04:06 10/04/2021

Người chết không giảm, Italy bị nghi tiêm vaccine COVID nhầm đối tượng

Nhìn vào biểu đổ theo dõi số ca tử vong do COVID theo ngày ở Italy, sẽ không thể nói rằng nước này đã triển khai tiêm vaccine từ tháng 12 năm ngoái.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại bệnh viện ở Cailungo, San Marino, Italy, ngày 29/3/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Vào thời điểm mà đại dịch đã trở thành một cuộc chạy đua giữa những quốc gia sở hữu vaccine và một biến thể virus gây chết chóc hơn, hầu hết các nước Tây Âu đã cố gắng giảm được tỷ lệ tử vong nhờ kết hợp giữa các biện pháp phong tỏa và tiêm chủng khẩn trương. 

Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong tại Italy hiện tại vẫn giống y như ba tháng rưỡi trước, dù họ cũng nhận được phần vaccine COVID tương đương các thành viên EU khác. Hôm 7/4, nước này ghi nhận 627 ca tử vong do COVID, mức cao nhất theo ngày tính từ đầu tháng 1 đến nay.

Câu hỏi là có điều gì đã sai ở Italy, đang gây bối rối ở một quốc gia vốn bị ảnh hưởng nặng nề và đã nghĩ rằng mình vượt qua thời điểm tồi tệ nhất. 

Có rất nhiều yếu tố liên quan.  Italy, đất nước có dân số già thứ hai thế giới, cũng đồng nghĩa cần phải tiêm vaccine cho nhiều người già hơn. Ngoài ra, theo các dữ liệu, hồi tháng 2, nước này đã thực hiện chính sách thoáng hơn một chút so với các quốc gia lớn khác ở châu Âu, dẫn đến một làn sóng lây lan cao hơn. Và kể từ đó Italy phải siết chặt trở lại. Cùng lúc đó, một biến thể mới, được cho là gây tử vong nhiều hơn, đã bắt đầu hoành hành tại đây cũng như khắp nơi trên Lục địa già.

Tuy nhiên, một số nhà khoa học và nhà phân tích dữ liệu lại cho rằng, chiến dịch tiêm chủng ở Italy cũng đáng bị đổ lỗi. Họ cáo buộc, Italy đang thực hiện tiêm vaccine nhầm đối tượng khi quá ưu tiên cho các lao động trẻ và khiến nhóm người già trở nên dễ tổn thương hơn trước dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Italy Mario Draghi (phải) cùng phu nhân Maria Serenella Cappello (thứ 2, phải) chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Rome. Ảnh: AFP/TTXVN

Khi tỷ lệ tiêm chủng cho người cao tuổi còn thấp

“Mọi chuyện không được thực hiện một cách thích hợp trong 3 tháng qua, điều đó đã rõ. Nếu không, chúng ta đã không chứng kiến 300 - 400 ca tử vong mỗi ngày như bây giờ”, ông Sergio Abrignani, nhà miễn dịch học và là thành viên của Ủy ban cố vấn khoa học cho chính phủ, nhận xét.  

Trong các quốc gia Liên minh châu Âu, Italy đứng “đội sổ” về tiêm phòng cho những người ở độ tuổi 70 – nhóm rất dễ tổn thương trước COVID-19. Chỉ 2% số người trong nhóm tuổi này được tiêm phòng đầy đủ. Trong khi đó, mọi nhóm tuổi khác ở Italy – bao gồm cả những người ở độ tuổi 20 và 30, đều có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cao hơn.

Italy cũng đang phải trả giá cho quyết định ban đầu là dành toàn bộ giai đoạn 1 của chương trình tiêm chủng chỉ cho các nhân viên y tế - bất kể ở tuyến đầu hay không – thay vì tiêm chủng cho nhóm này cùng lúc với cho nhóm người cao tuổi. 

Hầu hết người dân ở độ tuổi 80 không có sự bảo vệ nào của vaccine cho đến tận tháng 3, một tốc độ đi sau hầu hết các nước châu Âu khác. Kể từ đó Italy đã bắt kịp, tuy nhiên, những người nhiễm virus cách đây vài tuần giờ đang ra đi.

