08:15 07/08/2015

Người có duyên ngầm

Là một trong những người nghiên cứu sâu sắc và tổng quát các vấn đề văn học Việt Nam hiện đại, Nguyễn Đăng Điệp (ảnh) được coi là một trong những nhà phê bình xuất sắc trong dòng văn học đương đại. Hiện anh đang là Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam.

Là một trong những người nghiên cứu sâu sắc và tổng quát các vấn đề văn học Việt Nam hiện đại, Nguyễn Đăng Điệp (ảnh) được coi là một trong những nhà phê bình xuất sắc trong dòng văn học đương đại. Hiện anh đang là Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam.

Trong tập sách “Thơ Việt Nam hiện đại, tiến trình và hiện tượng vừa đoạt giải thưởng Hội Nhà văn trong lĩnh vực lý luận phê bình, nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp viết không nhiều về các chân dung nhà văn, nhà thơ Việt Nam. Nhưng dường như mỗi khi viết về nhà thơ, nhà văn nào đó, anh đều bắt trúng thần thái của họ. Ngay cả những nhà thơ đã được nhiều người viết, Nguyễn Đăng Điệp vẫn có cách nhìn riêng và có những phát hiện riêng. Bút lực tài tình của anh đã có dịp phát huy mỗi khi “vẽ” chân dung tinh thần của thi sĩ trong thế giới tinh thần của họ. 

Để làm được điều này, tôi nghĩ, Nguyễn Đăng Điệp phải là người biết tạo dựng các đối thoại tưởng tượng với nhà văn, cố gắng bắt trúng điều anh ta nghĩ, điều anh ta nói, điều anh ta khác với mọi người. Và từ đó, tìm cách diễn đạt những cảm nhận, lý giải những suy từ của cá nhân anh từ nhiều góc nhìn khác nhau. Cách nhìn ấy, nói theo ngôn ngữ học thuật hiện đại, chính là hướng tiếp cận liên ngành, lối tiếp cận hóa học.

“Thơ Việt Nam hiện đại, tiến trình và hiện tượng” là cuốn sách tập hợp những tiểu luận mà nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp đã viết trong ngót hai mươi năm qua. Dù được viết trong những thời điểm khác nhau, nhưng nhìn một cách tổng thể, quyển sách này vẫn bảo đảm tính thống nhất, vì sự quan sát của anh về thơ Việt hiện đại chủ yếu dựa trên lý thuyết hệ hình (paradigm), những đổi thay về tư duy và thi pháp thể loại. Tại đó, phía sau những trang viết tài hoa, là một kiến văn phong phú, chắc chắn về lý luận nhưng lại nhạy cảm như một nghệ sĩ. Bởi thế, cũng không có gì lạ, nếu ta nhận thấy quyển sách này mang hình hài của một chuyên luận về thi ca. 

Trong hình dung của Nguyễn Đăng Điệp, những đổi mới thực sự trong lĩnh vực thi ca bao giờ cũng gắn với sự thay đổi hệ hình tư duy, sự thay đổi trong cách cảm nhận, thụ hưởng và biểu đạt thế giới của nghệ sĩ. Những thay đổi ấy, một mặt, phụ thuộc vào tài năng, bản lĩnh của nhà thơ; mặt khác, bị (chịu) ảnh hưởng của quá trình thẩm thấu văn hóa, những quy định của thời đại... Sau nhiều năm quan sát và nghiền ngẫm, Nguyễn Đăng Điệp nhận thấy, quá trình hiện đại hóa của văn học Việt Nam cũng chính quá trình tiến vào phạm vi thế giới, và tương ứng với nó là sự chuyển đổi hệ hình: từ trung đại sang hiện đại, từ hiện đại đến hậu hiện đại. Tuy nhiên, sự phát triển của văn học Việt Nam không phải là sự sao chép đơn thuần mà đó là kết quả của quá trình tiếp thu và sáng tạo, là sự kết hợp giữa yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Điều đó có thể nhìn thấy qua ba cuộc giao lưu văn hóa lớn diễn ra từ đầu thế kỷ XX đến nay.

