05:06 13/05/2014

Ngoại thành “khát” nước sạch

Hầu hết người dân ở các quận, huyện ngoại thành TP Hồ Chí Minh hiện nay đều chưa tiếp cận được nguồn nước máy của thành phố mà chủ yếu sử dụng nguồn nước ngầm, nước giếng khoan, nước mưa... cho sinh hoạt hàng ngày.

Hầu hết người dân ở các quận, huyện ngoại thành TP Hồ Chí Minh hiện nay đều chưa tiếp cận được nguồn nước máy của thành phố mà chủ yếu sử dụng nguồn nước ngầm, nước giếng khoan, nước mưa... cho sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, chất lượng nước từ các giếng khoan đang nằm trong báo động đỏ bởi ô nhiễm nặng hoặc nhiễm phèn trầm trọng.


Nước ngầm bị ô nhiễm


Theo Ban Quản lý nguồn nước - Sở Tài nguyên Môi trường TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố có 3 tầng chứa nước chính có thể khai thác phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Hiện tầng nước người dân đang sử dụng qua giếng khoan, giếng đào... nằm ở tầng thứ nhất, sâu khoảng 50 m so với mặt đất. Tuy nhiên, tầng nước này ở một số quận, huyện ngoại thành đang bị ô nhiễm nặng. “Ở tầng nước người dân đang khai thác đó là tầng gần mặt đất. Trước kia khi đô thị hóa chưa phát triển, tác động còn ít cho nên chất lượng nước còn tốt. Tuy nhiên, sau này do xây nhà, dân số tăng nhanh nên chất lượng nguồn nước cũng bị ảnh hưởng nhiều. Hiện nhiều người dân ở các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè... vẫn sử dụng nguồn nước này để sinh hoạt, tắm giặt...”, ông Nguyễn Văn Ngà, Trưởng phòng Tài nguyên nước và Khoáng sản - Sở Tài nguyên Môi trường TP Hồ Chí Minh, cho biết.

Người dân ngoại thành phải mua nước sạch với giá cao.


Theo phản ánh của người dân, hầu hết các giếng khoan hiện nay đều bị ô nhiễm nặng. Ông Nguyễn Văn Phi, người dân ở xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh), cho biết: “Vì không có nước máy nên người dân ở đây phải khoan rất nhiều giếng để lấy nước sinh hoạt. Trước đây khoan nông, sau thời gian sử dụng nước bị hôi, bốc mùi tanh nên tiếp tục khoan sâu đến 160 m nhưng vẫn bị nhiễm phèn. Ở khu vực này có đến 50% giếng bị nhiễm phèn. Trước đây, nước bị phèn chúng tôi chỉ lọc một lần là dùng được nhưng giờ lọc đến hai lần vẫn còn phèn nên tắm là ngứa, giặt quần áo bị vàng, để lâu đóng cặn”. Ông Lê Tuấn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cũng lo lắng khi toàn huyện có 83.442 hộ dân thì 91,5% không được dùng nước mà phải dùng nước giếng khoan. Đây là điều mà huyện không an tâm vì độ nhiễm phèn của nước giếng khoan rất cao chưa nói đến độ PH, kẽm, chì và các chất ô nhiễm hữu cơ khác.


Theo ông Nguyễn Văn Ngà, qua khảo sát, nguồn nước ngầm ở những khu vực ngoại thành đang có hàm lượng nitơ cao. Nguyên nhân là do giếng khoan của người dân đặt không đúng chỗ, thường gần những khu vực dễ bị thấm nước bẩn, vị trí giếng không được bảo vệ, hệ thống thoát nước không được liên hoàn... dẫn đến nước bẩn xâm nhập vào nguồn nước ngầm.


“Ngóng” nguồn nước sạch


Trong năm 2013, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn đã triển khai chương trình mục tiêu nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, phối hợp với địa phương vận động người dân sử dụng nước hợp vệ sinh. Tuy nhiên, ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hồ Chí Minh, vẫn chưa thể an tâm về chất lượng nước, bởi qua khảo sát, ở một số khu vực mặc dù người dân đã lắng lọc nước rất trong, nhưng khi đưa đi xét nghiệm thì nước vẫn bị nhiễm phèn nặng, không thể sử dụng được.


