05:17 08/05/2016

Ngộ độc thực phẩm trong trường học gia tăng

Tình hình ngộ độc thực phẩm trong trường học thời gian gần đây có xu hướng tăng. Nếu không có giải pháp triệt để cải thiện việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm tại các trường học thì số vụ ngộ độc thực phẩm sẽ còn tăng.

Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh, nhìn nhận tình hình ngộc độc thực phẩm trong trường học thời gian gần đây có xu hướng tăng. Qua thống kê, trong năm 2012 và 2013 thành phố không xảy ra ngộ độc thực phẩm tại trường học, năm 2014 và 2015 có 1 vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học nhưng chỉ trong 4 tháng đầu năm 2016 thành phố đã xảy ra 3 vụ ngộc độc thực phẩm trong trường học. “Nếu chúng ta không có giải pháp triệt để cải thiện việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm tại các trường học thì số vụ ngộ độc thực phẩm sẽ còn tăng”, bác sĩ Huỳnh Mai cho biết thêm.


Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm chiếm tỷ lệ cao nhất là điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh với 52%; tiếp đến là do sử dụng các thực phẩm không an toàn chiếm 24% số vụ ngộ độc thực phẩm. Trên thực tế, một số cơ sở nấu ăn đã chọn những nguyên liệu thực phẩm rẻ tiền, chất lượng kém, không an toàn và việc dùng chất cấm, kháng sinh, kích thích không được phép sử dụng trong chăn nuôi, trồng trọt cũng góp phần làm tăng nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

Tình trạng ngộ độc thực phẩm trong trường học đang tăng.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố có hơn 2.820 trường học có dịch vụ ăn uống. Theo đó, có 1.620 trường có bếp ăn tập thể, hơn 880 trường có căng tin, gần 320 trường hợp đồng với cơ sở cung cấp suất ăn sẵn. Số vụ ngộ độc thực phẩm do các cơ sở cung cấp thức ăn sẵn chiếm 52% tổng số vụ ngộ độc thực phẩm. Thời gian xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều nhất vào các tháng 3,4, 6, 7 khi nhiệt độ trung bình của tháng ở mức cao và thời tiết giao mùa đã tạo thuận lợi cho vi sinh vật phát triển.


Theo các chuyên gia y tế, nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học sẽ gây nhiều lo lắng, bức xúc cho xã hội và ảnh hưởng sức đến số đông học sinh, vì vậy việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học là rất cần thiết. Để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thành phố khuyến cáo các trường học có số lượng học sinh từ 1.000 học sinh trở lên nên tự tổ chức bếp ăn tập thể tại trường để giám sát tốt hơn các điều kiện bảo quản, chế biến, giảm thiểu nguy cơ gây ra ngộ độc thực phẩm. Các cơ sở chế biến suất ăn phải tuân thủ thời gian bảo quản, vận chuyển suất ăn sẵn, trong đó thực phẩm từ khi chế biến xong đến khi ăn không quá 4 giờ (nếu thực phẩm không thể bảo quản nóng, lạnh hay đông lạnh).


Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, thời gian tới Chi cục sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, trong đó có kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở bếp ăn tập thể, căn tin trong trường, cơ sở cung cấp thức ăn sẵn; đồng thời kiên quyết xử lý các cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm phòng ngừa ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học. Bên cạnh đó, ngành y tế sẽ phối hợp với ngành giáo dục để hoàn thiện, vận hành và duy trì hệ thống tự kiểm tra an toàn thực phẩm ngành giáo dục.


Trước điều tình trạng ngộ độc thực phẩm có xu hướng gia tăng trong trường học, vừa qua Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã có công văn gửi đến các Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận/ huyện và hiệu trưởng các Trung học phổ thông, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên về việc chỉ đạo tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn, căng tin trường học. Thủ trưởng đơn vị phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về các trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học nếu nguyên nhân được chứng minh do trường học gây ra.


Tin và ành: Đan Phương