05:07 03/05/2011

Ngọn hải đăng hy vọng cho các dân tộc yêu hòa bình

Thấm thoắt đã 36 năm kể từ khi cuộc chiến tranh chống Mỹ trở thành một phần trong lịch sử hào hùng của nhân dân Việt Nam.

Ông Graham Stevenson.

Thấm thoắt đã 36 năm kể từ khi cuộc chiến tranh chống Mỹ trở thành một phần trong lịch sử hào hùng của nhân dân Việt Nam. Tại Vương quốc Anh xa xôi, có những người bạn, người đồng chí vẫn nhớ như in những ngày họ xuống đường biểu tình phản đối quân đội Mỹ và vỡ òa sung sướng khi nhân dân Việt Nam giành được thắng lợi, thống nhất đất nước. Với họ, mọi chuyện như mới xảy ra ngày hôm qua.

Người bạn Anh yêu hòa bình

Graham Stevenson là một người như thế. Là một sử gia và đảng viên đảng Cộng sản Anh, ông không giấu nổi vẻ xúc động và hồ hởi như vẫn nguyên vẹn vẻ tươi rói cách đây gần 4 thập kỷ, khi ngày kỷ niệm 30/4 lịch sử đang đến gần. “Đó là một cảm giác hồ hởi nhẹ nhõm mà chúng tôi, những người đã tích cực đấu tranh trong hơn một thập kỷ, có được khi Việt Nam cuối cùng đã đánh đuổi quân xâm lược Mỹ về nước và thống nhất đất nước vào năm 1975”, ông nói.

Graham sinh ra và lớn lên tại Coventry, một thành phố nằm ở miền trung nước Anh nổi tiếng về tinh thần yêu chuộng hòa bình, đặc biệt từ khi bị bom đạn tàn phá trong Chiến tranh Thế giới thứ II. Xuất thân từ một gia đình lao động, ông đến với phong trào thanh niên một cách tự nhiên khi tham gia tái thiết Nhà thờ Lớn của thành phố bị bom đánh sập. Năm 16 tuổi, ông gia nhập Liên minh Thanh niên Cộng sản (YCL) tại Coventry. Tuy nhiên, tình yêu dành cho lý tưởng cộng sản chỉ thực sự trỗi dậy khi Graham bắt đầu nghiên cứu về lịch sử và nhất là sau dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Mười Nga vào năm 1967.

Cũng vào thời điểm này, làn sóng biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam lan rộng từ Mỹ ra toàn thế giới tư bản, trong đó Anh không phải là ngoại lệ. Tháng 3/1968, giữa lúc cuộc chiến tranh Việt Nam đến giai đoạn ác liệt, hàng chục ngàn người dân Luân Đôn và các vùng lân cận đổ xuống đường biểu tình chống Mỹ và phản đối chính phủ Anh ủng hộ Mỹ tham chiến tại Việt Nam. Đến tháng 10/1968, người dân yêu chuộng hòa bình trên toàn nước Anh lại tổ chức một cuộc biểu tình khác với quy mô lớn hơn nhiều, thu hút hàng trăm ngàn người tham gia, trong đó Graham là một trong những thành viên tổ chức tích cực.

Sức mạnh của nhân dân

Làn sóng biểu tình ở Anh dâng cao một phần nhằm phản đối chính phủ Công đảng ủng hộ chính phủ Mỹ trong cuộc chiến tại Việt Nam, nhưng động lực chủ yếu vẫn là tinh thần yêu chuộng hòa bình nói chung và sự đồng cảm nói riêng dành cho nhân dân Việt Nam. YCL là một trong những tổ chức đầu tiên ở Anh vận động cho làn sóng ủng hộ này. Năm 1965, YCL phát động chương trình “Hỗ trợ y tế cho Việt Nam” với khoản tài trợ đầu tiên 1.000 bảng (một số tiền rất lớn vào thời điểm đó). Phong trào này sau đó được nhân rộng ra toàn quốc và đến nay một số quỹ vẫn tiếp tục hoạt động. Năm 1966, trong bối cảnh dư luận quốc tế ngày càng lo ngại về số thương vong của dân thường trong cuộc chiến, YCL phát động chiến dịch lấy chữ ký yêu cầu “Mỹ rời khỏi Việt Nam”, thu hút hơn 100.000 người tham gia.