Kết quả là, hồ sơ của các nạn nhân COVID đã thay đổi một chút. Vào tháng 12 năm ngoái, nạn nhân tử vong vì COVID ở Italy có tuổi trung bình là 81, còn giờ là 79.

Chú thích ảnh
Một quán bar đóng cửa khi các biện pháp hạn chế được áp dụng nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan tại Sestriere, Italy ngày 26/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

“Mỗi phút trì hoãn [trong tiêm chủng cho người cao tuổi], sẽ dẫn đến tổn thất rất lớn về sinh mạng”, ông Piero Ragazzini, Tổng giám đốc một công đoàn người nghỉ hưu, cho biết.

Sự tương phản rõ nét nhất với Italy là Pháp, quốc gia đã dành phần lớn số vaccine COVID mình có cho người cao tuổi và đã tiêm ít nhất 1 liều cho 50% dân số ở độ tuổi 70. 

Mặc dù Pháp nổi tiếng với tâm lý thận trọng vaccine và đã khởi đầu chậm, hồi cuối tháng 2, Thủ tướng Jean Castex khẳng định Paris đang dẫn trước các nước khác nhờ tiêm chủng “đúng người”. Bất cứ người Pháp nào ở độ tuổi trên 70 đều có vaccine sẵn sàng phục vụ từ tháng trước.

Pháp và Italy tạo ra một sự so sánh rõ ràng bởi họ khá tương đồng về các quy định phong tỏa và đi lại trong những tháng gần đây.

“Chúng tôi cần tiếp tục tiêm chủng cho những người trên 75 tuổi và tăng cường tiêm cho những người có bệnh nền, bởi thống kê cho thấy họ có nguy cơ nhập viện hoặc bị bệnh nặng cao hơn”, Thủ tướng Castex nói.

Lý do tiêm chưa đúng đối tượng

Khi đánh giá lý do tại sao Italy lại đi chệch hướng, một số chuyên gia đã chỉ ra hệ thống chăm sóc sức khỏe phi tập trung, nơi 20 chính quyền các vùng có quyền lực rộng lớn quyết định nhóm đối tượng nào được tiêm vaccine trước. 

Mặc dù Bộ Y tế của chính phủ trung ương đã đưa ra những hướng dẫn về nhóm người ưu tiên ở giai đoạn bắt đầu tiêm chủng, gồm nhân viên y tế tuyến đầu, cư dân nhà dưỡng lão, người trên 80 tuổi, sau đó mới đến các lao động thiết yếu, nhưng một số vùng vẫn mở cửa rộng rãi cho người lao động các ngành bình thường, trong khi lại chậm trễ dành vaccine cho những người trên 70 tuổi.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại bệnh viện ở Cailungo, San Marino, Italy, ngày 29/3/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Những tuần gần đây, báo chí Italy xôn xao nhiều câu chuyện về việc tiêm chủng cho các đầu bếp, người mẫu, thẩm phán. Một số cuộc điều tra đã bắt đầu. Thủ tướng Italy, Mario Draghi cũng chỉ trích một số vùng đã lơ là người cao tuổi và các nhóm ưu tiên. 

Có một nguyên nhân chính đáng là Italy đã tiêm chủng cho người lao động trung tuổi do không có lựa chọn sau khi Cơ quan quản lý dược quốc gia khuyến cáo vaccine AstraZeneca chỉ nên sử dụng cho người dưới 55 tuổi. Tuy nhiên, các quan chức cho rằng ngay cả khi hướng dẫn này được dỡ bỏ, tức là vaccine Astra được phê duyệt cho toàn dân, thì các vùng ở Italy vẫn chậm chễ trong điều chỉnh chiến lược.

Ngoài ra, vẫn còn những câu hỏi về lý do một số người trẻ vẫn được tiêm vaccine. Theo dữ liệu của chính phủ, khoảng 250.000 người ở độ tuổi 20 và 30 đã được tiêm vaccine COVID dù không phải là giáo viên, nhân viên y tế, hay nhân viên thực thi pháp luật – thuộc nhóm lao động thiết yếu. 

"Ở một số vùng họ tiêm cho nhà báo. Vùng khác họ tiêm cho luật sư”, ông Roberto Burioni, giáo sư về vi sinh học và virus học tại Đại học Ssan Raffaele ở Milan nói.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Washington Post)