Trong quan niệm của Nguyễn Đăng Điệp về chữ nghĩa phê bình văn học, có lẽ do anh chịu ảnh hưởng tư tưởng của Roland Barthes: “Phê bình là diễn ngôn về một diễn ngôn khác”. Đó là lý do anh quan tâm đến cách nói của nhà thơ, và coi diễn ngôn nghệ thuật của nghệ sĩ chính là chốn trú ngụ tinh thần, tư tưởng của họ. Chân dung tinh thần của nghệ sĩ, giọng điệu nghệ thuật của họ, vì thế, chủ yếu toát lên từ văn bản ngôn từ của nhà thơ. Vì thế, mặc dù chơi và thân thiết nhiều người, Nguyễn Đăng Điệp ít khi hỏi các nhà thơ những câu hỏi đại loại: bài này tác giả viết trong hoàn cảnh nào, bài kia viết vì mục đích gì?... Bởi khi hỏi như thế, nhà phê bình rất dễ trở thành kẻ lệ thuộc. Và quan trọng hơn, lười! Nguyễn Đăng Điệp kể về một kỷ niệm nhỏ: “Năm 1999, nhà thơ Dư Thị Hoàn là Chi hội trưởng thơ Hải Phòng có đặt tôi viết về thơ Đồng Đức Bốn. Tôi nhận lời. Khi xuống Hải Phòng, Bốn nghĩ tôi sẽ gặp anh để hỏi thêm về tác giả. Nhưng tôi không gặp. Hôm sau, ngồi trong hội thảo, cách nhau chỉ mấy người, tôi cũng không hỏi và coi như không biết tác giả. Sau này, khi Đồng Đức Bốn lên Hà Nội, có đến Viện Văn học gặp, tôi mới nói rõ quan niệm: Khi định viết về ai, tôi luôn tránh tiếp xúc họ để có được cái nhìn khách quan. 

Đánh giá của tôi về họ, có thể họ thấy đúng, có thể không, điều đó không quá quan trọng với tôi vì các nhận định của tôi xuất phát từ văn bản nghệ thuật của họ là chính chứ không phải những tâm sự ngoài đời.

Trong nghề, Nguyễn Đăng Điệp là người khá kỹ lưỡng về chữ, về cách phát ngôn. Nguyễn Đăng Điệp chia sẻ: “Tôi thân thiết với nhiều nhà văn nổi tiếng, có người tôi đã từng viết về họ, có người chưa kịp viết vì thấy cần đọc lại, ngẫm nghĩ lại kỹ hơn. Nhưng tôi luôn nhìn sáng tạo của nhà văn bằng tất cả sự tôn trọng, bởi tác phẩm của họ là nơi kết đọng văn hóa và hồn vía của họ. Có thể khen, chê, nhưng tất cả phải xuất phát từ cái nhìn khách quan, bằng thái độ liên tài. Điều này khiến tôi yêu quý hơn các thi sĩ thực tài mình yêu mến.

Từ lâu trên thế giới, người ta đã chia ra nhiều loại phê bình và mỗi loại phê bình đều có ưu, nhược riêng. Bản thân mỗi nhà phê bình lại có quan niệm riêng của mình về công việc mà họ đang làm. Trong quan niệm của Nguyễn Đăng Điệp, công việc của nhà phê bình là trình bày những cảm nhận, đánh giá của mình về văn học, chủ yếu là các văn bản nghệ thuật một cách khách quan. Anh cũng nói một sự thật không mấy vui: Nhiều người muốn lánh xa nghề phê bình văn học vì đây là nghề dễ bị tai nạn nghề nghiệp mà không có bảo hiểm. Nhưng theo Nguyễn Đăng Điệp, chính vì thế mà luôn cần đến bản lĩnh thực thụ của nhà phê bình. Có lẽ, Nguyễn Đăng Điệp đã hiểu được một cách sâu sắc: Hướng đến cái mới là bản chất của sáng tạo. 

Còn sứ mệnh của phê bình là khai mở và cổ vũ cho cái mới. Cũng bởi thế, sau mấy chục năm miệt mài theo đuổi nghề nghiệp, đã từng đoạt nhiều giải thưởng quan trọng trong lĩnh vực phê bình văn học nhưng Nguyễn Đăng Điệp vẫn còn đau đáu nhiều nỗi về nghề. Anh chia sẻ: “Cái nghề chữ nghĩa xưa nay vẫn thế, mệt nhọc, thầm lặng và cô đơn. Để có câu thơ hay, phải qua nhiều lần sống, nhiều lần trải nghiệm. Những hạnh phúc mà nhà văn có được nhiều khi phải đánh đổi bằng máu. Điều đáng tiếc là giờ đây, không ít cây bút đương đại vẫn loanh quanh với những cảm xúc vụn vặt, những trò chơi thuần túy hình thức mà không dám sống sâu, sâu với mình và sâu với đời... Vì thế, thơ họ thiếu gốc rễ văn hóa, thiếu phù sa cuộc sống, thiếu lửa. Thế thì làm sao có thơ hay khi mà bản chất thơ, suy cho cùng, vẫn là một thái độ sống, đúng hơn, bản thân nó là một sự sống!”.
Huy Tuấn