05:09 24/05/2011

Ngôi nhà ấm áp của những số phận thiệt thòi

Những gương mặt trẻ nhỏ rạng rỡ, sáng sủa. Những cụ già ngồi với nhau sau bữa ăn trưa, uống bát nước vối, rủ rỉ nói chuyện... Ngắm nhìn những hình ảnh thanh bình ấy, chúng tôi mới thấy hết được những giá trị của TT dưỡng lão và hướng nghiệp phát triển tài năng trẻ Phật Tích...

Những gương mặt trẻ nhỏ rạng rỡ, sáng sủa. Những cụ già ngồi với nhau sau bữa ăn trưa, uống bát nước vối, rủ rỉ nói chuyện... Ngắm nhìn những hình ảnh thanh bình ấy, chúng tôi mới thấy hết được những giá trị nhân đạo cao cả của Trung tâm dưỡng lão và hướng nghiệp phát triển tài năng trẻ Phật Tích (xã Phật Tích, huyện Tiên Du, Bắc Ninh), trung tâm từ thiện nhân đạo do Quỹ Thiện Tâm (Công ty CP Vincom) xây dựng và tài trợ.

Sự gắn kết của những tâm hồn cô đơn

Ông Trần Quang Thám (81 tuổi), quê Hà Tĩnh, người cao niên nhất đang sống ở trung tâm, tâm sự, từ khi về Trung tâm, cuộc sống của ông mới thật sự ổn định. "Biết được gia đình tôi đang gặp khó khăn, Công ty CP Vincom đã tặng gia đình tôi 25 triệu đồng để sửa sang ngôi nhà và mời tôi ra trung tâm sống. Ngần ngừ, tôi nói nguyện vọng của tôi nếu được đưa theo 2 cháu nội (mồ côi mẹ, bố bị thần kinh) thì tôi mới yên tâm sống an bình ở quê hương mới. Đồng ý với nguyện vọng của tôi, cả ba ông cháu ra ở ngôi nhà chung này được hơn 4 tháng nay. Giờ thì tôi rất yên tâm về tương lai của ba ông cháu. Hàng ngày, chúng tôi đọc báo, xem ti vi, các cháu được học hành... Hàng tháng, chúng tôi được khám sức khỏe định kỳ. Yên tâm lắm!”.

Cụ bà Đoàn Thị Lộc, quê Hải Phòng, là một trong những cụ vào trung tâm ngay từ đầu (tháng 7/2010), cho chúng tôi hay: "Sau khi vào sống ở trung tâm, các bác ở quê ai cũng khen tôi là trắng, đẹp hơn hồi ở nhà. Hàng ngày, tôi vẫn trồng rau đấy. Rau trồng được bán lại cho trung tâm, được tiền để dành cho các cháu ở quê”. Đó có lẽ cũng là nét đặc biệt của trung tâm dưỡng lão và hướng nghiệp phát triển tài năng trẻ Phật Tích, giúp cho những người sống ở trung tâm không cảm thấy cô đơn. Trong khuôn viên của trung tâm có vườn cây ăn quả, vườn rau, vườn hoa, ao cá với các con đường đi dạo rất thuận tiện với tuổi già, mang lại sự bình yên cho cuộc sống của các thành viên nơi đây.

Đến giờ là các cháu tự giác ngồi vào bàn học. Ảnh: Trung Hiền


Đến ngôi nhà các em ở, chúng tôi lại đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi sự ngăn nắp, sạch sẽ. Các em nhỏ ở đây đang hồn nhiên vui đùa, như chưa từng trải qua những nỗi đau trong cuộc sống. Sùng Văn De, người Mông, 13 tuổi, hớn hở kể về ước mơ sẽ trở thành nhạc sĩ của mình. Trước khi vào trung tâm, Sùng Văn De sống ở xã Cổ Linh, Pắc Nậm, Bắc Cạn, luôn được tắm mình trong tiếng khèn mỗi khi vào hội, vào phiên chợ nên em luôn mơ ước trở thành nhạc sĩ. Bố mẹ mất sớm lúc De mới 1 tuổi. Chú thím phải nuôi 6 miệng ăn, trong đó có 3 em của De. “Với hoàn cảnh như thế, cháu khó lòng mà đạt được ước mơ của mình. Khi nghe được thông tin về trung tâm này, cháu liền viết đơn xin về đây học”.

