04:07 04/04/2011

Ngôi làng độc nhất vô nhị ở Xinhgapo

Thật khó hình dung giữa bốn bề những tòa nhà cao ốc hiện đại là một ngôi làng cũ kỹ nơi những người già Xinhgapo vẫn lặng lẽ sống. Ở đó có cảnh chó mèo chạy rông ngoài đường, có tiếng gà thỉnh thoảng cất lên tiếng gáy, có tiếng trẻ con chơi đùa ngoài sân bên những ngôi nhà bằng gỗ hoặc bê tông lợp tôn nhiều màu sắc. Những inh ỏi còi xe trên con đường cao tốc ngay cách đó vài mét dường như chẳng ảnh hưởng gì tới cuộc sống tĩnh lặng của người dân trong làng.

Làng Lorong Buangkok. Ảnh: AFP/TTXVN


Đó là Lorong Buangkok, ngôi làng cuối cùng còn sót lại trên quốc đảo Xinhgapo. Sự tồn tại của ngôi làng độc nhất vô nhị này chỉ còn tính bằng ngày nhưng chừng nào các dự án phát triển còn chưa động đến nó, ngôi làng vẫn là một điểm du lịch lý thú, nơi du khách có thể cảm nhận được cuộc sống như thế nào vào những năm 1950 của thế kỷ 20, trước khi Xinhgapo trở thành một trong những thành phố hiện đại và giàu có bậc nhất châu Á.
Có diện tích cỡ bằng ba sân bóng đá và nằm ở đông bắc ngoại ô, làng Lorong Buangkok chỉ có 28 ngôi nhà với chừng 50 cư dân. Với những con đường không trải nhựa, những khu vườn rộng, bờ cỏ xanh và những rặng chuối đang trổ buồng, khung cảnh Lorong Buangkok là một sự tương phản sâu sắc với quốc đảo Xinhgapo hiện đại với những tòa cao ốc hào nhoáng và các trung tâm thương mại sang trọng tấp nập người vào ra.
Đối với người dân, trở về làng thực sự là trở về với nơi chốn bình yên sau mỗi ngày làm việc, một ốc đảo thanh bình nơi hàng xóm gắn bó với nhau thân tình chứ không cách biệt ai biết người ấy như nơi thành phố.

Bà Sng Mui Hong, 57 tuổi, là người có các ngôi nhà cho thuê với giá 6,50 tới 30 đô la Xinhgapo (5 USD tới 23 USD)/tháng nói: “Tôi có sự gắn bó thân tình với các hàng xóm của mình. Họ đã lớn lên cùng tôi, thậm chí ông bà họ đã từng coi sóc tôi lớn lên. Gia đình bà Sng chuyển tới đây vào năm 1956 khi Xinhgapo vẫn nằm dưới sự cai trị của thực dân Anh. Điện và đường nước được dẫn tới làng vào năm 1962, thời kỳ mà quốc đảo đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp chính trị.

Một ngôi nhà trong làng. Ảnh: AFP/TTXVN


Ngày nay ở làng Lorong Buangkok, sự hòa thuận giữa các chủng tộc đến rất tự nhiên giữa các gia đình người gốc Mã Lai và các gia đình gốc Hoa. Bà Sng cho biết: “Tôi coi họ như người trong một nhà vì họ đều là người làng này. Bởi vậy tôi không quan ngại họ là người Mã Lai hay người Hoa”.
Và trong khi ngôi làng còn lâu mới đáp ứng các tiêu chuẩn hiện đại ở Xinhgapo là phải có siêu thị, trường học, xe buýt và nhà ga tàu hỏa, cư dân ở đây chẳng bận tâm về điều này bởi họ cho rằng hồn cốt làng quê mới là điều quan trọng mà người ta không thể cảm nhận được khi sống ở thành phố.

Nghệ sĩ trang điểm Jamil Kamsah, người đã sống tại làng Lorong Buangkok từ năm 1967, tâm sự: “Mọi người ở đây sống rất thân thiện, hòa thuận và lịch sự, rất dễ bắt chuyện và làm bạn với họ. Ở đây tôi cảm nhận mình có thể nói chuyện với cả động vật, cỏ cây”. Những lúc rảnh rỗi, Jamil dành thời gian chăm sóc khu vườn đầy hoa cỏ trước nhà mình và luôn chào đón khách đến thăm với nụ cười rộng mở.

Ở một nơi đất đai quý hiếm như Xinhgapo, nơi nhiều tòa nhà và các khu dân cư cũ đã được đập đi xây mới thành những tòa nhà hiện đại hơn, làng Lorong Buangkok đối mặt với một tương lai không chắc chắn. Bà Sng hy vọng rằng ngôi làng duy nhất còn lại này sẽ được bảo tồn để giáo dục cho các thế hệ tương lai về quá khứ, cũng như cho bọn trẻ biết ông bà chúng đã sống như thế nào. Bà nói: “Không phải ai sinh ra cũng đã giàu có, thế hệ ông bà của họ đã xây dựng cuộc sống từ đổ nát, điêu tàn”.

Một số trường học trong thành phố đã dẫn học sinh tới tham quan làng Lorong Buangkok để các em học hỏi về cuộc sống nông thôn và trẻ em thường rất háo hức sau chuyến đi dã ngoại này, khi chúng phát hiện ra rằng gà không phải là chim.

Cơ quan Tái phát triển đô thị (URA) của Xinhgapo cho biết có các kế hoạch để tái phát triển làng Lorong Buangkok nhưng chưa đưa ra khung thời gian cụ thể. Và chừng nào Lorong Buangkok vẫn còn là ngôi làng duy nhất còn lại ở Xinhgapo, người dân làng như bà Sng, như nghệ sĩ Jamil vẫn an tâm rằng cuộc sống “làng quê thanh bình” giữa phố xá tấp nập của họ vẫn tiếp tục.

Đỗ Sinh (theo AFP)