12:07 14/12/2017

Người bác sĩ tâm huyết với chuyển giao kỹ thuật tim mạch

Từ những năm 2010, khi chưa có Đề án bệnh viện tinh, BS Trần Đắc Đại, Trưởng khoa Tim trẻ em, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E, đã rất tích cực cùng đồng nghiệp tham gia hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật tim mạch cho các bệnh viện tuyến dưới.

BS Trần Đắc Đại, Trưởng khoa Tim trẻ em, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E, khám sàng lọc tim bẩm sinh miễn phí cho trẻ em từ 0-16 tuổi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: TX.

Hiệu quả phối hợp tuyến trên và tuyến dưới

Vẫn luôn phải dõi theo bé trai Mễ Minh Khôi chưa đầy tháng tuổi tuổi trên giường bệnh tại khoa Tim Trẻ em, Bệnh viện E, nhưng với vợ chồng anh Mễ Văn Quý (23 tuổi, ở Thanh Lâm, Ba Chẽ, Quảng Ninh), như vậy là đã quý lắm rồi, chứ đã có lúc cả hai anh chị đã không thể khóc nổi vì sợ rằng sẽ phải mất đứa con đầu lòng mãi mãi.

Anh Quý kể, mới sinh được hai ngày tuổi, bé Khôi đã bỏ bú, không ăn, khi khóc thì bị tím môi, chân tay và khó thở... Vội vàng đưa bé lên Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ninh, gia đình tá hỏa khi nghe bác sĩ thông báo: Cháu mắc bệnh tim, tình trạng rất nguy kịch, nguy cơ tử vong cao ngay trên đường cấp cứu lên bệnh viện tuyến trên.

"Nghe thấy vậy, cả hai vợ chồng tôi đều choáng váng, thương con, sợ mất con trong gang tấc mà không biết phải làm sao. Nhưng may sao các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiếp tục cho biết: Đã mời bác sĩ Bệnh viện E về can thiệp ngay tại địa phương. Ngay buổi trưa hôm đó, bác sĩ Đại đã về Quảng Ninh và can thiệp tim mạch, giúp cháu Khôi có thêm cơ hội sống", anh Mễ Văn Quý chia sẻ.

Sau đó, bé Khôi tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện E và được phẫu thuật khi tròn 2 tuần tuổi. Do thể trạng yếu nên giờ bé còn phải điều trị tràn dịch màng phổi. Tuy nhiên, nỗi lo này không thấm vào đâu so với thời điểm phát hiện bé Khôi mắc bệnh tim, vì qua giai đoạn điều trị này, vợ chồng anh Quý sẽ được đón con về chăm sóc trong niềm vui và vòng tay thương yêu của cả gia đình.

Trao đổi chúng tôi, BS Trần Đắc Đại cho biết, trường hợp của bé Khôi là một trong số rất nhiều bệnh nhi đã được chẩn đoán, điều trị, phẫu thuật thành công trên cơ sở phối hợp, chuyển giao kỹ thuật giữa bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới, theo Đề án bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế.

"Tuy mới thành lập nhưng nhờ sự quyết tâm, chủ động tiếp nhận kỹ thuật mới, Bệnh viện Sản - Nhi Quảng hiện đã triển khai được rất nhiều kỹ thuật nhi khoa, đặc biệt là tim bẩm sinh như siêu âm, chẩn đoán trước sinh. Tới đây, bệnh viện còn trang bị máy móc để triển khai can thiệp tim mạch. Sau chuyển giao kỹ thuật, mỗi khi tuyến dưới có ca bệnh phức tạp, chúng tôi đều trao đổi với nhau để tìm ra hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Trường hợp khó thì các bác sĩ Bệnh viện E sẽ trực tiếp xuống để cùng hỗ trợ tuyến dưới", BS Đại cho biết.

Bé Mễ Minh Khôi, ở Quảng Ninh, được cứu sống nhờ sự phối hợp chuyển giao kỹ thuật hiệu quả giữa Bệnh viện E và Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh.

Theo BS Đại, ngoài Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ninh, với sự hỗ trợ của Bệnh viện E, các bệnh viện Sản - Nhi Hải Phòng, Đà Nẵng, Thái Nguyên... cũng đã làm tốt công tác phát hiện, điều trị, can thiệp, phẫu thuật tim mạch.

Đáng mừng là phong trào chẩn đoán tim bẩm sinh trước sinh đã mở rộng hơn rất nhiều. Việc chuyển giao kỹ thuật không còn là phương pháp đến tận nơi mà mỗi khi phát hiện bệnh nhân có vấn đề, bác sĩ tuyến dưới chỉ cần hướng camera vào màn hình là các bác sĩ tuyến trên đã có thể đưa ra chẩn đoán ban đầu. Nếu chỉ là những vấn đề đơn giản thì bệnh nhân sẽ được điều trị ngay tại địa phương mà không phải đi lên tuyến trên; nếu là dị tật nặng thì bác sĩ tuyến trên sẽ cho ý kiến làm thêm các kỹ thuật chẩn đoán khác nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong điều trị nhưng giảm chi phí và phiền hà cho người bệnh.

