07:22 03/07/2014

Ngư dân tin tưởng gói 16.000 tỷ đồng đóng tàu vỏ sắt

Chủ trương đóng tàu vỏ sắt khai thác đánh bắt hải sản trên biển với gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng của Chính phủ đang là tin vui cho ngư dân cả nước.

Chủ trương đóng tàu vỏ sắt khai thác đánh bắt hải sản trên biển với gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng của Chính phủ đang là tin vui cho ngư dân cả nước.

Ngư dân Kiên Giang kiến nghị Chính phủ nhiều giải pháp trong triển khai thực hiện, vừa để nguồn vốn đầu tư sinh lợi và bảo toàn, con tàu của ngư dân khai thác đánh bắt hải sản hiệu quả, cải thiện đời sống, vừa góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội nghề cá thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang phấn khởi: Phải khẳng định rằng, gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng cho ngư dân đóng tàu vỏ sắt để khai thác hải sản của Chính phủ rất hữu ích. Bà con ngư dân hoan nghênh, đón nhận và kỳ vọng chủ trương này sớm triển khai thực hiện ở Kiên Giang. Đóng được tàu vỏ sắt, với trang thiết bị hiện đại sẽ đảm bảo an toàn khi ra khơi, ngư dân yên tâm bám biển sản xuất hiệu quả hơn, nhất là ở những ngư trường xa bờ.

Theo ông Ngữ, với đặc thù vùng biển Tây Nam nước cạn, phong ba bão tố xuất hiện không nhiều như ở biển Đông thì cần nghiên cứu thiết kế kỹ thuật con tàu vỏ sắt sao cho phù hợp với ngư trường và ngành nghề khai thác truyền thống của ngư dân địa phương mới phát huy được giá trị con tàu, mang lại hiệu quả kinh tế.

Ông Ngữ kiến nghị: “Ngư dân là người trực tiếp khai thác trên biển, nhiều kinh nghiệm đánh bắt trên ngư trường, hiểu con tàu và nghề biển của mình hơn ai hết. Vì vậy, khi thiết kế kỹ thuật con tàu, ngành chức năng chuyên môn, cơ sở đóng tàu nên tham khảo ý kiến đóng góp của họ. Nên chăng, Chính phủ cho phép ngư dân chủ động tìm cơ sở đóng tàu, tự thiết kế kỹ thuật kết hợp với giám sát, bổ sung của ngành chức năng chuyên môn để đóng con tàu phù hợp với thực tế ngư trường biển Tây, ngành nghề đánh bắt.”

Chuẩn bị lưới cho chuyến vươn khơi khai thác thủy sản. Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm- TTXVN


Đồng nhất ý kiến với ông Ngữ, ông Dương Thế Dẫn ở số 38, đường Phan Đình Phùng, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang - người có thâm niên nghề biển hơn 40 năm cho biết: “Ngành chức năng chuyên môn hoặc cơ sở đóng tàu cần nghiên cứu kỹ ngư trường, ngành nghề khai thác trước khi thiết kế kỹ thuật con tàu nhằm tránh tình trạng đóng mới một con tàu nhưng đánh bắt không hiệu quả, đồng vốn không sinh lợi, con tàu trở thành đống sắt vụn thì thật lãng phí. Bởi ngư dân Kiên Giang hơn 80% làm nghề cào đôi trên ngư trường thì cần thiết kế kỹ thuật con tàu phù hợp với nghề này. Đầu tư đóng vỏ tàu sắt, tôi đề nghị được hỗ trợ 100% vốn để ngư dân đủ vốn, chủ động hoàn thiện con tàu của mình một cách tốt nhất mà không phải vay mượn thêm, khai thác hiệu quả, sớm hoàn trả lại vốn cho Chính phủ”.

Đồng thuận với chủ trương đầu tư của Chính phủ cho ngư dân đóng tàu vỏ sắt phát triển mạnh nghề cá, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo đất nước, ông Nguyễn Tặng ở đường Mạc Cửu, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang kiến nghị: “Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng thực hiện thí điểm đóng mới tàu vỏ sắt phù hợp với từng ngư trường, ngành nghề đánh bắt ở các địa phương để rút kinh nghiệm và nhân rộng. Tại Kiên Giang hiện có 3 cơ sở đóng tàu ở Tắc Cậu, Rạch Sỏi và An Hòa đủ năng lực đóng tàu vỏ sắt. Chính phủ nên cho ngư dân quyền tự quyết định, chủ động thiết kế kỹ thuật con tàu của mình, vì đó là tài sản của ngư dân nên chắc chắn rằng, con tàu khi hoàn thiện sẽ phát huy hiệu quả tích cực và đúng với giá trị của nó”.

Chủ trương đóng tàu vỏ sắt là hướng đến lợi ích của ngư dân, giúp ngư dân an toàn, yên tâm bám ngư trường, nhưng chi phí đóng tàu vỏ sắt vào khoảng 5 - 7 tỷ đồng/chiếc là khoản đầu tư khá lớn đối với ngư dân trong bối cảnh giá thủy sản bấp bênh, ngư trường đang bị nước ngoài đe dọa.

Ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội nghề cá thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang kiến nghị: Để phát huy hiệu quả gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng đóng tàu vỏ sắt của Chính phủ cần đầu tư cho những đối tượng ngư dân có thâm niên nghề biển, nhiều kinh nghiệm, đủ điều kiện, năng lực khai thác đánh bắt trên ngư trường, nhất là những ngư trường xa bờ. Cần tính toán ưu đãi cho ngư dân vay vốn đóng tàu không trả lãi hoặc trả một phần lãi, thời hạn vay vốn 5 - 7 năm, phần kỳ trả nợ gốc hợp lý, nhằm giúp ngư dân yên tâm bám biển hoạt động sản xuất hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu cho đối tượng ngư dân không đủ điều kiện, năng lực đóng tàu vỏ sắt vay một phần vốn để sang nhượng tàu gỗ tiếp tục khai thác đánh bắt trên ngư trường. Mặt khác, Chính phủ chú trọng đầu tư đồng bộ hạ tầng nghề cá như: khu neo đậu tránh trú bão, luồng lạch vào các bến, cảng cá; dịch vụ hậu cần nghề cá và đặc biệt là các cơ sở sửa chữa và bảo trì cho tàu vỏ sắt để ngư dân mạnh dạn vay vốn đóng mới tàu vỏ sắt, trang bị hiện đại hoạt động an toàn, hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.


Lê Huy Hải