Nhóm Liên minh Thanh niên Cộng sản tham gia cuộc biểu tình tháng 10/1968 tại Luân Đôn (ảnh tư liệu YCL).


Nhưng phải đến tháng 3/1968, những tiếng nói phản chiến mới được nhắc đến nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng Anh sau khi diễn ra cuộc biểu tình phản chiến lớn đầu tiên được vận động bởi liên minh “Chiến dịch Đoàn kết Việt Nam” (VSC), trong đó YCL là một thành viên. Khoảng 20.000 người đã tụ tập ở Quảng trường Trafalgar, sau đó kéo đến trước Sứ quán Mỹ tại Luân Đôn, hô vang khẩu hiệu kêu gọi Mỹ rút khỏi Việt Nam và chính phủ Anh không ủng hộ Mỹ.

Mặc dù là một đồng minh thân cận của Mỹ, song chính phủ Anh của Thủ tướng Harold Wilson khi đó vẫn không đưa quân can dự vào chiến trường Việt Nam. Những người bạn Anh trong YCL nhận thức được rằng mục tiêu chính của họ là giữ chân chính phủ và quân đội Anh đứng ngoài cuộc chiến này. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy cuộc biểu tình đã bị một số phần tử lợi dụng để đấu đá bè phái. Một số người thậm chí bị kích động đột nhập vào khuôn viên của Sứ quán Mỹ. Bạo lực đã bùng phát khi dòng người biểu tình vấp phải một hàng rào cảnh sát quây kín bên ngoài Sứ quán. Kết quả là có hơn 80 người bị thương, 200 người bị cảnh sát bắt giữ.

Cũng trong thời gian này, phong trào quốc tế trợ giúp vật chất cho quân và dân Việt Nam do Liên đoàn Thanh niên Dân chủ Thế giới phát động được hưởng ứng ở khắp nơi. Phong trào có tên “Thắng lợi cho nhân dân Việt Nam, vì tự do, độc lập và hòa bình”, nhằm quyên tiền mua các vật dụng và nhu yếu phẩm giúp nhân dân Việt Nam ở các vùng bị chiến tranh tàn phá. Danh sách các thành phố ở Anh nhiệt tình tham gia nhiều không kể hết, như Newcastle, Bristol, Coventry, Manchester, London... YCL đã thuê một chuyến xe tải chở tiền và đồ quyên góp tổng trị giá hơn 4.000 bảng từ Anh chạy thẳng tới tham dự Liên hoan Thanh niên Thế giới đang diễn ra ở Xôphia (Hunggari) để trao cho đoàn đại biểu Việt Nam.

Đến lúc này, YCL nhận thấy cần có sự chung tay rộng rãi hơn nữa để tạo ra một tiếng nói mạnh mẽ chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Cùng với các tổ chức khác như Ủy ban Sinh viên Quốc gia Đảng Cộng sản, Chiến dịch Đoàn kết Việt Nam, Tổ chức Chủ nghĩa Xã hội Quốc tế, Phong trào Thanh niên Tự do và Ủy ban Hòa bình Anh... YCL đã tham gia vận động hai lực lượng yêu chuộng hòa bình lớn nhất ở Anh là sinh viên và công nhân để cùng nhau tổ chức cuộc biểu tình rầm rộ vào ngày 27/10/1968. Đây được coi là cuộc biểu tình hòa bình lớn nhất trong lịch sử Anh, với sự tham gia của 250.000 người, đến mức báo chí Anh còn cảnh báo có dấu hiệu của một cuộc đảo chính.

Nhưng trên thực tế, cuộc xuống đường diễn ra trong trật tự và không gây ra một tình huống bạo động đáng kể nào. Thậm chí, tinh thần đoàn kết cao cả giữa giai cấp vô sản và thanh niên của đám đông khổng lồ còn khiến chính quyền ngạc nhiên. Graham kể lại không khí của đoàn biểu tình lúc đó: Đoàn người biểu tình hô to “Hey LBJ (tên viết tắt của Tổng thống Mỹ Johnson), đến hôm nay ông đã giết bao nhiêu trẻ em?”. Những nhóm khác nối tay nhau thành một hàng dài, lắc lư theo lời bài hát “Ho, Ho, Ho Chi Minh”.

