04:07 23/04/2025

Ngoại trưởng Rubio khởi động chiến dịch cải tổ, tinh gọn Bộ Ngoại giao Mỹ

Trong giai đoạn đầu của cuộc cải tổ lớn, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ xóa bỏ 132 văn phòng trong nước, cắt giảm khoảng 700 vị trí tại Washington, và đóng cửa nhiều văn phòng chuyên trách.

Chú thích ảnh
Ông Marco Rubio phát biểu trong phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ ở Washington, D.C., ngày 15/1/2025. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Ngoại trưởng Marco Rubio ngày 22/4 đã công bố giai đoạn đầu tiên của một kế hoạch cải tổ lớn Bộ Ngoại giao Mỹ, với những thay đổi sẽ xóa bỏ 132 văn phòng trong nước, cắt giảm khoảng 700 vị trí tại Washington, D.C., và đóng cửa các văn phòng chuyên trách tội ác chiến tranh và xung đột toàn cầu — theo một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao và các tài liệu mà CNN thu thập được.

Cũng theo CNN, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết những thay đổi trên là cần thiết để duy trì hiệu quả và sự phù hợp của cơ quan này. Một quan chức cấp cao gọi sơ đồ tổ chức hiện tại là “phình to quá mức”, và cho rằng điều này đã gây ra “tác động tiêu cực đến chính sách đối ngoại và vai trò của Bộ”.

Vị quan chức nói rằng những thay đổi này sẽ không dẫn đến sa thải ngay lập tức, nhưng ngầm báo hiệu rằng sẽ có nhân sự mất việc. Là một phần của kế hoạch tái cơ cấu, dự kiến sẽ có 700 vị trí tại trụ sở chính ở Washington bị cắt giảm.

Một bản thông tin nội bộ của Bộ Ngoại giao mà CNN thu được cho biết: “Là một phần của kế hoạch, các thứ trưởng cũng sẽ phải đề xuất phương án giảm 15% nhân sự tại các văn phòng trong nước, phù hợp với Sáng kiến Tối ưu hóa Nhân sự của Tổng thống.”

Cuộc cải tổ được chờ đợi từ lâu

Sau thời gian dài chờ đợi, kế hoạch tái cơ cấu Bộ Ngoại giao Mỹ, được công bố nhưng chưa đi vào chi tiết cụ thể. Thay vào đó, một quan chức Bộ này mô tả đây là một “lộ trình tổng thể”. Các Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ sẽ có 30 ngày để xây dựng kế hoạch chi tiết, làm cơ sở để lãnh đạo thực hiện từ ngày 1/7 - theo một bản ghi nhớ do Thứ trưởng Christopher Landau gửi đến toàn thể nhân viên cùng ngày 22/4.

Mục tiêu là tổ chức lại bộ máy Bộ Ngoại giao Mỹ theo một cấu trúc “phù hợp với định hướng” của chính quyền. Theo bản thông tin nội bộ, số văn phòng tại trụ sở của Bộ sẽ giảm từ 734 xuống còn 602 - tương đương giảm 22%. Ngoài ra, 137 văn phòng khác sẽ được chuyển đến “vị trí khác để tăng hiệu quả”.

“Ngày hôm nay là cột mốc. Dưới sự lãnh đạo của @POTUS (Tổng thống Mỹ) và theo chỉ đạo của tôi, chúng tôi đang đảo ngược nhiều thập kỷ cồng kềnh và quan liêu tại Bộ Ngoại giao. Những thay đổi toàn diện này sẽ trao quyền cho các nhà ngoại giao tài năng của chúng ta để đặt nước Mỹ và người dân Mỹ lên hàng đầu”, Ngoại trưởng Rubio viết trên mạng X.

Kế hoạch tái cơ cấu tập trung trước tiên vào các văn phòng trong nước. Đề xuất này đã được Bộ Ngoại giao xây dựng từ những ngày đầu của chính quyền Tổng thống Trump.