Anh Nguyễn Văn Thắng, tốt nghiệp Đại học Công đoàn, hiện là cán bộ ở trung tâm giới thiệu với chúng tôi cậu bé 9 tuổi, rất giỏi toán, quê ở Đồng Văn, Hà Giang. Đó là Lầu Mí Say, mồ côi cả bố mẹ từ thửa còn thơ, ở với họ hàng. Biết được năng khiếu đặc biệt của em, Sở Lao động,Thương binh & xã hội tỉnh Hà Giang đã đưa em về với trung tâm. “Lúc mới về trung tâm, tiếng Kinh của Lầu Mí Say chưa thạo, thế mà giờ đây đã là học sinh giỏi toán nhất nhì lớp 1”, anh Thắng khoe. Chỉ sang cậu bé ngồi bên, anh Thắng nói, đây là cậu bé duy nhất ở trung tâm này người Hà Nội. Em là Lê Tiến Anh, 12 tuổi, đang học lớp 6. “Bố con bị bệnh mất lúc con mới 5 tuổi. Mẹ con ở với người khác. Con sống cùng với cô. Khi cô đi lấy chồng, con được về đây”, Lê Tiến Anh kể. Được hỏi về cuộc sống ở đây, em hồ hởi: “Con vui lắm ạ, có nhiều bạn, lại được đá bóng... Tối chúng con xem ti vi đến 7 giờ là tất cả ngồi vào bàn học bài”.

Đầy tình tương thân tương ái

Trung tâm dưỡng lão và hướng nghiệp phát triển tài năng trẻ Phật Tích có trụ sở tại xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, do Quỹ Thiện Tâm (thuộc Công ty CP Vincom) thành lập và bảo trợ. Chỉ cách Hà Nội 25 km, trên tổng diện tích 12 ha, ở giai đoạn 1, trung tâm có 20 tòa nhà, trong đó có 7 nhà ở dành cho các cụ, mỗi nhà có 5 phòng ở, 2 cụ một phòng. Trung tâm có 6 nhà dành cho trẻ em với diện tích bình quân là 8,5 m2/người, có phòng ngủ, phòng khách. Ngôi nhà nào cũng được trang bị hệ thống vệ sinh khép kín, bình tắm nóng lạnh và máy giặt. Nhà sinh hoạt chung cho các cụ và các em được trang bị điều hòa nhiệt đô, thiết bị âm thanh... đáp ứng nhu cầu giải trí, giao tiếp.

PGS - TS Mai Tất Tố, Chủ tịch kiêm Giám đốc Trung tâm dưỡng lão và hướng nghiệp phát triển tài năng trẻ Phật Tích cho biết, Trung tâm Phật Tích được xây dựng trên tinh thần tương thân tương ái, nhằm giúp đỡ những người già cô đơn và trẻ mồ côi, đặc biệt là các đối tượng chính sách trên cả nước. Các cụ đến sống tại đây được chăm sóc đầy đủ cả về cơ sở vật chất và tinh thần, trong điều kiện tốt, miễn phí... Tiêu chuẩn ăn hiện nay của các cụ là 1.000.000 đồng/tháng, thực đơn luôn được thay đổi. Các cụ có thể tham gia các hoạt động lao động thích hợp với lứa tuổi và theo nguyện vọng như trồng cây cảnh và hoa, trồng rau, hoa màu... Số tiền thu được từ việc trồng rau sẽ được chuyển lại các cụ để các cụ có thể chi tiêu riêng hay làm sổ tiết kiệm. Trong trường hợp các cụ bị bệnh tật ốm đau, sẽ được trung tâm chăm sóc. Tương tự, đối với các cháu nhỏ, khi vào đây cũng được nuôi dạy miễn phí, được vui chơi thể thao và lao động phù hợp với lứa tuổi. Cũng như các cụ, số tiền thu được từ trồng rau sẽ được trung tâm gửi tiết kiệm và đưa lại cho các cháu khi trưởng thành để làm vốn lập nghiệp. “Trung tâm sẽ chi phí tiền học cao đẳng hay đại học và giúp đỡ tạo công ăn việc làm cho các cháu sau khi ra trường”, ông Tố cho biết thêm. “Cứ ngày mùng 1 và ngày rằm hàng tháng là chúng tôi lại đưa các cụ và các cháu lên Chùa Phật Tích. Các cụ và các cháu ở đây hàng ngày đều được hưởng lộc của nhà Chùa mang dến. Sắp tới, vào kỳ nghỉ hè, nhà Chùa sẽ tổ chức cho cháu học về đạo đức trong kinh Phật. Những việc làm này có lợi ích hướng tâm thiện cho các cháu ngay từ nhỏ”, ông Tố cho biết.