Trước tình hình nguồn nước không đảm bảo cho ăn uống, hàng ngày người dân phải mua nước đóng bình để sử dụng hoặc mua lại nước sạch với giá cao. Có nơi người dân phải mua nước sạch giá 10.000 đồng/m3, thậm chí có nơi bán 60.000 - 80.000 đồng/m3. “Hiện huyện Hóc Môn đã có nhà máy sản xuất nước sạch nhưng người dân vẫn chưa được sử dụng nước sạch. Bởi việc cung cấp nước sạch đến người dân gặp nhiều khó khăn khi mạng lưới cấp nước sạch chưa phủ được khắp địa bàn. Trong khi đó, tiến độ đầu tư hệ thống nước sạch còn chậm, vốn đầu tư cao nên khó bố trí vốn đầu tư trong thời gian ngắn”, ông Lê Tuấn Tài cho biết. “Mới đây, Công ty Cấp nước Nhà Bè thông báo kéo đường ống nước về cho dân nhưng chi phí quá cao, chỉ 10 m đường ống dẫn từ ngoài đường vào hẻm lên đến hơn 17 triệu đồng. Chúng tôi cũng rất mong có nước sạch để sử dụng nhưng chi phí lắp đặt như vậy quá đắt, người nghèo như chúng tôi lấy đâu đủ tiền để đóng”, một người dân ở huyện Nhà Bè phản ánh.


Theo ông Bạch Vũ Hải, việc cấp nước sạch không thể cấp ồ ạt mà cần có lộ trình cụ thể. Hiện Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cũng đã làm việc với các huyện để thành lập tổ điều tra đi khảo sát, xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể. Tổng công ty đã xây dựng kế hoạch đầu tư năm 2014, với việc hợp tác đầu tư xây dựng Nhà máy nước Thủ Đức 3, công suất 300.000 m3/ngày, dự kiến hoàn thành cuối năm 2014, nâng tổng công suất cấp nước thành phố lên 1.950.000 m3/ngày; đầu tư phát triển mạng đường ống cấp 1, 2 với tổng chiều dài 67,341 km đường ống, tổng vốn đầu tư 2.044 tỷ đồng; đầu tư lắp đặt mạng cấp 3 với tổng chiều dài 421,755 km đường ống, tổng vốn đầu tư 815,280 tỷ đồng; xây mới và nâng cấp mở rộng 12 trạm cấp nước thuộc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn... Bên cạnh đó, tổng công ty chú trọng đến công tác điều tiết, phân vùng nhằm ổn định áp lực nước và sử dụng hiệu quả sản lượng nước từ các nhà máy nước, đẩy mạnh công tác gắn mới đồng hồ nước, tăng cường công tác giảm thất thoát, thất thu nước, thực hiện tốt các biện pháp cấp nước mùa khô, nâng cao chất lượng công tác dịch vụ khách hàng...


Còn theo ông Nguyễn Văn Ngà, trong khi chờ nguồn nước sạch đảm bảo vệ sinh về tới nhà dân, thì các ngành chức năng cần phải có giải pháp hoặc chính sách hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện những phương pháp xử lý nguồn nước để vừa tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo chất lượng nước.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh: Đặt sức khỏe người dân lên hàng đầu Việc xây dựng hệ thống phân phối nước sạch về các quận, huyện ngoại thành gặp khó khăn nhưng nếu đặt sức khỏe của người dân lên hàng đầu thì mọi khó khăn không còn là vấn đề. Việc xã hội hóa hệ thống cấp nước là tốt nhưng không thể thực hiện theo kiểu địa bàn dễ thì công ty cấp nước đầu tư, địa bàn khó lại kêu gọi xã hội hóa, như vậy hiệu quả không cao. Thời gian tới, HĐND tiếp tục giám sát, UBND thành phố tiếp tục kiểm tra công tác cấp nước sạch cho các quận, huyện ngoại thành.

 

Ông Tô Trung Dũng, Chánh văn phòng Sawaco: Khó khăn về nguồn vốn Một số khu vực ngoại thành không có nước sạch là do khối lượng đầu tư mạng lưới cấp nước khá lớn, đặc biệt tại các khu vực ngoại thành nên nguồn vốn đầu tư hiện nay của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn không đủ để đáp ứng cùng một lúc. Bên cạnh đó, những khu vực dân cư còn rải rác, chưa tập trung hoặc ở các khu vực thuộc quy hoạch chờ giải tỏa hay tại các hẻm nhỏ vướng hệ thống thoát nước không có đủ điều kiện để lắp đặt đường ống cấp nước. Hiện Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn đã xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển mạng lưới đường ống cấp nước theo từng giai đoạn để liên hệ và làm việc với các ngân hàng trong nước và nước ngoài tìm nguồn vốn vay.

 

Chị Lan Phương, Phường Tân Thới Hiệp, Quận 12: Mong nước sạch về Nhiều năm nay ở khu vực này không có nước sạch nên gia đình tôi và các hộ sống ở gần đây phải sử dụng nguồn nước ngầm. Tuy nhiên, nguồn nước ngầm đang bị ô nhiễm nặng, lúc bơm nước lên bị sùi bọt giống như xà bông, giặt quần áo chỉ cần 2 lần đã thấy bị ố vàng... Chúng tôi rất sợ khi phải sử dụng nguồn nước này nhưng không có nước sạch thì chúng tôi đành phải chấp nhận sử dụng. Sử dụng nguồn nước này lâu ngày chắc chắn sức khỏe chúng tôi sẽ bị đe dọa.

Đan Phương