07:22 20/07/2016

Ngư dân miền Trung ngóng hỗ trợ

Sau sự cố môi trường xảy ra dọc bờ biển các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, địa phương đã bước đầu triển khai hỗ trợ người dân. Ngư dân miền Trung và nhóm lao động phụ thuộc vào ngành đánh bắt, chế biến hải sản đang mong chờ những giải pháp đền bù, hỗ trợ vốn và lãi suất, đào tạo nghề để họ sớm có việc làm, thu nhập, ổn định cuộc sống.

Tàu cá nằm bờ, hải sản khó tiêu thụ

Sự cố hải sản chết hàng loạt đã gây hại trực tiếp đến ngư trường miền Trung. Bên cạnh đó, những người nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản cũng thiệt hại rất lớn về của cải vật chất, cơ sở hạ tầng. Những người phục vụ hậu cần nghề cá, thương mại dịch vụ cũng điêu đứng vì không thể kinh doanh, buôn bán được và kéo theo hệ lụy hàng ngàn người gặp khó khăn.

Theo ông Lê Thương, một ngư dân 82 tuổi ở thôn Nam Lãnh (xã Quảng Phú, Quảng Trạch, Quảng Bình), suốt cả cuộc đời ông gắn bó với bãi ngang, đi thuyền thúng kiếm mớ cá, mớ cua nuôi sống cả gia đình. Ba người con trai của ông cũng nối nghề cha, nuôi sống gia đình họ bằng ngư nghiệp. Nhưng 3 tháng nay, họ không còn đem về những khoản thu từ biển, cuộc sống gia đình rất khó khăn. Gia đình ông chưa tìm ra cách nào để thoát khỏi tình trạng này.

Bà Nguyễn Thị Xuân, thôn Hoa Thành, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh.

Ông Thương cho biết: “Hầu hết mọi người theo nghề thuyền thúng ở vùng bãi ngang này đều không còn việc làm. Ngư cụ thì nằm đắp chiếu, thuyền thúng cũng nằm úp trên bờ biển. Vừa qua, chúng tôi ra biển đánh cá nhưng lượng cá thưa thớt, bắt được vài con thì bán không ai mua. Chúng tôi rất mong Chính phủ, Nhà nước giúp đỡ và hỗ trợ vốn sớm để có thể tìm cho mình một công việc phù hợp, qua đó có thu nhập, ổn định cuộc sống”.

Cùng cảnh ngộ này, ông Lê Văn Trọng, vùng bãi ngang xã Quảng Phú, Quảng Trạch, Quảng Bình cho biết: “Bình thường, mỗi đêm ra biển chúng tôi có thể kiếm được 500.000 đến 2 triệu đồng. Nhưng hiện nay thì không có thu nhập. Ô nhiễm biển còn lấy đi của mỗi hộ 50 triệu đồng từ mùa rong biển. Chúng tôi đề nghị cơ quan cấp trên sớm có hướng hỗ trợ thiết thực, để chúng tôi ổn định cuộc sống và có thể trở lại đánh bắt mưu sinh”.

Ở Quảng Bình có 18 xã sống bằng nghề đánh bắt hải sản, với 15.000 người trực tiếp đánh bắt thủy sản và 45.000 người sống bằng dịch vụ nghề cá. Tại các xã vùng bãi ngang khác như: Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, Cảnh Dương, Quảng phú huyện Quảng Trạch, Hải Ninh huyện Quảng Ninh… đời sống người dân cũng hết sức khó khăn. Hầu hết tàu, thuyền đánh bắt gần bờ đều không hoạt động, người dân không có nguồn thu và cũng không biết nên chuyển đổi nghề gì để lao động.

Như các địa phương khác, ngư dân Hà Tĩnh cũng đang gặp nhiều khó khăn trong khai thác, buôn bán thủy hải sản. Tại cảng cá Cửa Sót xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), người dân đã bắt đầu trở lại khai thác, đánh bắt hải sản nhưng nhu cầu thu mua tiêu thụ hải sản vẫn hạn chế.

Ngư dân Phan Tiến Đường, thôn Long Hải xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh,) chủ thuyền đánh bắt hải sản vừa đi biển về cho biết: “Thời gian này, ngư trường đánh bắt rất khó khăn, hải sản đánh bắt được thì giá cả thấp. Hơn nữa, thuyền chúng tôi có công suất 120 CV nên chưa được Nhà nước hỗ trợ. Hiện chúng tôi đang vay ngân hàng trên 500 triệu đồng, mong Nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất để giảm bớt khó khăn cho ngư dân”.

Tại xã Thạch Kim có trên 90 tàu thuyền có công suất trên 90 CV với khoảng 600 lao động thường xuyên ra khơi bám biển. Các chủ thuyền và lao động này mong muốn được hưởng những chính sách phù hợp của Nhà nước để có thể yên tâm ra khơi bám biển tốt hơn.

Còn theo bà Nguyễn Thị Xuân, một tiểu thương thôn Hoa Thành, xã Thạch Kim: “Chúng tôi sống nhờ biển, biển cho chúng tôi nguồn hải sản để buôn bán kiếm sống hàng ngày, chúng tôi muốn biển sạch để nhân dân có nghề sinh sống. Mong muốn Nhà nước tài trợ hoặc có ngành nghề phù hợp để giúp cho thế hệ con cháu chúng tôi có công ăn việc làm lâu dài”.

Đang tích cực thống kê thiệt hại để hỗ trợ

Trước ngóng chờ của ngư dân ở nhiều xã, huyện ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang khẩn trương hoàn thành quá trình thống kê thiệt hại và ban hành chính sách hỗ trợ mới để ngư dân yên tâm sản xuất, chuyển đổi nghề lâu dài.