Hiện trung tâm đang nhận nuôi dưỡng và chăm sóc 42 trẻ và 14 cụ già đến từ các tỉnh, thành như Hà Tĩnh, Hải Phòng, Bắc Kạn, Hà Giang, Bắc Ninh... Với nhiều năm kinh nghiệm làm công tác xã hội, ông Nguyễn Quang Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm tâm sự: “Trung tâm dưỡng lão và hướng nghiệp phát triển tài năng trẻ Phật Tích luôn mở rộng tấm lòng đón những người không được may mắn. Tuy nhiên, có nhiều gia đình vẫn còn e ngại không đưa người thân đến sống ở trung tâm, mặc dù không có đủ điều kiện để chăm lo cho họ, đặc biệt đối với tương lai của những đứa trẻ kém may mắn”.
Với trách nhiệm của người cầm bút, chúng tôi mong sao nhiều người hiểu được ý nghĩa của trung tâm, bởi hiện nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về vai trò của trung tâm, vô tình đã làm mất đi cơ hội của những người kém may mắn. Ông Thắng cho biết: “Trung tâm Phật Tích được xây dựng trên tinh thần tương thân tương ái, nhằm giúp đỡ những người già cô đơn và trẻ mồ côi, đặc biệt là các đối tượng chính sách trên cả nước. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất không phải về vấn đề kinh phí nuôi dưỡng, cơ sở vật chất mà là vấn đề tuyển chọn. Qua khảo sát ở nhiều địa phương cho thấy, vẫn còn không ít trường hợp những người thân trong gia đình không có đủ điều kiện chăm lo, nhưng rất ngại ngần và khó thuyết phục họ để ông bà, cô bác, hay con cháu mình đến sống tại trung tâm. Bởi họ sợ lời bàn tán của bà con lối xóm... Chính những suy nghĩ còn nặng nề, mặc cảm đó đã làm mất cơ hội được sống tốt và trưởng thành cho người thân, con em của mình. Cái trăn trở nhất của chúng tôi là làm sao để họ có thể hiểu đúng và nghĩ được sâu sắc hơn về trung tâm”.

Bước chân ra về bao nhiêu cảm xúc, bao nhiêu nghĩ suy đọng lại, tự hứa với lòng mình sẽ quay trở lại làm những gì có ích cho trung tâm, vì đây sẽ là gia đình lớn đầy tình thương, nơi các cụ được chăm lo tận tình và các cháu sẽ được dạy dỗ, học hành, trở thành công dân tốt của đất nước sau này.

Tiêu chí tuyển chọn người cao tuổi cô đơn và trẻ em mồ côi vào nuôi dưỡng

1.Người cao tuổi
* Tiêu chí tuyển chọn:
- Tuổi đời từ 60 đến 75 tuổi (tính theo tuổi dương lịch).
- Già yếu, không có con, cháu hoặc thân thích để nương tựa.
- Thuộc diện gia đình nghèo, không có lương hưu.
- Ưu tiên tuyển chọn các bà mẹ Việt Nam anh hùng, cha mẹ của liệt sĩ; người cao tuổi là thương bệnh binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong.

*Các trường hợp sau đây không nằm trong diện tuyển chọn của trung tâm:
- Các cụ già tàn tật: Câm, điếc, mù lòa, các dạng dị tật, khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận của cơ thể ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và tự phục vụ bản thân.
- Các cụ bị bệnh tâm thần, bệnh lao, HIV, bại liệt, ung thư, suy tim, suy thận...
2.Trẻ em mồ côi:
*Tiêu chí tuyển chọn:
Trẻ em từ 6 đến 14 tuổi (tính theo tuổi dương lịch) nằm trong các trường hợp sau đây:
- Mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc mồ côi 1 người (cha/mẹ) nhưng người còn lại mất tích hoặc không đủ năng lực, hành vi, khả năng nuôi dưỡng.
- Cha mẹ đều còn sống nhưng cả cha và mẹ đều mất khả năng lao động, quá nghèo không có khả năng nuôi con, hoặc cả cha và mẹ đang chấp hành hình phạt bị giam giữ tại trại giam, các cháu không có người nuôi dưỡng.

*Trung tâm không nhận các cháu thuộc các trường hợp sau đây:
- Các cháu tàn tật: Câm, điếc, mù lòa, các dạng dị tật, bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận của cơ thể ảnh hưởng nhiều đến việc học tập, sinh hoạt hàng ngày.
- Các cháu bị tâm thần, động kinh, lao, HIV, di chứng não, các bệnh hiểm nghèo...


Thanh Bình