Cần "khoanh vùng" chuyển giao kỹ thuật


BS Trần Đắc Đại cho biết, từ những năm 2010, anh và các đồng nghiệp Bệnh viện E đã tham gia rất nhiều chuyến đi tình nguyện đến 100% các tỉnh miền núi phía Bắc để khám, giảng bài, chuyển giao kỹ thuật trực tiếp qua những lần khám tại địa phương... Phần lớn các bác sĩ Bệnh viện E khi ấy đều tình nguyện chuyển giao kỹ thuật, không có một chế độ chính sách nào nhưng tất cả đều nhiệt tình tham gia chỉ vì muốn góp phần giải quyết tình trạng tồn đọng quá nhiều trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh.

So với thời điểm đó, việc chuyển giao kỹ thuật tim mạch theo Đề án bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế những năm gần đây đã cụ thể hơn, đối tượng hưởng lợi rộng hơn. Cụ thể, các nhà quản lý giải quyết được vấn đề chuyên môn, các tuyến được chuyển giao kỹ thuật. Trước đây, khái niệm điều trị tim bẩm sinh rất mờ nhạt; đến độ nhiều người nghĩ tim bẩm sinh là tử vong, nhưng hiện nay, đến 80% ca bệnh được chữa chữa khỏi. Nghĩa là, đã có sự chuyển dịch về chuyên môn, ngày càng có nhiều bác sĩ được đi đào tạo sâu về tim mạch.

Bên cạnh đào tạo nhân lực, trang thiết bị cũng được đầu tư phù hợp với kỹ thuật chuyển giao từ tuyến trên với nhiều nguồn khác nhau như: Ngân sách nhà nước, tổ chức quốc tế... Có bệnh nhân, có đội ngũ y bác sĩ được đào tạo, có trang thiết bị... nhiều tỉnh đã dần phát triển các kỹ thuật chuyên sâu như can thiệp, phẫu thuật tim mạch thay vì chỉ khám, phát hiện điều trị lúc ban đầu.

"Triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh, đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất vẫn là người bệnh. Thực tế, hiện tượng bỏ xót bệnh nhân tim bẩm sinh, bệnh nhân bỏ đi vì phải chờ đợi phẫu thuật lâu ngày một ít dần, hầu hết những bệnh nhi cần phải mổ giai đoạn đều được phẫu thuật", BS Trần Đắc Đại cho biết.

BS Trần Đắc Đại thăm khám cho bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh nặng, được Bệnh viện Sản - Nhi Đà Nẵng giới thiệu lên Bệnh viện E điều trị.

Nhưng bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế vẫn có những bệnh viện tuyến dưới triển khai tiếp nhận kỹ thuật mới rất lâu mà không thể triển khai, phát triển được cho dù đã đầu tư trang thiết bị quá mức.


Theo BS Đại, để hoạt động chuyển giao kỹ thuật hiệu quả cần sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo bệnh viện, địa phương... Mặt khác, để tránh đầu tư dàn trải, cần "khoanh vùng" các cơ sở y tế triển khai tim mạch can thiệp, tại một số địa phương chỉ nên chuyển giao để các bác sỹ có kiến thức phát hiện chẩn đoán, điều trị tim mạch chứ không nên triển khai can thiệp, phẫu thuật tim mạch.


"Có những nơi, bác sỹ tuyến dưới không hào hứng với việc chuyển giao kỹ thuật, đều đó cũng không thể trách họ được vì theo chuyên ngành tim mạch rất vất vả. Với các bệnh viện ở thành phố lớn, các bác sĩ tim mạch có thể sống được với nghề vì số lượng bệnh nhân đông. Trong khi đó, ở các bệnh viện tỉnh, một tháng chỉ can thiệp khoảng 2 ca và không ai trả lương cao để làm công việc ít như vậy. Vậy nên, rất có sự quan tâm và chính sách ưu đãi đặc biệt trong phát triển nguồn nhân lực tại các địa phương", BS Đại chia sẻ trước khi chào tạm biệt để còn hướng dẫn điều trị cho 2 gia đình bệnh nhi đang chờ được gặp.


Liên tục tránh trả lời những câu hỏi về hiệu quả chuyển giao kỹ thuật của cá nhân cho tuyến dưới, BS Đại lại chủ động hướng chúng tôi về những vấn đề để triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh ngày một hiệu quả hơn.


Thế nhưng, đằng sau những chia sẻ ấy vẫn cho thấy một bác sĩ Trưởng khoa Tim trẻ em rất tâm huyết với hoạt động chuyển giao kỹ thuật tim mạch. Bởi một lẽ, anh hiểu việc gia đình bệnh nhi tìm đến được bác sĩ cuyên khoa tim bẩm sinh đã khó nhưng việc có được kinh phí lên bàn mổ còn khó khăn hơn gấp nhiều lần: Đã có cháu chẳng thể sống và chờ được đến ngày phẫu thuật...


Do đó, dù bận quản lý khoa Tim trẻ em với 44 giường bệnh, có lúc cao điểm lên đến 80 - 90 bệnh nhi, nhưng BS Trần Đắc Đại vẫn luôn sắp xếp được thời gian để mỗi tháng đi chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới 2 - 3/lần. Động lực để anh và đồng nghiệp nỗ lực thực hiện hoạt động này ngày một hiệu quả hơn chính là niềm hạnh phúc của các bậc cha mẹ khi con trẻ được cứu sống hoặc sức khỏe của các cháu đã trở lại bình thường, có thể vui đùa, học tập như bao bạn bè cùng trang lứa.

 

Hà Phương