09:16 30/09/2020

Ngư dân công nghệ cao ở Khánh Hòa

Cùng với việc kiên trì bám biển, nhiều ngư dân tại Khánh Hòa đã bắt đầu áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật công nghệ cao vào hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ. Những công nghệ mới đã giúp họ tiếp cận rộng hơn với nguồn lợi thủy sản, doanh thu cho mỗi chuyến đi biển, góp phần thay đổi đời sống kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Hiện đại hóa tàu cá

Chú thích ảnh
Thuyền trưởng tàu KH-97279TS Ngô Xuân Hoàng tranh thủ kiểm tra lại hệ thống ra-đa, máy dò cá trước khi ra khơi.

Tại Cảng cá Hòn Rớ - cảng cá lớn nhất tỉnh Khánh Hòa và khu vực Nam Trung Bộ, tàu KH-97279 của ngư dân Lê Văn Thuyền (thành phố Nha Trang) là một trong những tàu hiện đại bậc nhất ở Khánh Hoà. Đây là chiếc tàu được đầu tư với kinh phí hơn 20 tỷ đồng và hạ thủy, đưa vào khai thác từ năm 2017. Ngoài lớp vỏ bằng vật liệu composite siêu bền, nội thất của tàu cũng là điều đáng mơ ước của rất nhiều ngư dân trong nghề.

Ngồi trên buồng lái, thuyền trưởng tàu KH-97279 Ngô Xuân Hoàng tranh thủ kiểm tra lại hệ thống ra-đa, máy dò cá trước khi tàu lấy đủ đá vào hầm chứa để sẵn sàng cho chuyến ra khơi.

Ông Hoàng cho biết, ngoài hệ thống đèn LED hiện đại được trang bị ở mạn tàu, trong buồng lái còn có đầy đủ các thiết bị công nghệ kỹ thuật số, đảm bảo an toàn cho suốt hải trình ở ngoài khơi cũng như năng suất cho tàu trong mỗi chuyến đi biển.

“Đây là ra-đa hàng hải giúp định vị được vị trí tàu đang đi ở lãnh hải nào và hiển thị chi tiết những tàu bạn ở xung quanh trong vùng biển của Việt Nam hay ở những vùng biển quốc tế. Còn hệ thống đèn LED giúp tàu giảm được chi phí tiền dầu đáng kể so với dàn đèn truyền thống trước đây, nó cũng tiêu hao ít năng lượng và giúp máy tàu kéo khỏe hơn”, thuyền trưởng Hoàng cho hay.

Những năm gần đây, đội tàu cá tỉnh Khánh Hòa được tiếp cận các loại máy móc, thiết bị cơ giới hoá công nghệ cao như máy thu lưới vây, máy thu - thả câu cá ngừ đại dương.

Đặc biệt, các thiết bị điện tử hàng hải hiện đại cũng được ngư dân ưu tiên lắp đặt, sử dụng trong hoạt động khai thác xa bờ như máy đo sâu - dò cá, máy định vị, máy dò ngang, ra-đa hàng hải, điện thoại vệ tinh, máy nhận dạng tự động AIS đảm bảo an toàn cho người và tàu trên biển.

Chú thích ảnh
Hệ thống đèn chiếu sáng dẫn dụ cá được trang bị hiện đại trên tàu KH-97279TS.

Ngư dân Nguyễn Đức Khánh (chủ tàu KH-90127-TS, thành phố Nha Trang) cho biết, đã theo nghề đánh bắt hải sản truyền thống được 40 năm nay, ông cũng phải thay đổi cho phù hợp với xu thế, tàu của ông hiện đã trang bị những phương tiện, thiết bị kỹ thuật cần thiết để phục vụ nghề đánh bắt cá ngừ.

“Ngoài thiết bị liên lạc cần thiết, tôi cũng chú trọng gắn thiết bị giám sát hành trình theo đúng quy định và để phòng những trường hợp tàu bị sự cố, lực lượng cứu nạn dễ dàng tìm thấy”, ông Khánh nói.

Những ngày cuối tháng 9 này (vào dịp rằm là cao điểm tàu cá về bờ hàng tháng), cảng Hòn Rớ lại tấp nập ghe tàu về bến sau chuyến đi biển nhiều ngày. Tại phía cầu cảng dành cho tàu cập bến, không khí vận chuyển, thu gom hải sản nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Phía trên bờ, nhiều xe tải chở hàng đông lạnh đang chờ đến lượt để cá đưa lên đầy thùng chở đi tiêu thụ.

