07:05 26/07/2025

Người có công được chăm lo toàn diện

Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 là dịp cả nước tưởng nhớ, tri ân những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Nhân dịp kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), phỏng viên báo Tin tức và Dân tộc đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Sỹ Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Nội vụ) xung quanh chủ đề này.

Dịp kỷ niệm 27/7 năm nay, Đảng và Nhà nước có những chính sách như thế nào trong việc chăm lo người có công để cuộc sống tốt hơn, thưa ông?

Thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng luôn được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và toàn xã hội quan tâm.

Ngày 30/6/2025 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 102/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục chăm lo tốt đời sống người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Công điện rất kịp thời để các bộ, ban ngành và chính quyền địa phương thực hiện khi vận hành theo mô hình 2 cấp kịp thời chăm lo cho người có công.

Chú thích ảnh
Ông Bùi Sỹ Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Nội vụ). 

Cũng nhân dịp này, Chủ tịch nước đã tặng quà cho gần 1,6 triệu người có công với cách mạng, tổng kinh phí gần 481 tỷ đồng và hoàn thành trao quà trước ngày 30/6.

Bên cạnh đó, từ 1/7/2024, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi đã tăng lên 2,78 triệu đồng, góp phần cải thiện đáng kể đời sống người có công. Bình quân, mức trợ cấp hàng tháng cho người có công đạt khoảng 2,8 triệu đồng/người/tháng, mức cao nhất lên tới 8,36 triệu đồng/tháng. Các chế độ điều dưỡng, phục hồi sức khỏe người có công cũng được điều chỉnh tăng lên, với mức chi điều dưỡng tập trung bằng 1,8 lần mức chuẩn/người/lần và tại nhà là 0,9 lần mức chuẩn/người/lần.

Trước đó, ngày 22/11/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023 - 2025. Trong đó quy định số tiến hỗ trợ nhà ở cho ngươi có công từ ngân sách Nhà nước (gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) với các mức: Hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ đối với trường hợp xây mới nhà ở; Hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ đối với trường hợp cải tạo, sửa chữa nhà ở. Đồng thời, các địa phương huy động vồn xã hội hóa kết hợp vốn góp của gia đình.

Tại các cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định, tất cả gia đình người có công với cách mạng phải được hỗ trợ xóa xong nhà tạm, nhà dột nát xong trước 27/7.

Với quyết tâm cao của các địa phương, đến nay đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ nêu trên trong dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - liệt sỹ với hơn 44.600 căn.

Về hoàn thiện thể chế chính sách về người có công, Bộ Nội vụ đã xây dựng kế hoạch trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 131/2021/NĐ-CP quy định chi tiết Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, thời gian trình Chính phủ trong quý IV/2025.

Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh chế độ trợ cấp hằng tháng đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến giai đoạn 1965 - 1975, thời gian trình Chính phủ quý III/2025.

Có thể khẳng định, chính sách ưu đãi người có công luôn được đặt ở vị trí ưu tiên trong các quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước. Tính đến nay, cả nước đã xác nhận trên 9,2 triệu người có công với cách mạng, trong đó có hơn 1,25 triệu liệt sĩ, gần 140.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 600.000 thương binh, bệnh binh cùng hàng triệu thân nhân liệt sĩ và người hoạt động kháng chiến.

Trong những năm qua, chế độ ưu đãi được triển khai sâu rộng tới cơ sở. Hơn 1,25 triệu người có công và thân nhân đang được hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng. Cơ bản hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình tại địa phương.

Đối với chính sách xóa nhà tạm và xây nhà mới cho người có công đã được các địa phương trên cả nước thực triển khai ra sao, thưa ông?

Với chương trình này, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu bám sát, nắm chắc tình hình từng hộ gia đình, cập nhật số liệu, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nói đi đôi với làm, làm vì nhân dân, vì đất nước với trách nhiệm cao nhất, sự sẻ chia từ trái tim.

Chú thích ảnh
Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), chiều 15/7/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác Trung ương tới thăm hỏi, tặng quà thương binh, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (phường Ninh Xá, tỉnh Bắc Ninh). Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Đây là chính sách tri ân với người có công với cách mạng. Hoạt động này huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Bên cạnh nguồn ngân sách của Nhà nước, các địa phương huy động nguồn lực của xã hội. Khi triển khai cho thấy, hoạt động được các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm quan tâm hoàn thiện theo mục tiêu này.

Qua phản ánh từ truyền thông, chúng ta thấy một số địa phương như Thanh Hoá, Lạng Sơn, TP Hồ Chí Minh… và một số bộ ngành rất quan tâm tới chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát cho người có công. Sự vào cuộc của chính quyền cấp xã, cấp tỉnh quyết liệt nên tiến độ triển khai nhanh trong thời gian qua.

Đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành chương trình xóa nhà tạm. Theo Bộ Dân tộc và Tôn giáo, tổng số nhà ở cần hỗ trợ đối với người có công trên cả nước hơn 44.600 căn.

Trong bối cảnh cả nước triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ 1/7, công tác “Đền ơn đáp nghĩa” dành cho gia đình liệt sỹ và người có công sẽ được triển khai như thế nào để không bị gián đoạn, thưa ông?

Thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, từ ngày 1/7/2025 kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện. Cục Người có công đã tham mưu Bộ trình Chính phủ cắt giảm thủ tục hành chính; phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho địa phương, nhất là ở cấp xã dự toán, chi trả chế độ cho người có công.

Để việc chi trả trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng được thông suốt, không bị gián đoạn khi chuyển đổi mô hình hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ đã hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện chi trả gộp trợ cấp, phụ cấp tháng 7 và tháng 8/2025 vào một lần cho đối tượng ngay trong tháng 6/2025.

Đối với công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, Bộ Nội vụ và các bộ ngành liên quan thời gian tới triển khai như thế nào cho hiệu quả, thưa ông? 

Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, được đẩy mạnh với quyết tâm cao độ.

Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Quốc phòng các Bộ, cơ quan, Cấp ủy chỉ đạo chính quyền địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và những năm tiếp theo quy định tại Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Chú thích ảnh
Lễ viếng, truy điệu và an táng 12 hài cốt liệt sĩ. tại Quảng Trị.

Bộ phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan, địa phương tổ chức sơ kết triển khai thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính.

Đến nay, hàng nghìn hài cốt liệt sĩ đã được tìm thấy và quy tập về các nghĩa trang.  Công tác xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin, đặc biệt với sự hỗ trợ của công nghệ giám định ADN, đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu. Đến nay, đã có hơn 5.000 hài cốt liệt sĩ đã được xác nhận thông tin, trong đó có 4.468 hài cốt được xác định bằng phương pháp thực chứng và 1.479 hài cốt bằng so sánh, đối khớp ADN.

Bên cạnh đó, khoảng 3.000 nghĩa trang và 4.000 công trình ghi công liệt sĩ trên cả nước luôn được đầu tư xây dựng, tu bổ khang trang, trở thành những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống.

Xin trân trọng cám ơn ông!

XM thực hiện/Báo Tin tức và Dân tộc