09:10 16/09/2016

Ngư dân đánh cá lớn cần tiếp sức

Thay vì mừng, không ít ngư dân đánh bắt xa bờ hiện nay lại “sợ” khi bắt được các loại cá lớn như cá ngừ đại dương. Lý do, họ không chỉ tốn nhiều nhân lực, sức lực để đưa một con cá ngừ câu được lên thuyền nên làm giảm giá trị của sản phẩm ngay từ khâu đánh bắt, mà còn “đói” kiến thức và kỹ thuật bảo quản các loại cá lớn.

Mừng bao nhiêu thất vọng bấy nhiêu

Tháng 5/2016, một con cá ngừ vây xanh "khủng", nặng hơn 300 kg mà ngư dân Khánh Hòa câu được đã phải bán với giá rẻ bèo vì 2/3 con cá bị hư hỏng. Lẽ ra, con cá ngừ này có thế xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với giá hơn 30 USD/kg. Ngư dân trúng lộc biển nhưng vẫn buồn vì "đói" trầm trọng kiến thức và kỹ thuật bảo quản.

Nhiều ngư dân hiện nay thiếu trầm trọng kiến thức bảo quản các loại cá lớn.

Thuyền trưởng tàu cá KH 90279 (trú Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP Nha Trang, Khánh Hòa) cùng 6 thuyền viên ai cũng đinh ninh sẽ kiếm được tiền tỉ sau khi đưa con cá ngừ đại dương vây xanh nói trên vào bờ. Tuy nhiên, phấn khởi bao nhiêu thì họ thất vọng bấy nhiêu. 2/3 con cá đã bị hư hỏng vì họ bảo quản không đúng cách.

“Con cá chỉ bán được hơn 50 triệu đồng. Nếu bảo quản tốt thì giá sẽ cao hơn rất nhiều, nhưng chúng tôi thực sự không biết bảo quản con cá lớn như vậy như thế nào, chỉ dùng đá xay truyền thống nên chất lượng không đảm bảo. Lâu lâu mới trúng "lộc" biển mà thế, các thuyền viên ai cũng buồn", ông Huỳnh Phi Minh tiếc nuối.

Chủ mua con cá ngừ nói trên với giá 180/kg, bà Nguyễn Thị Thu Thanh - GĐ Công ty TNHH hải sản Bền Vững (Khánh Hòa) - cho biết: "Nếu con cá không bị hư 2/3 thì có thể bán với giá 30 USD trở lên/kg và xuất sang thị trường Nhật Bản. Tiếc là ngư dân không biết cách bảo quản các loại cá lớn như vậy".

Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Ban quản lý Cảng Hòn Rớ và chợ cá Nam Trung Bộ - cho biết, nghề câu cá ngừ đại dương ở Khánh Hòa đang phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây. Nếu trước đây, cảng cá Hòn Rớ chỉ có hơn 50 tàu thì nay đội tàu hành nghề câu cá ngừ đại dương đã tăng lên gần 100 chiếc (công suất 250 CV trở lên).

Tuy nhiên, ông Hiếu chỉ ra một thực tế đang tồn tại là ngư dân không chỉ không biết bảo quản các loại cá ngừ lớn, mà còn phụ thuộc cả vào doanh nghiệp thu mua. "Họ gần như không biết giá xuất khẩu trên thế giới bao nhiêu nên bán theo cảm tính, ai mua được giá thì bán nên chịu nhiều thiệt thòi" - ông Hiếu nói.
Ông Hiếu cho rằng, cách duy nhất hiện nay có thể giúp ngư dân câu cá ngừ hưởng lợi sau thu hoạch là xây dựng chợ đấu giá tại cảng Hòn Rớ. Tuy nhiên, nhiều năm nay, đề xuất trên của ông vẫn không nhận được phản hồi của cấp trên.

Ngư dân cần tiếp sức

Trao đổi với chúng tôi, ông Quách Thanh Sơn - Phó GĐ Sở NNPTNT tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Tôi rất tiếc vì con cá ngừ Hòn Rớ được bán với giá thấp, trong khi giá trị con cá ngừ này rất cao". Cho rằng việc mở lớp đào tạo, hướng dẫn cho ngư dân kỹ thuật bảo quản cá ngừ lớn là cần thiết nhưng ông Sơn đặt vấn đề: "Liệu có tốn kém hay không, trong khi lâu lâu ngư dân mới đánh bắt được con cá lớn như vậy?".

Theo ông Sơn, các loại cá lớn cần máy đông lạnh nhanh chứ hầm đá thông thường khó giữ được chất lượng cá. "Lâu nay, nếu có hướng dẫn cho ngư dân thì chúng tôi cũng chỉ đề cập qua, gọi là có khái niệm sơ sơ cho ngư dân chứ chưa mở lớp đào tạo đặc thù nào" - ông Sơn nói và thừa nhận: "Hiện ngư dân cũng chưa có đầy đủ phương tiện để đưa các loại cá lớn sau khi đánh bắt lên tàu nhanh được".

Trong khi đó, ông Võ Thiên Lăng - Phó Chủ tịch Hội nghề cá VN - nhìn nhận: "Cách bảo quản cá ngừ sau thu hoạch của nước ta hiện nay quá lạc hậu so với thế giới. Cá đánh bắt được sau khi đưa vào bờ hư hỏng hết, trong khi các nước trên thế giới đã đầu tư công nghệ bảo quản cá ngừ từ rất sớm. Vì vậy, ngư dân ta trúng cá lớn bao nhiêu cũng không giúp họ giàu lên được".

Theo ông Lăng, ngư dân Việt Nam hiện nay chủ yếu lo đầu tư tàu thuyền vươn khơi, trong khi chưa quan tâm đầu tư công nghệ bảo quản sau đánh bắt. Bản thân các ngư dân cũng không chủ động tìm hiểu công nghệ bảo quản các loại cá lớn vì trình độ hạn chế. "Các loại cá lớn không thể ướp đá thông thường được mà phải sử dụng máy lạnh. Cá ngừ vây xanh có giá trị kinh tế cao nhưng vào bờ đã hư rồi thì ai dám ăn mà xuất khẩu. Vì vậy, ngư dân phải bán lại cho các doanh nghiệp với giá rẻ bèo" - ông Lăng nói.

Ông Lăng đề nghị các nhà lãnh đạo phải "chịu khó" tìm ra giải pháp đột phá về công nghệ bảo quản sản phẩm thủy hải sản sau thu hoạch giúp ngư dân mới hy vọng không lãng phí nguồn tài nguyên biển như hiện nay. "Hội nhập kinh tế mà chất lượng cá như thế này thì không ổn tí nào" - ông Lăng đánh giá.

Ở khía cạnh khác, tiến sĩ kinh tế chuyên về cá ngừ Arata Izawa - phân tích, ngư dân VN phải tốn nhiều nhân lực, sức lực để đưa một con cá ngừ câu được lên thuyền nên làm giảm giá trị của sản phẩm ngay từ khâu đánh bắt. "Chất lượng cá ngừ được đánh giá ở màu thịt, độ đàn hồi, chất lượng vệ sinh..., trong khi điều kiện tàu gỗ và kĩ thuật đánh bắt của ngư dân hiện nay thì rất khó cải thiện được giá trị".
Bài và ảnh: Nguyên Kim