04:06 10/04/2011

Ngư dân liên kết vượt khó ra khơi

Trà Vinh là một tỉnh ven biển nằm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đánh bắt hải sản là một trong những thế mạnh của địa phương, nhất là ở vùng ven biển.

Trà Vinh là một tỉnh ven biển nằm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đánh bắt hải sản là một trong những thế mạnh của địa phương, nhất là ở vùng ven biển. Trong những tháng đầu năm nay, ngư dân phải đối mặt với tình trạng giá nhiên liệu và những mặt hàng thiết yếu khác liên tục tăng, khiến nhiều ngư dân càng ra khơi càng bị lỗ nặng.

Khó khăn chồng chất

Ông Đỗ Văn Út, ấp Bến Tranh, xã Định An, huyện Trà Cú, chủ 2 cặp tàu làm nghề lưới kéo đôi (cào đôi), công suất 350 - 420 CV, mỗi chiếc có 14 thuyền viên cho biết: Sau Tết đến nay, nhiều tàu chỉ mới kết thúc một chuyến đi biển, nhưng hai lần điều chỉnh tăng giá dầu diezel làm ngư dân không kịp trở tay.

Ảnh: Ngọc Hà-TTXVN

Chỉ cần điều chỉnh vài trăm đồng mỗi lít dầu cũng làm xáo trộn hoạt động khai thác hải sản của ngư dân ở đây… Hơn nữa, giá xăng dầu tăng kéo theo nhiều mặt hàng thiết yếu tăng theo, chẳng hạn: Lưới để đan thành miệng cào, trước đây 75.000 - 77.000 đồng/kg, nay tăng lên 120.000 - 130.000 đồng/kg (tùy theo kích thước mắt lưới); dây neo kim loại từ 45.000 đồng/kg tăng lên 55.000 đồng/kg; chân vịt tàu từ 150.000 đồng/kg tăng lên 165.000đồng/kg; nước đá từ 12.000đồng/cây lên 13.000 đồng/cây… Trong khi đó, thời tiết lại bất thường, thời gian bám biển ngắn, sản lượng đánh bắt giảm, giá cả các mặt hàng hải sản tăng không đáng kể… nên nhiều tàu càng ra khơi càng bị lỗ nặng.

Ông Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch UBND thị trấn Định An, huyện Trà Cú, nơi có 177 tàu công suất mỗi chiếc 75 CV - 350 CV cho biết: Tại cảng cá Định An hiện có nhiều phương tiện đánh bắt hải sản chưa ra khơi; riêng tại khóm 2, thị trấn Định An trong số 22 cào đơn và 28 phương tiện cào đôi, hiện chỉ có khoảng 50% phương tiện hoạt động. Nay giá nhiên liệu tiếp tục điều chỉnh tăng thêm, phương tiện khai thác hải sản tiếp tục “nằm bờ” là điều khó tránh khỏi….

Cái khó ló cái khôn

Sáng tạo để vượt khó, các chủ tàu liên kết và thống nhất cử một tàu ra khơi "trinh sát", đến khi tàu này phát hiện luồng cá mới thông tin về cho số tàu còn lại đang “nằm bờ” ra khơi đánh bắt. Bên cạnh đó, còn có mô hình liên kết "bỏ bờ bám biển" - ngư dân nơi đây gọi vui là "liên kết 4b" tuy mới được tổ chức không lâu nhưng mối liên kết mới này đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, giúp ngư dân giảm từ 20- 30% chi phí sản xuất, tăng thêm thu nhập từ 15- 20% trong mỗi chuyến biển…

Ông Đỗ Văn Út, tổ trưởng tổ khai thác thủy sản số 4, xã Định An, huyện Trà Cú cho biết, đội tàu của ông có 4 chiếc công suất từ 350- 400 CV, hành nghề cào đôi. Kể từ khi tham gia vào tổ hợp tác, các thành viên thay phiên nhau làm nhiệm vụ hậu cần trong việc chở sản phẩm vào đất liền để tiêu thụ và chở nhiên liệu, lương thực…ra khơi tiếp tế cho các phương tiện đang khai thác. Từ đó, các phương tiện này có điều kiện bám biển dài ngày hơn và tiết kiệm được hàng chục triệu đồng chi phí nhiên liệu so với việc phải trở vào đất liền. Tổ của ông đã đầu tư hơn 450 triệu đồng để cải tạo, nâng cấp thân tàu, lắp đặt máy mới và các thiết bị chuyên dùng để phương tiện này chuyên làm nhiệm vụ hậu cần cho cả tổ.

Ông Trần Công Đức, ấp Chợ, thị trấn Định An, huyện Trà Cú là thành viên, đồng thời là tổ trưởng tổ nghề cá số 5 chia sẻ: Ở Trà Vinh nghề khai thác biển đang đối mặt với nhiều khó khăn nhưng nhờ mô hình liên kết mà ngư dân có thể tiếp tục “bám biển”. Hơn 30 năm trải qua nghề khai thác biển, nay tôi mới nhận ra sự thua thiệt khi tự mình gánh chịu mọi chi phí sản xuất và tự tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Trà Vinh, hiện có 14 tổ hợp tác khai thác thủy sản, thu hút 70 chủ phương tiện đánh bắt thủy sản có công suất lớn, có khả năng đánh bắt xa bờ tự nguyện tham gia. Tuy mới thành lập nhưng các tổ hợp tác đã thể hiện ưu việt so với làm ăn riêng lẻ trước đây trong các hoạt động khai thác thủy sản trên biển như: hỗ trợ nhau phòng chống bão, tìm kiếm cứu nạn, giữ vững an ninh vùng biển; đặc biệt là trong việc tìm kiếm ngư trường, tiếp tế nhiên liệu, tiêu thụ sản phẩm… Kết quả, do giảm chi phí nên lợi nhuận từng chuyến đi biển của từng phương tiện của các tổ hợp tác tăng lên đáng kể so với hoạt động đơn lẻ trước đây.

Huy Hoàng