02:13 25/02/2018

Ngọn lửa José Martí cháy mãi với cách mạng Cuba

José Martí là nhà tư tưởng, nhà văn hóa kiệt xuất, nhà cách mạng kiên cường của Cuba và Mỹ Latinh. Ông là người phát động và lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Cuba vào cuối thế kỷ XIX và hi sinh trên chiến trường. Nhân dân Cuba tôn vinh ông là “vị thánh tông đồ của nền độc lập dân tộc”.

Một bức tượng của José Martí  ở Cuba. Ảnh: Reuters

Linh hồn của cách mạng Cuba

José Martí sinh cách đây 165 năm vào ngày 28-1-1853 tại La Habana, trong một gia đình công chức nghèo. Ông mang trong mình dòng máu Tây Ban Nha của người cha và mẹ là người gốc thổ dân vùng đảo Canary. Từ nhỏ, José Martí đã bộc lộ năng khiếu sáng tác. Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông đã viết nên những vần thơ chan chứa lòng yêu nước.

Vào thời của José Martí, cả lục địa châu Mỹ đang có những biến đổi sâu sắc và mạnh mẽ. Từ đầu thế kỷ XIX, Mỹ Latinh bước vào cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Sau hơn ba thế kỷ bị đế quốc Tây Ban Nha đàn áp bóc lột, trong gần 15 năm (từ 1810 đến 1824) các nước Mỹ Latinh lần lượt đấu tranh giành được độc lập.

Lúc đó, trong khu vực chỉ còn lại Cuba và Puerto Rico còn nằm dưới sự thống trị của Tây Ban Nha. Với lòng căm thù quân xâm lược, Martí đã bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng của mình từ rất sớm tham gia chống thực dân Tây Ban Nha xâm lược và hai lần bị bắt, đày ra nước ngoài.

Cuộc đời của Martí là một bản anh hùng ca vĩ đại. Ông đã chiến đấu bằng súng và ngòi bút đến hơi thở cuối cùng cho sự nghiệp giải phóng nhân dân Cuba và châu Mỹ Latinh. Với ngòi bút sắc sảo, ông đã đề cập đến hầu hết các lĩnh vực khoa học nhân văn và ở đâu Martí cũng đứng trên lập trường của nhân dân lao động, của các dân tộc bị áp bức để lý giải vấn đề.

Năm 1869, Martí đăng những bài viết chính trị đầu tiên trên ấn phẩm của báo El Diablo Cojuelo. Cùng năm đó, Martí đã có tác phẩm đầu tay là vở kịch thơ “Abdala” được in trên báo “Tổ quốc tự do”.

Đối với Martí, thơ ca là sự thể hiện tình cảm, là câu chuyện trực tiếp về mỗi xung đột, biến cố trong cuộc đời người chiến sĩ cách mạng. Những bài báo và thơ văn của Martí đều tập trung vào chủ đề cuộc đấu tranh giải phóng, cảnh giác với nguy cơ đế quốc Mỹ. Những câu thơ ông viết: “Tôi sẽ không bị chôn vùi trong bóng tối/ như một kẻ phản bội. /Tôi là một người tốt/ và tôi sẽ chết đối diện với mặt trời”.

Con người trữ tình Martí hoà làm một với người chiến sĩ Martí - con người hành động. Sinh thời, ông từng viết: "Thơ tôi tha thiết vẫy chào/ Gửi người dũng sĩ bước vào đấu tranh", nhưng người ta cho rằng, chính José Marti cũng là người dũng sĩ băng mình vào cuộc đấu tranh ấy.

Tháng 4-1892, ngay trên đất Mỹ, ông đã đứng ra thành lập Đảng Cách mạng Cuba, tập hợp tất cả các lực lượng yêu nước trong và ngoài nước nhằm chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa vũ trang giải phóng Cuba. Ngày 25-3-1895, Martí xuất bản tờ tuyên ngôn đòi quyền độc lập của Cuba, chấm dứt phân biệt chủng tộc, xây dựng tình đoàn kết với những người Tây Ban Nha ủng hộ nền độc lập này.

