09:23 20/09/2011

Người cung cấp thông tin cho Wikileaks-Kỳ cuối: Kẻ phản bội hay một anh hùng?

Sau khi danh tính của Manning được tiết lộ, dư luận bị chia rẽ sâu sắc. Câu hỏi đặt ra là liệu Manning là kẻ phản bội hay một anh hùng?

Sau khi danh tính của Manning được tiết lộ, dư luận bị chia rẽ sâu sắc. Câu hỏi đặt ra là liệu Manning là kẻ phản bội hay một anh hùng? Có người lập luận rằng, nếu thông tin mà Manning tiết lộ về một vụ việc tham nhũng trong chính phủ hay việc lạm dụng quyền lực của quân đội vượt thẩm quyền luật pháp cho phép, thì anh ta sẽ là anh hùng. Những người khác thì chỉ ra rằng vì có quá nhiều tài liệu được tiết lộ và như Manning thừa nhận, với số lượng tài liệu khổng lồ nên cũng có thể nhiều thông tin tiết lộ ra cũng chẳng làm nước Mỹ có nguy cơ bị tấn công khủng bố.

Cựu phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, P.J. Crowley.


Sau khi Lamo có được bức tranh tổng thể hơn về những gì Manning biết và những gì anh ta đã tiết lộ cho Assange, Lamo đã nói với vợ hiện đang làm việc tại đơn vị phản gián thuộc quân đội Mỹ. Việc hợp tác của Lamo với FBI và các đơn vị khác của chính phủ diễn ra chỉ hai ngày sau khi anh ta có các cuộc nói chuyện đầu tiên với Manning. Sau đó, Lamo kể với Kevin Poulsen, phóng viên của tờ Thời báo New York những gì đã diễn ra. Hai ngày sau, Manning bị bắt ở Irắc. Hành động của Lamo đã mở màn cho một cuộc tranh luận. Có người cho rằng chính Lamo đã nhúng chàm trước khi lôi kéo Manning tham gia.

Trên chính trường, các chính trị gia có đất diễn khi sử dụng vụ tiết lộ tài liệu mật này để đạt mục đích riêng của họ. Một số chính trị gia, trong đó có Thượng nghị sỹ Joe Lieberman, đã tranh thủ “xỉ vả” WikiLeaks, nhưng không ai đi xa hơn Hạ nghị sỹ Mike Roger. Phát biểu trên một đài phát thanh ở bang Michigan, ông này tuyên bố Manning nên bị truy tố vì tội phản quốc. Với tội phản quốc, Manning có thể bị kết án tử hình.

Thượng nghị sỹ Joe Lieberman.


WikiLeaks và Manning cũng nhận được những bình luận từ một trong những người tố giác nổi tiếng của thế kỷ trước là Daniel Ellsberg, cựu chuyên gia phân tích quân sự, nổi tiếng vì đã tiết lộ cái gọi là “Tài liệu Lầu Năm Góc”, phơi bày nhiều dối trá của chính phủ Mỹ đối với công chúng về chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Ellsberg bình luận rằng những gì Manning đã làm không phải là kẻ phản bội mà cần được khen ngợi. Ellsberg thậm chí đã bị bắt hai lần trong các cuộc biểu tình ủng hộ Manning. Sau khi có thông tin về việc Manning bị phân biệt đối xử trong tù, các cuộc biểu tình đã diễn ra ở thủ đô Oasinhtơn, Quantico - Oklahoma, Los Angeles và thậm chí cả ở Toronto (Canađa).

Mùa xuân năm 2011, cái tên Manning cũng đã nổi tiếng ngang với Assange. Mặc dù chính Manning là người bị bắt, bị tù đầy và phải đối mặt với những cáo buộc nghiêm trọng, nhưng báo chí đã bị lôi cuốn bởi ông chủ WikiLeaks. Một phần của sự lôi cuốn này là Assange có liên quan đến xìcăngđan tình dục. Assange đã ngủ với hai người phụ nữ Thụy Điển vào tháng 8/2010. Phiên toà xét xử Assange ở Thụy Điển vẫn chưa diễn ra.

Biểu tình đòi trả tự do cho Manning.


Nhưng khi sự phân biệt đối xử với Manning trong tù bị công khai, mọi người đều biết tên Manning và đã chạm tới các cấp cao nhất của chính quyền Mỹ. Ngày 13/3/2011, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, P.J. Crowley, đã có bài phát biểu tại Học viện công nghệ Massachussett (M.I.T). Blogger Philippa Thomas đã tham gia nghe và tường thuật về bài phát biểu của Crowley. Tin do Thomas tường thuật đã nhanh chóng thu hút chú ý trên toàn quốc. Thomas viết: “Một thanh niên trẻ dự hội thảo đã đặt câu hỏi cho Crowley: Ông nghĩ gì về WikiLeaks? Về nước Mỹ đã ‘nhục hình một tù nhân trong trại giam quân sự’? Không đắn đo suy nghĩ, Crowley buột miệng: Những gì mà đồng nghiệp của tôi bên Bộ Quốc phòng đang hành xử với Bradley Manning thật là ‘lố bịch, phản tác dụng và đần độn’. Crowley dừng lại và nói tiếp: Tuy vậy, Manning vẫn ở đúng chỗ”.

Bình luận của Crowley đã gây tai họa lớn cho ông này vì một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao lại trực tiếp chỉ trích công việc của Quân đội Mỹ. Sau đó, Crowley đã cố gắng giải thích rằng, những bình luận của ông chỉ là quan điểm cá nhân nhưng dù sao Crowley cũng đã bị dồn tới chân tường sau bình luận này.

Tuần sau đó, Crowley đã từ chức và ra một tuyên bố: “Những bình luận gần đây của tôi liên quan đến điều kiện giam giữ của binh nhì Bradley Manning là nhằm nhấn mạnh tới tác động lớn hơn, thậm chí là tầm chiến lược của những hành động kín đáo mà các cơ quan an ninh quốc gia đảm nhiệm hàng ngày cũng như những ảnh hưởng của các hành động đó tới lập trường và vai trò lãnh đạo toàn cầu của chúng ta. Xét thấy tác động của những lời bình luận của tôi, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm. Tôi đã trình đơn xin từ chức Trợ lý Ngoại trưởng và Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao”.

Cũng khoảng thời gian Crowley từ chức, chính phủ Mỹ đã tăng gấp đôi những cáo buộc đối với Manning. Gần một năm sau khi anh ta bị bắt và bỏ tù, Bradley Manning phải chịu thêm 22 cáo buộc. Những cáo buộc lần này nghiêm trọng hơn nhiều so với ban đầu. Trong số đó, có lời buộc tội “hỗ trợ kẻ thù”, một tội danh có thể bị tuyên án tới mức tử hình.

Những tội danh này cũng liên quan cụ thể hơn đến các tài liệu mật đã cung cấp cho WikiLeaks. Theo lời buộc tội của điều khoản “Nổi loạn và kích động nổi loạn”, Manning được cho là “đã cố tình và sai trái công khai mạng tin tình báo thuộc chính phủ Mỹ, khi biết rằng thông tin tình báo khi được tung lên mạng internet sẽ làm cho kẻ thù có thể tiếp cận, hành vi này gây tổn hại tới trật tự và kỷ luật trong các lực lượng vũ trang và làm mất uy tín của các lực lượng này”.

Những cáo buộc mới này được đưa ra để đảm bảo rằng Manning không thể nhẹ tội. Hiện Manning vẫn đang ngồi ở một phòng giam ở Ft Leavenworth, nơi anh ta đang đợi toà xét xử.

Quang Tuyến (tổng hợp)