04:10 02/04/2011

Ngoại trưởng Đức: Libi cần một giải pháp chính trị

Tình hình tại Libi không thể giải quyết thông qua “các biện pháp quân sự” là tuyên bố của Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle ngày 1/4.

Tình hình tại Libi không thể giải quyết thông qua “các biện pháp quân sự” là tuyên bố của Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle ngày 1/4. Kêu gọi ngừng bắn ở Libi, ông Westerwelle bình luận sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc, Dương Khiết Trì, ở thủ đô Bắc Kinh: “Đó chỉ có thể là một giải pháp chính trị và chúng ta phải thực hiện một tiến trình chính trị.

Người đứng đầu TNC, Mustafa Abdul Jalil (phải) và đặc phái viên LHQ về Libi Abdul Ilah Khatib tại cuộc họp báo ở Benghazi ngày 1/4. Ảnh: AFP/ TTXVN


Điều đó cần bắt đầu bằng một lệnh ngừng bắn mà nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi phải lưu ý để tiến trình hòa bình bắt đầu”. Về phần mình, Ngoại trưởng Trung Quốc cho biết tại cuộc gặp, hai bên quan ngại trước những thông tin về con số thương vong của dân thường tại Libi ngày càng tăng cao trong bối cảnh các cuộc giao tranh tại quốc gia Bắc Phi này vẫn tiếp diễn ác liệt. Ngoại trưởng hai nước hy vọng “các quốc gia có liên quan sẽ tôn trọng nghị quyết của LHQ cũng như tôn trọng độc lập và chủ quyền của Libi”, đồng thời khẳng định vấn đề Libi “phải được giải quyết thỏa đáng bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao”.

Trong một diễn biến khác, tờ Trung Đông ngày 1/4 đưa tin, nhà lãnh đạo Kadhafi đang chạy đua với thời gian để cố tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Báo này cho biết, Mohammed Ismail, trợ lý cấp cao của Saif al-Islam - con trai ông Kadhafi, đã bắt đầu chuyến thăm bí mật tới Luân Đôn (Anh) vì mục đích này. Phái viên Ismail sẽ trình bày đề xuất, trong đó ông Kadhafi sẽ đóng một vai trò mang tính biểu tượng và một trong những người con trai của ông sẽ làm tổng thống, trong khi một số nhân vật đối lập sẽ được phép tham gia chính phủ dân tộc.

Các nguồn thạo tin về các cuộc tiếp xúc của phái viên Libi này với nhiều chính phủ phương Tây cho biết, con trai ông Kadhafi là Mutasim, người hiện giữ vị trí cố vấn an ninh quốc gia Libi, sẽ được đề cử vào vị trí tổng thống Libi trong khi ông Kadhafi sẽ nắm quyền tượng trưng. Đề xuất mới này đồng nghĩa với việc ông Kadhafi rút lại đề xuất trước đó của ông về việc người con trai thứ hai là Saif al-Islam sẽ điều hành đất nước, sau khi vấp phải sự phản đối dữ dội của phe nổi dậy. Đề xuất này vẫn đang được nhiều nước phương Tây xem xét.

Phe đối lập đặt điều kiện ngừng bắn


Liên quan đến chiến sự tại Libi, lực lượng đối lập ngày 1/4 đã tuyên bố sẵn sàng ngừng bắn nếu lực lượng của chính phủ ngừng tấn công vào các thành phố ở Tây Libi do lực lượng chống đối chiếm giữ. Tuyên bố này được người đứng đầu Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp tự xưng của phe đối lập (TNC), Mustafa Abdul Jalil đưa ra sau cuộc gặp đặc phái viên LHQ về Libi Abdul Ilah Khatib. Phát biểu trên kênh truyền hình vệ tinh Al-Jazeera, ông Mustafa cho biết, mục tiêu chính của TNC là đạt được sự ngừng bắn lâu dài.

