07:07 17/07/2017

Người bệnh binh giàu lòng nhân ái, giỏi làm giàu

Đến khu vực Chợ Sắt An Lạc (phường An Lạc, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) hỏi thăm ông Phạm Đình Hán (sinh năm 1952), bệnh binh 2/4 và nạn nhân chất độc hóa học mức 41%, bà con lối xóm luôn dành cho ông nhiều lời khen ngợi và tình cảm quý mến.

Ông Phạm Đình Hán cùng những sản phẩm kinh doanh tại cửa hàng.

Ông Hán không chỉ là một người giàu nghị lực vượt khó, đưa kinh tế gia đình từ chỗ thiếu trước hụt sau vươn lên khấm khá mà còn là một đảng viên gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào tại địa phương và hỗ trợ các thương, bệnh binh đồng hoàn cảnh cùng vượt lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. 

Năm 1970, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đang vào giai đoạn gay go, ác liệt, ông Phạm Đình Hán khi ấy vừa tròn 18 tuổi, đang sống tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đã tình nguyện lên đường nhập ngũ. Ông được cử vào lực lượng Quân giải phóng tập kết từ miền Bắc vào miền Nam, tham gia nhiều trận đánh khốc liệt trên khắp các chiến trường để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Năm 1975, khi đất nước đã hoàn toàn độc lập, ông Hán gặp và kết hôn với vợ tại Vĩnh Long. 

Đến năm 1980, ông cùng gia đình chuyển đến Cần Thơ sinh sống với hy vọng vào một tương lai an lành, no ấm. Không may, thời điểm đó, ông Hán phát hiện mình bị nhiễm chất độc hóa học khi đứa con gái đầu lòng vừa sinh ra đã mang dị tật; cơ thể ông cũng chịu nhiều di chứng nghiêm trọng từ chiến tranh khiến sức lao động giảm sút chỉ còn 40%. 

Cuộc sống khó khăn muôn phần nhưng ông Hán quyết tâm vượt lên, đưa gia đình mình thoát nghèo. Với tính cách nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, ông Hán sớm nhận ra tiềm năng của ngành kinh doanh vật liệu xây dựng sắt thép trong bối cảnh kinh tế địa phương đang phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa nên bắt tay vào mở tiệm thu mua, chế biến dây điện, bình hơi và phụ tùng máy tàu bằng nhôm, sắt. 

Thời gian đầu, kinh tế khó khăn, ông mở căn tiệm chỉ rộng vài mét vuông nhờ số tiền ít ỏi gom góp, vay mượn từ bà con, họ hàng và trợ cấp từ phía chính quyền địa phương. Nhà không có phương tiện di chuyển, hàng ngày, ông cùng vợ quẩy chiếc đòn gánh nhỏ đi khắp nơi thu gom nguyên vật liệu về chế biến, cải tạo rồi tiếp tục đem giao thành phẩm cho khách. 

Với tinh thần cầu tiến, chịu khó học hỏi những kinh nghiệm sản xuất hay, ông Hán nhanh chóng tạo được sự tín nhiệm, tin tưởng với khách hàng. Khi tích lũy được một số vốn nhỏ, ông mạnh dạn mời những người thợ giỏi nghề về phụ giúp mình, đồng thời hỗ trợ phổ biến kiến thức, kỹ thuật về cải tạo, kinh doanh phụ tùng nhôm, sắt đến những người bạn, người đồng chí sinh hoạt chung trong Chi hội Cựu chiến binh phường An Lạc, giúp các hội viên có nền tảng vững chắc để khởi nghiệp, thoát nghèo. 

Trải qua nhiều năm vất vả, người cựu chiến binh từ hai bàn tay trắng giờ đây đã là chủ của 3 căn tiệm chuyên cung cấp, kinh doanh phụ tùng máy móc bằng nhôm, sắt có tiếng tại khu vực Chợ Sắt An Lạc, quận Ninh Kiều, tạo việc làm cho trên 25 lao động, trong đó có nhiều người là con em của các cựu chiến binh tại phường, với mức lương từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng. 

Sản phẩm bình hơi, phụ tùng sắt của ông được nhiều công ty, doanh nghiệp ở Cần Thơ đến thu mua tận nơi với số lượng lớn để phục vụ sản xuất; trừ chi phí, mỗi năm việc kinh doanh của ông lãi hơn 100 triệu đồng. Nhờ nguồn thu nhập ổn định, ông Hán có điều kiện lo cho con, cháu ăn học đến nơi đến chốn. Cuộc sống gia đình đến nay sung túc, đầm ấm. 

Bên cạnh việc chí thú làm ăn, ông Hán còn tích cực tham gia các phong trào, công tác xã hội tại địa phương, nổi bật là việc sáng lập chương trình hỗ trợ vay vốn cho các hội viên Chi hội Cựu chiến binh và Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin phường An Lạc với kinh phí được vận động chủ yếu từ Ngân hàng chính sách hoặc do chính các hội viên có kinh tế ổn định tình nguyện đóng góp. 

Đến nay, chương trình đã giúp hàng chục lượt hội viên có vốn để khởi sự buôn bán, vượt khó thoát nghèo. Ông Hán chia sẻ: Bản thân là một cựu chiến binh, tôi nhận thấy đời sống của nhiều cựu binh sinh sống tại địa bàn còn gặp khó khăn nên rất muốn làm điều gì đó có ích để giúp những người đồng chí, đồng đội ổn định cuộc sống, mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm hơn nữa cho lao động ở địa phương. 

Từ sự nhiệt tình, gương mẫu của ông Hán, anh em hội viên rất quý mến, cấp trên tin tưởng. Từ năm 2002, ông Hán được tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Chi hội Cựu chiến binh phường An Lạc, đồng thời được vinh dự bầu làm Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin phường An Lạc. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Ninh Kiều cho biết: Ông Hán là một tấm gương sáng về nghị lực vượt khó. Tuy sức khỏe giảm sút, lao động gặp nhiều khó khăn nhưng bao năm qua ông Hán luôn nỗ lực, tìm tòi học hỏi những mô hình sản xuất hay để áp dụng và phổ biến lại cho người dân trong khu vực. 

Gia đình ông Hán là gia đình văn hóa tiêu biểu của phường An Lạc; vợ chồng đồng lòng nuôi dạy các con, các cháu nên người. Bên cạnh đó, ông Hán còn gương mẫu đi đầu trong các phong trào an ninh, xã hội như vận động hội viên Chi hội Cựu Chiến binh và người dân tại địa phương góp quỹ để xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách; chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng; hỗ trợ học phí, sách vở cho học sinh nghèo và con em của cựu chiến binh, gia đình có công với cách mạng. 

Đôi lúc kinh phí không đủ, ông Hán sẵn sàng tự bỏ tiền túi ra ủng hộ; nhiệt tình giúp đỡ, động viên các cựu chiến binh cùng hoàn cảnh như mình tự thân thoát nghèo. Tấm lòng của ông được anh em hội viên và các cấp lãnh đạo tin tưởng, quý mến, gọi ông là “mạnh thường quân” của thương, bệnh binh phường An Lạc.

Bài và ảnh: Hồng Giang (TTXVN)