09:19 23/09/2014

Ngọn gió trừng phạt chống Nga tràn qua Trung Á

Moskva sẽ phải trì hoãn các dự án ở khu vực Trung Á, đây là những ngọn gió lạnh đầu tiên tràn tới các nước khu vực này, kể từ khi các lệnh trừng phạt chống Nga liên tục được áp đặt và mở rộng từ hồi tháng 8 đến nay.

Chịu ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt của phương Tây và Mỹ, Moskva sẽ phải trì hoãn các dự án ở khu vực Trung Á. Và đây là những ngọn gió lạnh đầu tiên tràn tới các nước khu vực này, kể từ khi các lệnh trừng phạt chống Nga liên tục được áp đặt và mở rộng từ hồi tháng 8 đến nay.

Lượng kiều hối do lao động nhập cư tại Nga gửi về quê hương giảm đáng kể. Ảnh: PhotXPress.ru


Tờ "Báo Độc lập" (Nga) ngày 23/9 cho rằng: "Bishkek (Kyrgyzstan) và Dushanbe (Tajikistan) đã nhận thấy những ảnh hưởng đầu tiên của các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống lại nước Nga".

Ngoài việc bị Nga trì hoãn các dự án ở Trung Á, rõ ràng Kyrgyzstan và Tajikistan cũng đã thấy rõ lượng kiều hối từ người di cư đang sinh sống tại Nga gửi về giảm đáng kể.

Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) mới đây cũng đã dự báo sự suy giảm tăng trưởng kinh tế ở các nước trong Cộng đồng các quốc gia độc lập.

Nguyên do của tình trạng này, theo các chuyên gia của ngân hàng, chính là những hiệu ứng không thể tránh khỏi từ việc phương Tây và Mỹ liên tục áp đặt và mở rộng lệnh trừng phạt chống Nga. Theo ước tính của các chuyên gia EBRD, hai nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất tại khu vực là Tajikistan và Kyrgyzstan.

"Sự suy yếu của nền kinh tế Nga chủ yếu sẽ tác động xấu tới nền kinh tế Tajikistan và Kyrgyzstan". Một báo cáo mới đây của EBRD đã khẳng định điều này. Theo các chuyên gia của ngân hàng, trong quý I/2014, lượng kiều hối chuyển về Trung Á, Đông Âu và vùng Caucasus giảm đáng kể.

"Bất kỳ dấu hiệu suy yếu tiếp theo nào của nền kinh tế Nga, cũng tất yếu dẫn đến sự suy giảm tăng trưởng kinh tế ở khu vực Trung Á", báo cáo EBRD nhận định.

Phó Giám đốc khoa học Viện các vấn đề thị trường, thuộc Viện khoa học Nga, ông Nabi Ziyadullaev phân tích rằng nền kinh tế Tajikistan và Kyrgyzstan liên kết rất chặt chẽ với nền kinh tế Nga, trong khi lại có rất ít mối quan hệ với phương Tây.

Do đó, sẽ hoàn toàn tự nhiên, khi các biện pháp trừng phạt chống lại nước Nga cũng sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế của các quốc gia Trung Á, mà trước hết là lượng kiều hối của lao động nhập cư tại Nga từ Tajikistan và Kyrgyzstan gửi về quê hương giảm.

Theo các số liệu thống kê chính thức, lượng kiều hối lao động nhập cư Tajikistan gửi về quê hương là 4 tỷ USD, song các chuyên gia khẳng định con số thực tế vào khoảng trên dưới 10 tỷ USD. Tuy nhiên, nay nguồn ngoại tệ chuyển từ Nga về các nước Trung Á trung bình giảm tới 30%.

Có lẽ lúc này Tajikistan và Kyrgyzstan không có lựa chọn nào khác ngoài việc tham gia Liên minh Hải quan (TS) và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEC). Nga sẽ không nhận cổ tức đặc biệt từ EAEC trong 5-10 năm tới, song Nga chắc chắn sẽ thắng lợi về mặt địa chính trị khi mở rộng liên minh này.

Cũng không thể đánh đồng các quốc gia Trung Á, Tajikistan và Kyrgyzstan là những quốc gia nông nghiệp, trong khi Turkmenistan là nước xuất khẩu dầu mỏ và Kazakhstan và Uzbekistan là hai nước có nền kinh tế phát triển nhất. Lệnh trừng phạt của phương Tây chống Nga sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia nói trên theo những cách khác nhau, tùy thuộc vào mức độ hội nhập nền kinh tế Nga.

Trước hết, các biện pháp trừng phạt sẽ làm giảm cơ hội đầu tư ở Nga, trong khi các khoản đầu tư chính của Nga hiện đang hướng đến các lĩnh vực năng lượng ở Trung Á. Uzbekistan và Kazakhstan là những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất, tiếp đó là đến Turkmenistan.

Tuy nhiên, cần nhận thấy rằng dòng chảy chính của dầu mỏ và khí đốt ở tất cả các nước sản xuất dầu mỏ ở Trung Á, và bây giờ còn có thêm Nga, dường như theo các hợp đồng mới vừa được ký kết đều đang chảy đến Trung Quốc. Từ thực tế này, cũng có thể cho rằng những thiệt hại do lệnh trừng phạt của phương Tây đang được Nga nỗ lực giảm thiểu.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là trong lĩnh vực dầu khí, còn những khoản đầu tư của Nga vào lĩnh vực thủy điện tại Kyrgyzstan và Tajikistan, có khả năng sẽ phải hoãn vô thời hạn.

Cũng có thể nhận thấy rõ việc Nga hoãn các dự án tại Trung Á, song ngược lại, các hoạt động thúc đẩy đầu tư và thương mại với Trung Quốc lại đang được kích hoạt nhanh chóng.

Các chuyên gia cũng không loại trừ khả năng trong tương lai gần, Tajikistan và Kyrgyzstan sẽ trở thành các nước cung cấp nguyên liệu của Trung Quốc. Và lúc đó, cùng một lúc, Nga sẽ tìm kiếm được các hợp đồng năng lượng thuận lợi.

Bài báo kết luận, lúc này thay vì phụ thuộc gần như hoàn toàn vào Nga, các nền kinh tế Trung Á có thể tìm kiếm hợp tác với Liên minh châu Âu, song đó cũng sẽ là một tiến trình gian nan bởi tiêu chuẩn của châu Âu luôn đòi hỏi cao, và để đáp ứng điều này, đối với các nước Trung Á là hoàn toàn không đơn giản.


Quế Anh