12:23 28/12/2011

Người anh hùng dân tộc Pa Kô

Giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, người anh hùng dân tộc Pa Kô với lòng dạ sắc son, gan góc, dũng cảm, kiên cường khi trực tiếp chiến đấu 22 trận, tiêu diệt 44 tên địch và chỉ huy hàng trăm trận đánh khiến quân địch bao phen khiếp sợ.

Giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, người anh hùng dân tộc Pa Kô với lòng dạ sắc son, gan góc, dũng cảm, kiên cường khi trực tiếp chiến đấu 22 trận, tiêu diệt 44 tên địch và chỉ huy hàng trăm trận đánh khiến quân địch bao phen khiếp sợ. Những chiến công oanh liệt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông đã trải qua hàng chục năm, nhưng nếu một lần được hỏi bất cứ người con dân tộc Pa Kô cũng không thể nào quên những chiến tích oanh liệt năm xưa của ông để lại. Người anh hùng dân tộc Pa Kô mà chúng tôi muốn nhắc đến có tên Hồ Vai (tức Anh hùng Hồ Đức Vai), 72 tuổi, trú tại thị trấn A Lưới, huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Người con của đồng bào Pa Kô

Dưới cơn mưa nặng hạt, cộng với cái lạnh thấu da thịt những ngày đông cuối tháng 12 năm Tân Mão 2011, chúng tôi tìm về thị trấn A Lưới để gặp Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Vai. Người anh hùng năm xưa đã anh dũng, kiên cường đánh giặc, phá tan xiềng xích của bọn đế quốc Mỹ, góp công dệt nên những trận thắng hào quang cho dân tộc. Với tài trí mưu lược hơn người, lòng tận tụy và quyết tâm của Anh hùng Hồ Vai thủa nào nay ở cái tuổi “thập cổ lai hy” nhưng vẫn tận lực với đời, nhiệt tình tham gia các hoạt động công tác xã hội, giúp đỡ người nghèo, neo đơn và các gia đình có công với cách mạng. Đặc biệt, những kí ức hào hùng năm xưa và quãng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời khi được gặp Bác Hồ vẫn còn in hằn trong trái tim và tâm trí của ông.

Mặc dù ở cái tuổi xế chiều nhưng Anh hùng Hồ Vai vẫn tận lực với đời, giúp đỡ buôn làng


Gặp chúng tôi, dù đang bị bệnh tim nhưng Anh hùng Hồ Vai vẫn ngồi dậy để tiếp chuyện, kể say sưa về những trận đánh của quân và dân A Lưới ngày nào. Trong quãng thời gian hoạt động cách mạng của mình, điều mà làm ông nhớ nhất đó là khoảng thời gian kháng chiến chống giặc ngoại xâm oanh liệt của nhân dân và đồng bào dân tộc Pa Kô A Lưới. Tiêu biểu nhất, phải kể đến các cột mốc lịch sử vĩ đại giai đoạn từ năm 1961-1962. Anh hùng Hồ Vai nhớ lại: “Khoảng thời gian kể trên, A Lưới là một trong những căn cứ địa cách mạng tử huyệt, chiếm giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong kháng chiến cứu nước. Thời đó, bà con dân tộc Pa Kô nói riêng và quê hương A Lưới nói chung là cái nôi của những cuộc cách mạng, hễ có địch xuất hiện là tinh thần chiến đấu chống giặc của tất cả bà con trong quần chúng nhân dân lại lên cao, ai nấy đều nêu cao tinh thần kháng chiến đánh giặc ngoại xâm, bằng mọi cách phải tìm địch mà diệt, đẩy lùi cuộc tiến công của địch. Chính vì vậy, lúc bấy giờ, giặc Mỹ liên tục đổ quân đóng tại đồn Aso (xã Đông Sơn) để mở các cuộc càn quét bằng các phương tiện vũ trang hiện đại; chúng thả bom napan khắp các núi rừng, suốt các ngày đêm sát hại dã man đồng bào ta. Chứng kiến cảnh quân đội Mỹ dùng hình thức tàn độc giết hại bà con, ông không thể nén chịu cái cảnh đau thương nhìn các anh (chị), trẻ em bị chôn vùi dưới bom đạn của địch nên đã tình nguyện tham gia đội du kích địa phương vào năm 1961 và được phân công làm công tác liên lạc. Một năm sau, ông chính thức được nhập ngũ ở cái tuổi 22. Với lòng nhiệt huyết, tinh thần cách mạng và lòng gan dạ quyết tâm đánh đuổi quân thù năm ấy bao lần khiến cho địch phải run sợ.