Sau một thời gian dài chuẩn bị lực lượng, ngày 11-4-1895, với tư cách là lãnh tụ tối cao của cách mạng, Martí cùng Mácximô Gômết (Máximo Gomez) đã bí mật trở về bờ biển phía Nam tỉnh Ôriente để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập chống Tây Ban Nha lần thứ hai. 

Ngày 19-5-1895, tại mặt trận ở Đôx Riôx, tỉnh Oriento, Martí đã hy sinh anh dũng, khi mới 42 tuổi.

Cuộc đời của Martí là một bản anh hùng ca vĩ đại. Ông đã chiến đấu bằng súng và ngòi bút đến hơi thở cuối cùng cho sự nghiệp giải phóng nhân dân Cuba và châu Mỹ Latinh. Ông ra đi nhưng sự nghiệp của ông vẫn là nguồn động lực, là ngọn đuốc dẫn đường cho nhân dân Cuba tiếp tục chiến đấu và đã giành độc lập ngày 01-01-1959.

Gia tài văn chương đồ sộ


Mặc dù ra đi khi mới 42 tuổi, nhưng vị anh hùng dân tộc đã để lại hàng trăm tác phẩm thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Cho tới nay, bên cạnh giá trị văn học to lớn, những tác phẩm của Martí vẫn được coi là kim chỉ nam cho tư tưởng độc lập tự chủ của Cuba.

José Martí đã để lại một sự nghiệp văn chương đồ sộ khoảng hai vạn trang (với hơn 10 tập văn, thơ, truyện, kịch, tiểu luận...) mà nội dung chủ đạo là tình yêu độc lập, tự do, ý chí đấu tranh cho hạnh phúc của những người nghèo, cho bình đẳng và bác ái giữa người với người. Đặc biệt, “Những vần thơ giản dị” (sáng tác năm 1891) là tập thơ được xem là tiêu biểu nhất cho phong cách sáng tác của Marti - rõ ràng và giản dị, điều mà ông coi là nguyên tắc hàng đầu trong sáng tác. Mục đích của tập thơ như Martí tự đề ra là “để lại trong lòng người đọc hình tượng người chiến sĩ” đã làm cho tác phẩm sáng ngời tinh thần tranh đấu, không quản gian khó, hy sinh.

Từ quan niệm sáng tác ấy, di sản văn hoá của Martí cũng như thơ ca của ông đã phản ánh nội dung cách mạng trong thời đại ông, trở thành niềm cổ vũ trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội trên lục địa này.

Không chỉ làm thơ, Martí còn để lại cho đời nhiều bài chính luận sắc sảo. Di sản văn chương của ông thật phong phú, đồ sộ như "Toàn tập Martí " được in thành 20 tập. Nếu như - theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu văn học, trước José Marti, nền văn chương ở khu vực Mỹ Latinh vẫn còn "thiếu cái nhìn toàn diện, đúng đắn và khoa học" thì với những trước tác mà Martí để lại, văn chương Mỹ Latinh đã có một diện mạo khác. Bởi vậy mà lãnh tụ Cuba Fidel Castro đã đưa ra nhận xét: "Tác phẩm của Martí là chiếc chìa khóa giúp cho việc tìm hiểu Mỹ Latinh trong các thời đại trước ông, thời đại ông sống và cả thời đại sau đó".

Mặc dù Martí qua đời trong lúc sự nghiệp cách mạng còn dang dở, nhưng tinh thần của ông thì vẫn luôn sống mãi, hiện thân là cuộc tấn công vào pháo đài Moncada ngày 26-7-1953 do Chủ tịch Fidel Castro lãnh đạo. Đây là sự tiếp nối tất nhiên của quá trình đấu tranh cách mạng hàng thế kỷ chống thực dân đế quốc vì mục tiêu giải phóng dân tộc của nhân dân Cuba.