Những người ủng hộ chính phủ Libi tập trung bên ngoài nhà riêng của ông Kadhafi ở Tripôli ngày 1/4. Ảnh: AFP-TTXVN


Mạng tin Debka ngày 1/4 dẫn các nguồn tin tình báo và quân sự cho rằng: Các chỉ huy cấp cao lực lượng nổi dậy Libi đã bán cho Hezbollah và Hamas hàng nghìn quả đạn pháo hóa học từ các kho vũ khí hơi độc rơi vào tay lực lượng này sau khi chiếm các cơ sở quân sự của nhà lãnh đạo Kadhafi trong và xung quanh thành phố Benghazi.
Theo Debka, quân nổi dậy đã bán ít nhất 2.000 quả đạn pháo và 1.200 quả đạn có khí độc, với số tiền lên tới nhiều triệu USD. Các cơ quan tình báo Mỹ và Ixraen đang lần theo lô hàng vũ khí hủy diệt hàng loạt này từ miền đông Libi tới Xuđăng, trên các đoàn xe được tình báo Iran và các tay súng Hezbollah và Hamas bảo vệ. Hiện không rõ số đạn pháo và khí độc này được tập hợp để chuyển đi hay phân tán theo các côngtenơ riêng rẽ. Đại diện của Hezbollah và Hamas đã tới Libi trong tuần đầu tiên của tháng 3 để hoàn tất thương vụ này và thu xếp các phương tiện vận chuyển.

Trong khi đó, giao tranh giữa lực lượng chính phủ Libi và phe đối lập đang diễn ra ác liệt tại hai thành phố miền đông nước này là Brega (cách thủ đô Tripôli khoảng 800 km) và Misrata (cách Tripôli 214 km). Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, cho biết thời tiết xấu đã cản trở chiến dịch không kích của liên quân tại Libi trong tuần này.

Phóng viên AFP có mặt tại nơi chiến sự cũng nói rằng, các trận bão cát và mây mù che phủ khiến tầm nhìn bị hạn chế đáng kể. Trước đó, ông Mullen cảnh báo còn lâu liên quân mới đánh bại được nhà lãnh đạo Kadhafi. Đô đốc Mullen nói: “Chúng ta thực sự đã giảm bớt đáng kể các khả năng quân sự của ông Kadhafi. Song điều đó không có nghĩa ông ta chuẩn bị tan vỡ về quân sự”.

Cùng ngày 1/4, Quốc hội Thụy Điển đã thông qua dự luật cho phép quân đội nước này tham gia các hoạt động quân sự do NATO thực hiện ở Libi. Theo đó, quân đội Thụy Điển sẽ cử 8 máy bay chiến đấu tham gia hoạt động của NATO, tuy nhiên số máy bay này chỉ tham gia bảo vệ vùng cấm bay và không oanh kích xuống lãnh thổ Libi. Ngoài ra, Thụy Điển cũng sẽ gửi thêm máy bay trinh sát và 100 nhân viên tham gia hoạt động này trong 3 tháng.

Kênh truyền hình Al-Jazeera cùng ngày cho biết “một số nhân vật” thân cận với ông Kadhafi đã rời Libi tới Tuynidi, một ngày sau khi Ngoại trưởng Libi Moussa Koussa đào tẩu sang Luân Đôn. Theo thông báo cá nhân được đăng tải trên các trang web đối lập của Libi, Đại sứ Libi tại LHQ Ali Abdussalem Treki ngày 1/4 đã từ chức và chạy sang Ai Cập.

Gioócđani ngày 1/4 tuyên bố nước này đã sơ tán các nhà ngoại giao và nhân viên sứ quán khỏi Tripôli do tình hình đang xấu đi tại Libi. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Gioócđani Mohammad Kayed khẳng định, động thái này “không có ý nghĩa chính trị” và không đánh dấu sự thay đổi quan điểm của Gioócđani đối với Tripôli về việc “phản đối bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của nước ngoài trên lãnh thổ Libi”.

Trong khi đó, Cao ủy LHQ về người tị nạn, Antonio Guterres nhấn mạnh tính cấp thiết phải có biện pháp tiếp cận nhân đạo tại Libi. Tổ chức nhân đạo ACF của Pháp cũng cảnh báo về làn sóng người tị nạn chạy loạn từ Libi qua biên giới sang Tuynidi ngày càng gia tăng.

Hồng Hạnh