Cảnh sát Anh trấn áp một người biểu tình quá khích (ảnh tư liệu).


Sức mạnh của các cuộc biểu tình rầm rộ đã gây sức ép để chính phủ Anh từ chối các lời đề nghị hỗ trợ quân đội liên tục từ phía Mỹ. Trong cuốn “Harold Wilson, Lyndon Johnson và chiến tranh Việt Nam, 1964 - 1968”, tác giả Jonathan Coleman viết: “Với việc Anh không trực tiếp tham chiến, chính quyền của Tổng thống Mỹ Johnson có xu hướng coi việc nhiều lần Thủ tướng Wilson nỗ lực hòa giải là một sự bất hợp lý, thậm chí khó chịu. Căng thẳng về vấn đề Việt Nam khiến mối quan hệ Wilson - Johnson có thể là mối quan hệ tồi tệ nhất giữa một thủ tướng Anh và một tổng thống Mỹ”.

Việt Nam - Ngọn hải đăng hy vọng

Dù không có bạn bè hoặc người thân phải tham gia cuộc chiến tại Việt Nam, nhưng người dân Anh vẫn cực lực phản đối cuộc chiến này khi hàng ngày họ phải chứng kiến những nỗi đau chiến tranh trong lòng một dân tộc đã chịu quá nhiều đau khổ. Phil Katz, một nhà thiết kế mỹ thuật, hội viên Hiệp hội Nghệ thuật Hoàng gia Anh, cho biết rất nhiều người trẻ thuộc thế hệ của anh suốt một thời gian dài đã bị ám ảnh sau khi xem thời sự vào các buổi tối với hình ảnh những chiếc máy bay B52 của Mỹ nhả bom liên tục trên bầu trời Việt Nam. Câu hỏi đầu tiên một đứa trẻ 10 tuổi như anh đặt ra là: “Tại sao người ta có thể nhét nhiều bom đến thế vào một chiếc máy bay?”.

Thế rồi sau đó là những hình ảnh về bom nổ, người chết, nhà cửa đổ nát và cả những hình ảnh bom napal thiêu rụi xóm làng được chiếu trên truyền hình trong “những cuộc tấn công tội lỗi và không thể tha thứ” của lính Mỹ. Chính vì thế, tâm lý phản đối chiến tranh lúc đầu chỉ có ở người dân lao động do Đảng Cộng sản khơi dậy, đã lan sang Công đảng và những người dân Anh nói chung, nhất là giới trẻ.

Chiến tranh kết thúc, cũng như bao người dân tiến bộ yêu chuộng hòa bình khác trên thế giới, Phil hân hoan chứng kiến quân xâm lược Mỹ bị đánh đuổi về nước và nhân dân Việt Nam giành lại nền độc lập. Ông nói: “Tôi rất vui khi nhân dân Việt Nam thống nhất được đất nước vào năm 1975. Một dân tộc nhỏ bé ở châu Á trở thành một ngọn hải đăng thắp lên niềm hy vọng cho thế giới. Đó là ngày chứng tỏ người khổng lồ Gôliát đã sai lầm và có thể bị đánh bại”.

Còn với Graham, ngày 30/4 lịch sử được ông ghi nhận dưới góc nhìn của một sử gia và một đảng viên Cộng sản: “Nhân dân tiến bộ ở khắp nước Anh đã thở phào nhẹ nhõm và bày tỏ một sự biết ơn và ngưỡng mộ sâu sắc đối với chiến thắng của các bạn. Cả một thế hệ đấu tranh đã được lôi kéo vào các hoạt động công đoàn và chống chủ nghĩa đế quốc, đó là nhờ có tinh thần anh dũng của nhân dân Việt Nam, những người đã thay đổi lịch sử thế giới một cách cơ bản và hiệu quả”.

Vũ Hội (P/v TTXVN tại Anh)