Năm 1929, nhạc sĩ Joseito Fernendez đã cảm hứng chọn lựa một số bài thơ trong tập Những vần thơ giản dị của Martí để phổ nhạc thành bài hát "Guantanamera". Đây là một bài hát từng được xem như món quà "đặc trưng" của Cuba. Bài hát đã được nhiều ca sĩ gạo cội trên thế giới thể hiện.

“Người đầu tiên phát hiện ra Việt Nam"

Chủ tich Fidel Castro đã từng nói: "José Martí chính là người Cuba, người Mỹ Latinh đầu tiên phát hiện ra Việt Nam".

Tìm về cội nguồn của tình hữu nghị giữa hai nước, các bạn Cuba thường nhắc đến vị anh hùng dân tộc Martí. Trong bài ký “Một chuyến dạo chơi trên đất nước của người An Nam” đăng trên tạp chí “Tuổi Vàng”, xuất bản năm 1889, Martí đã mô tả về một xứ sở giàu đẹp với những cư dân cần cù, dũng cảm đã đương đầu và chiến thắng oanh liệt các thế lực ngoại xâm. Cuối bài viết, với cái nhìn lạc quan và khâm phục, tác giả khẳng định dù hiện đang phải sống dưới ách nô lệ thực dân tàn bạo, dân tộc Việt Nam chắc chắn sẽ lại vùng lên và giành thắng lợi.

Có thể khẳng định rằng Martí chính là người đầu tiên viết báo giới thiệu về Việt Nam với độc giả Mỹ Latinh. Nhiều thế hệ sau này đều cho rằng ông chính là người đầu tiên đã đưa hình ảnh Việt Nam vào văn hoá Cuba để rồi các hậu duệ của Người không ngừng củng cố tình cảm đoàn kết và ngưỡng mộ đối với nhân dân Việt Nam anh hùng và nhân hậu.

Cách đây hơn một thế kỷ, ngày 19-5-1895, Martí đã anh dũng hy sinh khi đang ngồi trên mình ngựa xông ra trận chiến đấu chống quân thực dân Tây Ban Nha. 5 năm trước đó, cũng ngày 19-5-1890, Hồ Chí Minh, con người vĩ đại của nhân dân Việt Nam cất tiếng chào đời. Thân thế và sự nghiệp của José Martí và Hồ Chí Minh đã để lại nhiều dấu ấn trong đời sống chính trị của Hai dân tộc Cuba và Việt Nam.

Chính vì vậy, vai trò, vị trí của Martí đối với cách mạng Cuba vẫn thường được liên hệ, so sánh với vai trò, vị trí của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam… Nhiều học giả Cuba và Việt Nam đều cho rằng, dường như lịch sử đã khéo lựa chọn, giao phó cho Hồ Chí Minh tiếp nối sứ mệnh mà Martí chưa hoàn thành, nhằm giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa.

Là những quốc gia từng phải trải qua đấu tranh gian khổ để giành lại độc lập tự chủ, Việt Nam và Cuba có cùng khát vọng về hòa bình, tiến bộ, phát triển và đoàn kết dân tộc. Cả hai người đều hiến dâng trọn đời mình cho cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của Tổ quốc, đều là nhà tư tưởng, nhà lãnh đạo, nhà văn hóa kiệt xuất... đã mang trái tim, khối óc của mình phục vụ cho mục đích cao cả là giải phóng dân tộc.

Mặc dù, Chủ tịch Hồ Chí Minh không được chứng kiến thắng lợi hoàn toàn của cách mạng Việt Nam, cũng như José Martí không được chứng kiến mọi thắng lợi và thành quả của cách mạng Cuba, song hai con người vĩ đại đó sẽ sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của mỗi dân tộc và trong mọi thời đại.

Ngày nay, ở mọi nơi trên đất nước Cuba đều có tượng José Martí. Nhân dân châu Mỹ Latinh rất kính trọng Martí không những vì cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Martí, mà còn vì Martí là người đã nêu cao và chiến đấu không mệt mỏi cho tư tưởng đoàn kết của các dân tộc Mỹ Latinh.

Hồng Anh (TTXVN)