06:10 02/06/2014

Ngôn từ hằn học và toan tính lạnh lùng của Trung Quốc tại Shangri-La 13

Trong ngày cuối cùng của Đối thoại Shangri-La 13, một quan chức tuyên huấn hàng đầu của Trung Quốc đã tận dụng cơ hội để đưa ra những lời lẽ “lấy được”, lớn tiếng chỉ trích Mỹ và Nhật Bản về những đánh giá mà ông này cho rằng “sặc mùi chủ nghĩa bá quyền”.

Trong ngày cuối cùng của Đối thoại Shangri-la 13, một quan chức tuyên huấn hàng đầu của Trung Quốc đã tận dụng cơ hội để đưa ra những lời lẽ “lấy được”, lớn tiếng chỉ trích Mỹ và Nhật Bản về những đánh giá mà ông này cho rằng “sặc mùi chủ nghĩa bá quyền”.

Trong khi Mỹ cử phái đoàn gồm Bộ trưởng Quốc phòng, nhiều tướng lĩnh cấp cao; Nhật Bản với đích thân Thủ tướng Shinzo Abe tham dự, thì đoàn Trung Quốc lại không phải là những quan chức quân sự hàng đầu. Thay vào đó, Bắc Kinh cử một nhóm quan chức và học giả “thạo tiếng Anh”, có kinh nghiệm về tuyên truyền đối ngoại, đứng đầu là Trung tướng Vương Quán Trung, người từng kinh qua các công việc tuyên truyền trong quân đội.

Sự xuất hiện của ông Vương, người được đánh giá là “một trong những nhà chiến lược chiến tranh tuyên truyền xuất sắc nhất của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc - PLA” cho thấy ý muốn của Trung Quốc: Duy trì chủ quyền thực tế trên biển bằng chiến tranh chính trị.

Trung tướng Vương Quán Trung phát biểu tại phiên họp ở Đối thoại Shangri-la hôm 1/6. Ảnh: AFP


Bình luận về bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, ông Vương nói: Phát biểu của phía Mỹ mang nặng ngôn từ “đe dọa”, có tính “kích động, xúi giục”, với thái độ “gây hấn, thiếu thiện chí”.

Trưởng đoàn Trung Quốc cũng chỉ trích Thủ tướng Nhật Bản “hòa giọng” cùng Mỹ, khuyến khích xung đột.

Dường như ông Vương không chú tâm vào chi tiết, đi sâu vào những bình luận bản chất của cả ông Abe và Hagel. Điều ông “thích thú” hơn là tìm cách đáp trả “cay nghiệt, mạnh mẽ” và tái khẳng định tính “đúng đắn” trong quan điểm của Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu Richard Fisher tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược Quốc tế nhìn nhận: “Sứ mệnh của ông Vương là hăm dọa cả Mỹ, Nhật Bản, không để hai nước này bảo vệ lợi ích của họ, với việc chối bỏ không có lỗi lầm nào trong các căng thẳng quân sự ở Biển Đông và Biển Hoa Đông”.

Những ngôn từ phản đòn kiểu “đao to búa lớn” của ông Vương đã nhanh chóng lan tỏa trên các phương tiện truyền thông, được đem gia bình luận, mổ xẻ trên mạng xã hội khắp thế giới. Nó cũng làm phát lộ điểm chính yếu nhất trong thông điệp của Trung Quốc.

Khi tuyên truyền là chiến lược

Ông Vương từng có 6 năm công tác dưới cương vị là nhà chiến lược về chiến tranh chính trị, tại bộ phận tuyên truyền thuộc Tổng bộ Chính trị PLA. Theo một báo cáo trong Dự án 2049, sản phẩm của một nhóm nghiên cứu an ninh ở Virginia (Mỹ), Trung Quốc đặc biệt chú trọng đến chiến tranh tuyên truyền, “coi các chiến dịch tâm lý như là công cụ để dẫn dắt tiến trình quốc tế, gây ảnh hưởng đến các nước bạn bè hay kẻ thù”. Đối với Trung Quốc thì chiến tranh chính trị còn là “công cụ quan trọng để hủy hoại lý lẽ kẻ thù, tạo lập sự ủng hộ trong nước và quốc tế”.

Trong trường hợp này, ông Vương có vẻ như đang tuân thủ đúng luận điểm của chiến tranh chính trị theo quan điểm của Trung Quốc. Mục đích không phải là để giành phần thắng trong cuộc chiến tranh pháp lý, mà là “sử dụng ngôn từ thù địch để hù dọa Tokyo và Washington”, theo lời chuyên gia Fisher. Hiệu ứng “gây sốc” này tăng thêm bội phần, khi các ngôn từ đó lại xuất hiện ở Đối thoại Shangri-La, một diễn đàn từ lâu hoạt động theo tôn chỉ thúc đẩy đồng thuận và các giải pháp hòa bình.

Dụng ý của Bắc Kinh là rõ ràng: Giới hoạch định chính sách ở châu Á cần phải nhận thấy là “Trung Quốc đang nổi điên, sẵn sàng giết người”, để từ đó phải lùi bước, để quân đội Trung Quốc kiểm soát hiệu quả Biển Đông như là “ao nhà”.

Thế nhưng hiệu quả chiến lược này đến đâu là điều còn chưa rõ ràng.

Mặt trái trong cách tiếp cận này sẽ là: Nhưng hành động và ngôn từ “kích động” trên có thể sẽ có tác dụng ngược. “Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nguy cơ lớn hơn. Sự xuất hiện của thái độ thù địch và không rõ lý do sẽ tạo điều kiện để Mỹ và Nhật Bản lôi kéo các nước khác để tiến đến hành động phối hợp chung”, ông Fisher nhận định.


Hoài Thanh (Epochtimes)