng cách tiếp cận của EU có những điều chỉnh nhất định. Ví dụ, các công ty luật sẽ không khởi kiện các vụ kiện tập thể, mà các tổ chức người tiêu dùng sẽ thực hiện việc này, đồng thời người tiêu dùng sẽ không có cơ hội yêu cầu thêm các khoản bồi thường ngoài những tổn thất thực tế.

Hiện tại, mới chỉ có 6 quốc gia thành viên EU là Bỉ, Pháp, Italy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Thụy Điển đã nêu đề xuất về một cơ chế đền bù toàn diện trong tương lai.

Thanh Phương (TTXVN)