05:08 08/05/2012

Người Bồ Đào Nha bỏ phố về quê

Mất niềm tin vào những “lời hứa suông” của thành phố và “nghẹt thở” bởi chính sách khắc khổ mà chính quyền đang thực hiện để đối phó với khủng hoảng kinh tế, nhiều người Bồ Đào Nha đang rời bỏ thành phố để về sống ở nông thôn.

Mất niềm tin vào những “lời hứa suông” của thành phố và “nghẹt thở” bởi chính sách khắc khổ mà chính quyền đang thực hiện để đối phó với khủng hoảng kinh tế, nhiều người Bồ Đào Nha đang rời bỏ thành phố để về sống ở nông thôn.


Sau 2 năm làm cố vấn kỹ thuật cho một công ty thực phẩm ở Lixbon, Jose Diogo đã quyết định “chạy trốn” cuộc sống thành thị ngay khi cuộc khủng hoảng nợ ở Bồ Đào Nha nổ ra vào năm 2009 và anh không hề hối tiếc về quyết định của mình. Diogo, người giờ đây là chủ một trang trại trồng táo và đàn bò hơn 30 con, tâm sự: “Tôi rời Lixbon và quyết định quay lại quê nhà để nắm lấy cơ hội làm giàu tại đây”.


Chính phủ Bồ Đào Nha cũng đang khuyến khích dân chúng noi gương Diogo. Tháng 2/2012, chính phủ đã khởi động sáng kiến khoanh những vùng đất ruộng chưa sử dụng và đất không rõ chủ nhằm chuyển thành đất cho thuê cho những người có nhu cầu. Chính phủ cũng thông qua một cơ chế trao đổi đất mà theo đó các chủ sở hữu đất chưa sử dụng sẽ được ưu đãi thuế nếu họ cho thuê lại đất để canh tác. Dự kiến có khoảng 1,5 triệu ha đất sẽ có thể được cho thuê khai thác theo cơ chế này. Theo lời Bộ trưởng Nông nghiệp Assuncao Cristas, trong thời buổi khó khăn hiện nay thì đây là “một cách để tạo ra thu nhập cho người dân, kể cả người có đất cho thuê lẫn những người thuê đất để canh tác”.


 

Khủng hoảng kinh tế khiến nhiều người Bồ Đào Nha tìm về với cuộc sống đồng quê. Ảnh: Internet

 

Một trong những mục tiêu của cơ chế trao đổi đất còn nhằm tăng thêm diện tích đất canh tác, để vừa năng suất vừa giảm chi phí sản xuất. Bộ trưởng Cristas cho biết “Bồ Đào Nha đang ở thời điểm bước ngoặt về vấn đề đất đai. Có nhiều người đã cam kết trở lại nông thôn để đầu tư”.


Chính sách này đánh dấu sự đảo ngược so với chính sách trước đây. Sau khi Bồ Đào Nha gia nhập Liên minh châu Âu (EU) năm 1985, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy bởi các ngành công nghiệp và dịch vụ tập trung tại hai thành phố lớn nhất nước là Lixbon và Porto.


Tại khu vực nghèo nhất và xa xôi nhất của Bồ Đào Nha mang tên Tras - os - Montes, một nhóm cựu dân thành phố có tham vọng lớn hơn.


Frederico Lucas đến từ Lixbon để mở một công ty tư vấn có tên New Settlers, nhằm thu hút người dân thành phố trở về nông thôn lập nghiệp. Được chính quyền địa phương hỗ trợ tài chính, New Settlers đã tìm được những người thực sự muốn bắt đầu cuộc sống mới ở khu vực xa cách thành thị này. Công ty giúp họ hoàn thiện kế hoạch kinh doanh, giúp các gia đình tái định cư và hòa nhập với nền kinh tế địa phương, đồng thời cũng giúp họ cắt giảm những thủ tục hành chính rườm rà. Lucas cho biết kể từ khi công ty bắt đầu đưa các gia đình đến định cư ở Tras - os - Montes cuối năm ngoái, họ đã luôn phải cố gắng để đáp ứng nhu cầu. Hiện đã có 1.000 gia đình đăng ký, 32 gia đình đã chuyển đến đây và sẽ có thêm 30 gia đình nữa gia nhập “khu kinh tế mới” vào cuối năm nay.


Trong thập kỷ qua, dân số ở Lixbon và Porto đã lần lượt giảm 3% và 10%, tương đương 15.000 và 26.000 người. Điểm đến mới của những cựu dân thành phố này không đâu khác chính là nông thôn và các vùng ngoại ô với lý do đơn giản: họ không thể kham nổi chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở thành phố.


Với những người không muốn rời khỏi thành phố thì cơ chế mới do thành phố Lixbon đưa ra cho phép người ta thuê những mảnh đất nhỏ ở ngoại ô để trồng trọt cũng hấp dẫn khá nhiều người. Sống ở một đất nước mà tỉ lệ thất nghiệp đang ở mức cao kỷ lục 14% thì không có gì khó hiểu khi ngày càng có nhiều người quay sang trồng vườn để tự túc cái ăn.


Ông Joao Fernandes, 72 tuổi, cho biết ông đã dễ dàng tiết kiệm được 150 euro mỗi tháng nhờ vườn rau ở Quinta da Granja, một “thiên đường xanh” ở Lixbon đã may mắn tồn tại được bên cạnh một trong những trung tâm thương mại lớn nhất châu Âu và sân vận động 65.000 chỗ ngồi, Benfica Luz. “Thay vì mua thực phẩm, tôi có tất cả những gì tôi cần”, ông Fernandes cho biết khi truyền kinh nghiệm làm vườn cho một người hàng xóm. “Tôi trồng đậu, cà chua, khoai tây và cải bắp. Tất cả đủ cho nhu cầu của gia đình tôi gồm hai vợ chồng và hai đứa con trai”.


Ông Jose Sa Fernandes, Ủy viên Hội đồng thành phố Lixbon, cho rằng các mảnh vườn nhỏ không chỉ giúp người dân chống đỡ khó khăn kinh tế mà còn như liều thuốc tinh thần giúp họ đủ kiên cường để vượt qua hoàn cảnh khó khăn hiện nay.


Đỗ Sinh (Theo Reuters)