Hai năm sau đó, đến năm 1963, từ mặt trận kháng chiến ông lại được gọi về phục vụ chiến đấu và chỉ huy đội quân du kích tại địa phương. Với cương vị là Xã Đội trưởng xã Thượng Ninh (nay là xã Hồng Bắc), trong những năm kháng chiến ông đã chỉ huy nhiều trận đánh giặc có tầm ảnh hưởng lớn đến tinh thần đấu tranh của đồng bào vùng cao lúc bấy giờ. Từ những trận đánh anh dũng và tài trí trong nhiều cuộc chiến, cái tên Hồ Vai đã lan nhanh đến khắp buôn làng người Pa Kô sinh sống, trở thành biểu tượng của lòng anh dũng trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm.

Dấu ấn sâu đậm sau những lần được gặp Bác Hồ

Trong những năm tháng hoạt động cách mạng và đã từng trải qua nhiều tai ương, sóng gió dưới bom đạn kẻ thù, sự khắc nghiệt của thời tiết thiên tai thời đánh Mỹ. Những kỷ niệm vui buồn đều gắn chặt theo năm tháng và in sâu trong trái tim ông. Nhưng khi được hỏi, trong số tất cả kỷ niệm sâu đậm ấy, kỷ niệm nào mà ông cho là thiêng liêng nhất thì ông cười và bảo rằng: “Nhiều lắm chú ạ, kỷ niệm nào bây giờ cũng đều đã khắc sâu vào trái tim tôi. Nhưng trong tất cả quãng thời gian làm cách mạng, thời khắc vẻ vang, tự hào nhất đó là những lần được nhìn thấy hình ảnh Bác Hồ bằng da, bằng thịt”.

Tấm ảnh chụp chung với Bác Hồ năm 1965 được Anh hùng Hồ Vai gìn giữ như báu vật.

Nhấp nhẹ một ngụm nước, ông xúc động kể lại: “Năm 1964, vinh dự được địa phương chọn đi dự Đại hội Chiến sĩ Anh hùng thi đua toàn miền Nam được tổ chức tại Tây Ninh để đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong số 32 cán bộ chiến sĩ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực Lượng vũ trang, có 2 du kích người dân tộc thiểu số, trong đó có mình và anh Pi Năng Tăk, dân tộc Răglai (tỉnh Ninh Thuận). Trong dịp đầu tiên trong đời được gặp Bác, lúc ấy, khi nghe nói mình là người thiểu số, Bác đã ân cần đến căn dặn: “Cháu đã ra miền Bắc thì phải ở lại học cái chữ cho đến lớp 9 rồi hãy về Nam. Có học như thế mới nói tiếng Kinh rõ được, làm cán bộ của đồng bào được, phục vụ cách mạng...”.

Ở giữa thời khắc ấy, dù cái bụng của chàng thanh niên Pa Kô rất muốn ở lại miền Bắc, nhưng vì miền Nam lúc đó các anh em, đồng bào, chiến sĩ cách mạng còn đang trải qua những tháng ngày cực khổ và sống trong những chuỗi ngày khó khăn khi mà địch liên tục mở các cuộc công kích, oanh tạc tàn bạo nhằm trả thù, giết hại bà con. Đứng trước ngưỡng cửa như vậy, Anh hùng Hồ Vai đã trả lời Bác bằng một câu rất thật thà, khiến Bác vô cùng xúc động: “Dạ thưa Bác, cháu phải trở về miền Nam để cùng đồng bào tham gia góp công sức vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, để miền Nam mau chóng được giải phóng để mời Bác vô thăm đồng bào cháu!”.

Rồi liên tục các năm sau đó, Anh hùng Hồ Vai luôn được gặp Bác và được ăn cơm, trò chuyện thân mật với Bác. Bây giờ, mặc dù ở cái tuổi xế chiều nhưng Anh hùng Hồ Vai vẫn nhớ như in từng lời căn dặn của Bác trong lần gặp gỡ thứ 3 vào năm 1967: “Là một cán bộ, khi làm việc, tiếp xúc với nhân dân cháu phải nhớ việc gì trái dù nhỏ nhất cũng phải tránh, việc gì phải dù khó khăn đến mấy cũng phải làm cho bằng được”.

Ông nhớ như in cái ngày được gặp Bác tại Phủ Chủ tịch, khi ấy Bác khen ông là người biết học hỏi, cần cù, chăm chỉ. Sau đó, ông vinh dự được cùng Bác và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm các Đại sứ quán của các nước.

Thắp nén nhang trên bàn thờ Bác Hồ được ông đặt ngay ngắn ở giữa bàn thờ tổ tiên, rưng rưng xúc động, ông nói: “Khi xưa được trực tiếp gặp Bác bằng da, bằng thịt. Bây giờ, Bác đã ở cõi vĩnh hằng rồi. Nhưng dù vậy, đồng bào Pa Kô mình vẫn luôn khắc ghi lời dạy của Bác, nguyện đem tất cả sức lực và trí tuệ để phục vụ quê hương, đất nước”.

Bài và ảnh: Trọng Nguyễn