Từ ngày 1/7, tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập Hội đồng bồi thường thảm họa môi trường. Bên cạnh đó tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 1822/QĐ-UBND về việc Quy định tạm thời một số chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và khôi phục sản xuất do ảnh hưởng sự cố môi trường.

Theo đó, các huyện ven biển đã thành lập các tổ chỉ đạo các xã, phường đánh giá mức độ thiệt hại, đối tượng ảnh hưởng để có chính sách hỗ trợ đền bù ổn định cuộc sống, nghề nghiệp cho người dân.

Ông Biện Ngọc Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) địa phương chịu ảnh hưởng lớn của sự cố môi trường cho biết: “Chúng tôi đã thành lập 4 tổ công tác để tiến hành xác định đối tượng bị ảnh hưởng, từ đó sẽ có phương án hỗ trợ ngư dân một cách chính xác và đảm bảo công bằng”.

Hiện nay, xã Thạch Kim xác định 4 nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ gồm: nhóm ngư dân có tàu, thuyền; nhóm kho cấp đông, lao động ở các cơ sở, dịch vụ làm thuê ở kho đông lạnh; nhóm người buôn cá, nướng cá và chế biến hải sản và nhóm kinh doanh xăng dầu trên biển, hộ làm ngư lưới cụ. Theo ông Cường, quá trình xác định đối tượng để hỗ trợ gặp rất nhiều khó khăn, vì đối tượng bị ảnh hưởng rất rộng. Ngoài ra, cần hỗ trợ cả những hộ có tàu, thuyền trên 90 CV, vì số ngư dân này rất đông và họ cũng chịu thiệt hại về kinh tế biển.

Về phía tỉnh Quảng Bình, nhiều xã ven biển Quảng Bình cũng đang tiến hành lấy ý kiến nhân dân để thống kê thiệt hại và có phương án hỗ trợ. Theo ông Trần Trung Thành - Bí thư Đảng ủy xã Cảnh Dương (Quảng Trạch), vừa qua, xã Cảnh Dương đã có cuộc họp với người dân và tiếp thu các kiến nghị của người dân để trình lên cấp trên. Cảnh Dương là xã độc canh về nghề ngư nghiệp và buôn bán nhỏ, vì vậy việc chuyển đổi nghề khó có thể thực hiện được do đối tượng đánh bắt gần bờ là những người tuổi cao, sức khỏe yếu, tiềm lực kinh tế khó khăn, hơn nữa đây là nghề truyền thống từ bao đời để lại.

“Đối với các hộ buôn bán, thu mua hải sản lại càng khó khăn hơn. Trước mắt và lâu dài, Nhà nước và Chính phủ cần sớm có giải pháp hỗ trợ về mức thu nhập, lãi vay ngân hàng cho các hộ khai thác, chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá và các nghề có liên quan”, ông Thành đề xuất.

Theo báo cáo nhanh của các tổ chức tín dụng tại Quảng Bình, tại tỉnh có 2.280 khách hàng vay 798,2 tỷ đồng bị thiệt hại do hải sản chết. Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Bình đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn rà soát lại toàn bộ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng để cơ cấu lại nợ và tiến hành cấp tín dụng ưu đãi.

Để hỗ trợ ngư dân yên tâm sản xuất, ông Trần Văn Tài, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Bình cho biết: “Chúng tôi đang tiến hành khảo sát, lập hồ sơ và xử lý nợ tùy theo mức độ thiệt hại về vốn và thủy sản. Đồng thời khảo sát nhu cầu vốn để cho vay chuyển đổi ngành nghề và phương án mới”.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám: Hướng dẫn người dân kê khai thiệt hại Bộ NN&PTNT đã được Chính phủ giao nhiệm vụ cùng với các địa phương hướng dẫn ngư dân thống kê, kê khai thiệt hại, từ đó Chính phủ sẽ có phương án đền bù và hỗ trợ ngư dân kịp thời. Thực tế, việc thống kê này không đơn giản, tốn nhiều thời gian vì liên quan tới nhiều người. Hơn nữa, công tác đền bù phải đảm bảo đúng đối tượng, những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp. Công việc kê khai cũng phải được tiến hành công khai, minh bạch, dân chủ. Quá trình này có sự tham gia, giám sát của Mặt trận Tổ quốc ở địa phương, chính quyền, các tổ chức đoàn thể. Đặc biệt, chính sách đền bù phải đảm bảo công bằng giữa các tỉnh bị thiệt hại, không để xảy ra tình trạng khiếu nại. Sau khi hoàn thành việc thống kê, đền bù và hỗ trợ ngư dân, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục xây dựng các chính sách phù hợp để hỗ trợ ngư dân bám biển. 

Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình: Nỗ lực giúp ngư dân ổn định đời sống Quảng Bình là tỉnh nghèo, chúng tôi đã cố gắng hết sức về kinh phí để hỗ trợ trước mắt cho người dân trong khi chờ đợi sự chỉ đạo của Chính phủ. Nguồn vốn dự phòng của tỉnh hầu như đã được sử dụng hết để hỗ trợ cho người dân. Hỗ trợ bằng gạo, hỗ trợ bằng tiền để ổn định tình hình, tư tưởng cho người dân yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của tỉnh, của Chính phủ, của Trung ương. Đồng thời chúng tôi quản lý chặt chẽ để đảm bảo sức khỏe cho người dân, của khách du lịch.


Hữu Vinh - Công Tường - Đức Thọ