06:17 29/06/2022

Ngoại trưởng Ukraine tuyên bố nước này không từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO

Ngày 29/6, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba tuyên bố Kiev không từ bỏ kế hoạch gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba. Ảnh: NCBC

Hãng thông tấn TASS (Nga) dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Ukraine Kuleba phát biểu trong một cuộc phỏng vấn phát ngày 29/6 của đài phát thanh RFI rằng Ukraine không xem xét lại lập trường của mình đối với việc gia nhập NATO.

Trong cuộc phỏng vấn, người đứng đầu ngành ngoại giao Ukraine tỏ ý không nhất trí với ngôn từ của người dẫn chương trình rằng Kiev đã từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO. Ông Kuleba lưu ý: “Tại sao không? Vấn đề gia nhập NATO đã được ghi trong Hiến pháp Ukraine… Bên cạnh đó, cấu trúc của liên minh này là cơ chế an ninh hiệu quả nhất tại không gian châu Âu”.

Song theo Ngoại trưởng Kuleba, “chỉ mong muốn của chúng tôi là không đủ để gia nhập NATO. Điều cần thiết là liên minh này cũng phải muốn điều đó. Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra một quyết định lịch sử. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng kể từ đầu cuộc chiến (với Nga) tới nay, NATO không triển khai bất kỳ bước đi nào hướng tới việc gia nhập của Ukraine”.

Ukraine đã nhiều lần bày tỏ mong muốn gia nhập NATO, thậm chí đưa mục tiêu trở thành thành viên khối này vào trong Hiến pháp sửa đổi năm 2019. Ukraine hiện không phải là thành viên của NATO hay Liên minh châu Âu nhưng nước này trước đây đã bày tỏ mong muốn gia nhập cả hai liên minh.

Mới đây nhất, ông Ihor Zhovkva, Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, hôm 25/6 tuyên bố Kiev không có kế hoạch tiến hành bất kỳ điều gì liên quan đến tư cách thành viên NATO trong tương lai gần, sau khi khối quân sự này từ chối nguyện vọng gia nhập của Kiev.

Tuyên bố trên được ông Zhovkva đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Financial Times. Bên cạnh đó, cố vấn ngoại giao thân cận của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky này cho biết thêm rằng Kiev mong muốn tài liệu "Khái niệm chiến lược mới" của NATO loại bỏ hoàn toàn việc đề cập Nga như một đối tác của khối.

Trước đó, vào ngày 15/3, trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo của Lực lượng Viễn chinh chung (JEF), Tổng thống Ukraine Zelensky cũng nói rằng đã đến lúc phải thừa nhận rằng nước này sẽ không trở thành một thành viên của NATO.

Trong cuộc phỏng vấn với đài ABC News (Mỹ) được phát sóng tối 7/3, khi được hỏi liệu ông có sẵn sàng từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO vào một thời điểm nào đó hay không, Tổng thống Zelensky trả lời: "Tôi đã kém mặn mà với vấn đề này sau khi nhận ra rằng NATO không sẵn sàng chấp nhận Ukraine".

Trang tin ukrinform.net, dẫn kết quả thăm dò do nhóm xã hội học Rating thực hiện ngay trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2, cho biết tỷ lệ ủng hộ việc Ukraine gia nhập NATO và EU đã tăng lên mức cao nhất so với vài tháng trước đó.

Ngoại trưởng Ukraine Kuleba đưa ra phát biểu trên sau khi ngày 28/6 Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ngừng phản đối Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, mở đường cho hai quốc gia Bắc Âu này tham gia liên minh.

Theo tổ hợp truyền thông BBC (Anh) và hãng tin RT (Nga), sau nhiều tuần căng thẳng chính trị, cuối cùng Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận với Thụy Điển và Phần Lan. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan ngày 28/6 xác nhận Ankara chấm dứt việc phản đối hai nước Bắc Âu này gia nhập NATO. Ba nước đã đạt được thỏa thuận trên sau một cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO cùng ngày tại Madrid (Tây Ban Nha).

Theo một thông cáo báo chí của NATO, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto và Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde đã ký một bản ghi nhớ trước sự chứng kiến của lãnh đạo ba nước và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ông Stoltenberg cho biết thêm Thụy Điển và Phần Lan sẽ trở thành quan sát viên tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới của NATO.

Nga luôn coi xu hướng mở rộng về phía Đông của NATO là mối đe dọa an ninh trực tiếp và xem việc nước láng giềng Ukraine gia nhập khối quân sự do Mỹ đứng đầu này là “lằn ranh đỏ”. Moskva lâu nay vẫn yêu cầu những sự đảm bảo rằng Ukraine phải là một quốc gia trung lập, sẽ không gia nhập NATO hoặc cho phép liên minh quân sự này triển khai quân đội và vũ khí trên lãnh thổ của mình.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức (Theo TASS)