05:09 07/05/2011

Người chiến sỹ Điện Biên năm xưa - sống mẫu mực và giàu lòng nhân ái

Tham gia trong đội cảm tử của Sư đoàn 308 đánh trận mở màn tiêu diệt đồn Him Lam đến kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Trần Đức Thắng (xã Nam Cường, TP Lào Cai) từng chứng kiến biết bao đồng đội và đồng bào đã hy sinh xương máu để có được ngày đất nước bình an như hôm nay.

Tham gia trong đội cảm tử của Sư đoàn 308 đánh trận mở màn tiêu diệt đồn Him Lam đến kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Trần Đức Thắng (xã Nam Cường, TP Lào Cai) từng chứng kiến biết bao đồng đội và đồng bào đã hy sinh xương máu để có được ngày đất nước bình an như hôm nay. Ông luôn tâm niệm: "Mình được sống là hạnh phúc lắm rồi", vì vậy ông không quản ngại bất cứ việc gì, hễ có lợi cho dân, cho nước là làm hết sức mình.

Ở vào tuổi 85, tuy không còn làm được việc nặng nhọc đỡ con cháu, nhưng ông Thắng vẫn chặt tre, chẻ lạt, đan rổ rá, sọt thưa đựng hàng bán cho những người đi chợ.

Năm 2005, tỉnh có chủ trương di dời toàn bộ các hộ dân ở xã Nam Cường (cũ) để nhường đất cho quy hoạch xây dựng đô thị mới Lào Cai - Cam Đường. Trong lúc nhiều hộ đang băn khoăn chưa muốn chuyển đến địa điểm mới vì mất đất sản xuất sẽ không biết xoay sở làm nghề gì để sống, thì bằng uy tín của già làng, cựu chiến binh (CCB) Trần Đức Thắng đã đến từng nhà khuyên giải bà con tin tưởng vào đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước thực hiện di chuyển để nhường đất cho tỉnh triển khai xây dựng đô thị mới đảm bảo đúng tiến độ.

Có khoản tiền đền bù ruộng nương và nhà cửa, một số gia đình chưa biết sử dụng vào việc gì để ổn định cuộc sống, CCB Trần Đức Thắng lại chống gậy cùng tổ dân phố và chi bộ đến từng nhà khuyên giải nên tiết kiệm chi tiêu, mua sắm hợp lý, trước mắt phải làm nhà để an cư, sau đó là ưu tiên cho con em học nghề, làm dịch vụ. Nghe theo lời khuyên giải của ông Thắng, nhiều hộ đã bỏ ý định mua sắm xe máy, để đầu tư cho con đi học nghề, mở cửa hàng dịch vụ, nên đã sớm ổn định cuộc sống. Chị Hoàng Thị Gái, dân tộc Giáy, ở thôn Nam Cường 1, vốn làm nghề thuần nông. Được đền bù hơn 100 triệu đồng trong tay, chị Gái lo lắng chưa biết làm gì để vừa làm được nhà ở nơi đất mới, vừa nuôi các con tiếp tục ăn học? Sau khi được tổ dân phố và ông Thắng khuyên bảo, chị đã đầu tư 70 triệu đồng làm nhà, số còn lại chị mua máy làm giò chả, mở gian hàng tạp hóa nên cũng có nguồn thu đáng kể, ổn định cuộc sống. Chị Nông Thị Lan không xa rời nghề nông, nhưng không còn ruộng trồng lúa nước, chị đã thuê 2 sào đất trồng rau, dưa chuột... mỗi vụ bán được 50 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 25 triệu đồng, đủ chi tiêu trong nhà, cuộc sống không bị đảo lộn. "Có được cuộc sống ổn định như ngày hôm nay là nhờ nghe theo lời khuyên của ông già CCB Trần Đức Thắng, nếu không chúng tôi đã mua xe máy và sắm những đồ không cần thiết khác", chị Gái nói.

Ở tuổi 85, nhưng ông Trần Đức Thắng trông vẫn còn khỏe và khá nhanh nhẹn. Người bạn đời gần gũi nhất của ông không còn nữa, nhiều con, cháu đi công tác xa, nhưng ông Thắng không cô đơn vì ông được hàng xóm quý mến, coi như ruột thịt. Từ nguồn phụ cấp tuổi già và lương hưu ít ỏi, cùng khoản thu từ việc đan lát, ông sẵn lòng giúp đỡ hàng xóm lúc khó khăn. Năm 2008, sau khi nghe tin nhiều gia đình CCB ở Trịnh Tường (Bát Xát) bị thiệt hại do cơn bão số 4, trong đó có CCB Phàn Láo Sử, ở thôn Tùng Chỉn 1 bị lũ cuốn trôi nhà cửa, vợ và con. Thấu hiểu hoàn cảnh đồng đội, thông qua tổ chức Hội CCB tỉnh, ông Thắng đã dành số tiền tiết kiệm ít ỏi gửi tặng CCB Phàn Láo Sử 4 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn ủng hộ Chi hội CCB số 6 phường Nam Cường 1 triệu đồng để làm quỹ thăm hỏi hội viên khi ốm đau, hoạn nạn. Nghĩa cử vì đồng đội và hết lòng với công tác xã hội của CCB Trần Đức Thắng đã được Chủ tịch Hội CCB tỉnh tặng Bằng khen.

Nói về CCB Trần Đức Thắng, ông Lý Quang Cấn, Chủ tịch CCB tỉnh Lào Cai không giấu vẻ xúc động và khâm phục: "Ông Trần Đức Thắng đúng là tấm gương chiến sỹ Điện Biên sống mẫu mực và giàu lòng nhân ái. Đây là gương bộ đội Cụ Hồ xứng đáng để lớp lớp chiến sỹ đi sau học tập".

Lục Văn Toán