Ông Ngô Xuân Hoàng, thuyền trưởng tàu KH-97279 cho biết, nhờ có thiết bị hiện đại và công nghệ cao phục vụ việc đánh bắt, mỗi chuyến đi biển dài hơn 20 ngày, tàu này thu được trung bình 40 - 50 tấn cá, có chuyến nhiều nhất lên đến 100 tấn. Sau khi trừ chi phí, chủ tàu có thể thu về hàng trăm triệu đồng.

Toàn tỉnh Khánh Hoà hiện có nhiều tàu đánh bắt xa bờ; trong đó có 548 tàu tham gia khai thác cá ngừ với ngành nghề chính như nghề lưới cản khơi, sản lượng trung bình 7 - 12 tấn/chuyến đi biển; nghề câu cá ngừ đại dương có sản lượng 700 kg - 1,5 tấn/chuyến; nghề mành chụp sản lượng 17 tấn/chuyến; nghề vây khơi sản lượng 10 tấn/chuyến. Ngư trường hoạt động của các đội tàu này chủ yếu tại khu vực biển Hoàng Sa, Trường Sa và nhà giàn DK1.

Theo ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, việc áp dụng những công nghệ mới, đặc biệt là hệ thống chiếu sáng bằng đèn Led đã cho năng suất đánh bắt cao hơn và tiết kiệm nhiên liệu nhiều hơn so với đèn cao áp truyền thống mà ngư dân sử dụng lâu nay. Đây cũng là một xu thế phù hợp, tạo nên một bước phát triển mới trong lĩnh vực khai thác thuỷ sản hiện nay.

Hình thành chuỗi liên kết

Chú thích ảnh
Tàu KH-97279TS của ngư dân Lê Văn Thuyền (thành phố Nha Trang) là một trong những tàu hiện đại bậc nhất của tỉnh Khánh Hòa, được đầu tư với kinh phí hơn 20 tỷ đồng.

Cùng với đội tàu ngày càng được nâng cấp, Khánh Hòa cũng có hạ tầng phục vụ khai thác và chế biến thuỷ hải sản phát triển đồng bộ và hoàn thiện. Trên địa bàn tỉnh có 2 cảng cá lớn là Hòn Rớ (thành phố Nha Trang) và Đá Bạc (thành phố Cam Ranh) phục vụ cho nghề khai thác cá ngừ, có 11 cơ sở đóng tàu thuyền, 20 cơ sở cung cấp vật tư, ngư lưới cụ phục vụ cho các đội tàu khai thác xa bờ.

Trong khi đó, với sản lượng khai thác đạt trên dưới 100.000 tấn/năm cũng giúp ngành chế biến, xuất khẩu thuỷ sản phát triển mạnh mẽ. Toàn tỉnh có 44 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp chứng nhận xuất khẩu thuỷ sản. Đây là lợi thế lớn cho Khánh Hoà phát triển các chuỗi liên kết, từ đánh bắt đến chế biến và tiêu thụ thuỷ hải sản.

Theo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, trong thời gian qua, địa phương này đã xây dựng được 2 mô hình thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi từ năm 2016, 2017 và vẫn hoạt động ổn định cho đến nay.

Các mô hình chuỗi liên kết thu được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, chất lượng sản phẩm. Qua đó tạo môi trường sản xuất kinh doanh ổn định cho ngư dân và doanh nghiệp, góp phần ổn định đời sống và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc.

Ông Võ Nam Thắng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hoà nhận định, bên cạnh thuận lợi, nghề khai thác xa bờ còn những khó khăn, tồn tại như bất cập trong ứng dụng khoa học công nghệ trong toàn bộ chuỗi từ khai thác, bảo quản và sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Để khắc phục tình trạng trên, Khánh Hòa đã tập trung các cơ chế, chính sách, tạo mọi điều kiện cho ngư dân hiện đại hoá tàu cá, ứng dụng công nghệ tiến bộ trong khai thác xa bờ để tổ chức lại sản xuất, bám biển, bám ngư trường.

Bài và ảnh: Nguyễn Dũng (TTXVN)