“DOGE không phụ trách chuyện này”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Tammy Bruce nói ngày 22/4, nhắc đến Ban Hiệu quả Chính phủ do tỷ phú Elon Musk lãnh đạo — cơ quan dẫn đầu làn sóng cắt giảm quy mô lớn trong toàn chính phủ liên bang.

Chưa động đến hệ thống ngoại giao ở nước ngoài

Kế hoạch cải tổ không phải là thay đổi duy nhất mà Bộ Ngoại giao Mỹ dự kiến thực hiện - đặc biệt là liên quan đến các cơ sở ở nước ngoài.

Theo một bản Hỏi – Đáp nội bộ, “hiện tại chưa có quyết định nào về việc đóng cửa đại sứ quán, lãnh sự quán hay các cơ sở ngoại giao ở nước ngoài.”

Tuy vậy, những tin đồn về các thay đổi được đề xuất đã gây lo ngại và bất an trong lực lượng nhân sự Bộ Ngoại giao - đặc biệt sau các động thái đột ngột nhằm giải thể Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID). Kế hoạch tái cơ cấu Bộ Ngoại giao được tách biệt nhưng “bổ trợ chặt chẽ” với việc sáp nhập USAID vào Bộ Ngoại giao - theo tài liệu nội bộ.

Xóa bỏ cả vị trí thứ trưởng, sáp nhập và tái định hướng

Sơ đồ tổ chức mới mà Bộ Ngoại giao Mỹ công bố cùng với bản thông tin nội bộ cho thấy những thay đổi quy mô lớn tại cơ quan ngoại giao hàng đầu của Mỹ. Chức vụ Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách An ninh Dân sự, Dân chủ và Nhân quyền sẽ bị xóa bỏ, cùng với Văn phòng Tư pháp Hình sự Toàn cầu và Cục Ổn định và Giải quyết Xung đột.

Các văn phòng phụ trách người tị nạn, tự do tôn giáo và chống buôn người sẽ được chuyển về Văn phòng Điều phối Viện trợ Đối ngoại và Nhân đạo.

Ngoài ra, sẽ thành lập một chức danh Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các mối đe dọa mới nổi.

“Mỗi cục khu vực sẽ thành lập một Văn phòng Hỗ trợ để điều phối viện trợ cho khu vực đó” — bản thông tin cho biết, phản ánh việc chuẩn bị đóng cửa USAID.

Phản ứng trái chiều từ Quốc hội

Quan chức Bộ Ngoại giao nói rằng Quốc hội đã được thông báo về những thay đổi dự kiến. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Brian Mast, hoan nghênh kế hoạch cải tổ, cho rằng nó sẽ giúp Bộ Ngoại giao “gọn nhẹ và hiệu quả hơn, đảm bảo mỗi đô la và mỗi nhà ngoại giao đều phục vụ nước Mỹ trước tiên.”

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen - thành viên Dân chủ cao cấp nhất của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện - cảnh báo rằng “mọi thay đổi với Bộ Ngoại giao và USAID cần được cân nhắc kỹ lưỡng vì liên quan trực tiếp đến an ninh và vị thế của nước Mỹ.”

“Khi nước Mỹ rút lui - như đã xảy ra dưới thời Tổng thống Trump - Trung Quốc và Nga sẽ trám vào khoảng trống. Một Bộ Ngoại giao mạnh và sẵn sàng thực thi nhiệm vụ sẽ thúc đẩy lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ, mở ra thị trường mới cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ, và góp phần duy trì hòa bình – ổn định toàn cầu”, bà Shaheen nói. “Còn phải chờ xem các đề xuất cải tổ lần này có thực sự đạt được mục tiêu đó không.”

“Tôi sẽ xem xét kỹ lưỡng các cải cách được đề xuất, vốn phải được thực hiện với sự tham vấn chặt chẽ với Quốc hội và tuân thủ pháp luật… và tôi sẽ buộc Ngoại trưởng Rubio thực hiện cam kết điều trần trước Ủy ban và đối thoại với Quốc hội về tương lai của Bộ Ngoại giao”, nghị sĩ Shaheen khẳng định.

Thu Hằng/Báo Tin tức