03:13 16/03/2023

Nghiên cứu mô phỏng từ Trung Quốc: ICBM của Triều Tiên có thể tấn công Mỹ trong 33 phút

Nhóm nhà khoa học quốc phòng ở Trung Quốc đã lập mô phỏng một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Triều Tiên nhằm vào lục địa Mỹ.

Chú thích ảnh
Một cuộc tập trận phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: KCNA

Lỗ hổng trong "chuỗi tiêu diệt" của Mỹ

Nghiên cứu mô phỏng của Viện Kỹ thuật Hệ thống Điện tử Bắc Kinh đã chỉ ra rằng ICBM của Triều Tiên có thể tấn công miền Trung nước Mỹ trong 1.997 giây, tương đương khoảng 33 phút, nếu mạng lưới phòng thủ tên lửa của Mỹ không đánh chặn được.

Viện Kỹ thuật Hệ thống Điện tử Bắc Kinh là một trong những viện nghiên cứu hàng đầu của ngành công nghiệp quốc phòng hàng không vũ trụ ở Trung Quốc.

Đáng chú ý, theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), những nghiên cứu tương tự của các nhà khoa học Trung Quốc trước đây thường không nêu cụ thể tên các quốc gia hoặc địa điểm trong phần báo cáo được công bố rộng rãi.

Nghiên cứu mới kể trên dựa trên một vụ phóng giả định tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên, được khai hỏa lần đầu vào năm 2017. 

Hwasong-15 là tên lửa hai giai đoạn, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn hiệu quả lên đến 13.000km đủ để tấn công toàn bộ lãnh thổ Mỹ.  

Trong nghiên cứu do ông Tang Yuyan dẫn đầu được công bố trên tạp chí Modern Defense Technology ngày 15/3, một tên lửa Hwasong-15 được phóng đi từ thành phố Sunchon ở miền Trung Triều Tiên. Mục tiêu của nó là thành phố Columbia thuộc bang Missouri, miền Trung nước Mỹ. 

Theo nhóm nhà khoa học Trung Quốc, đại bản doanh phòng thủ tên lửa của Mỹ sẽ nhận được cảnh báo về vụ phóng khoảng 20 giây sau đó. Loạt tên lửa đánh chặn đầu tiên sẽ cất cánh trong vòng 11 phút từ căn cứ Fort Greely ở Alaska. Nếu chúng thất bại, một loạt tên lửa đánh chặn khác sẽ được phóng từ Căn cứ Lực lượng Vũ trụ Vandenberg ở California.

Liệu đầu đạn của Triều Tiên có thể bắn trúng mục tiêu - một thành phố nhỏ của Mỹ với dân số khoảng 120.000 người hay không - vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

Tuy nhiên, mô phỏng cho thấy mạng lưới phòng thủ tên lửa hiện tại của Mỹ mặc dù có sức mạnh ấn tượng nhưng vẫn hiện hữu các lỗ hổng trong hệ thống “chuỗi tiêu diệt” để xác định và phòng thủ trước một cuộc tấn công bằng ICBM. Và theo ông Tang Yuyan, lỗ hổng đó có thể bị đối phương khai thác. 

Chú thích ảnh
Tên lửa Hwasong-15. Ảnh: KCNA

Mối quan tâm của Trung Quốc 

Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) từ lâu đã theo đuổi chiến lược phòng thủ. Nhưng những năm gần đây, dư luận thế giới ngày càng quan tâm đến khả năng Trung Quốc tiến hành một cuộc chiến trên đất Mỹ, dựa trên thực tế mối quan hệ xấu đi giữa hai nước hiện nay. 

Điển hình, một nghiên cứu tình báo quân sự của Trung Quốc hồi tháng 1 đã vạch ra những mục tiêu tiềm năng của Mỹ đối với các cuộc tấn công bằng vũ khí siêu vượt âm.

Nghiên cứu này do ông Yu Jintao tại Bộ phận tình báo của Viện Cảnh báo sớm Không quân ở Vũ Hán thực hiện. Kết quả cho thấy làn sóng tấn công đầu tiên từ phía Trung Quốc có thể nhằm vào Căn cứ Không quân Beale ở California và bán đảo Cape Cod, nơi đặt các trạm radar trên mặt đất lớn nhất của Mỹ.

Giới chức tình báo Trung Quốc nhận định các cơ sở này dễ bị tấn công bởi vũ khí siêu vượt âm, vì chúng có thể bay vòng quanh thế giới, khó thể đoán trước và tấn công với vận tốc nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh.

Ông Yu Jintao và các đồng nghiệp viết trên Tạp chí Công nghệ Tên lửa Chiến thuật cho biết việc tiêu diệt sớm sẽ làm chậm hành động của đối thủ, giảm khả năng đánh chặn tên lửa và mang lại cho Trung Quốc lợi thế chiến lược.

Trong khi đó, nhóm của ông Tang cho biết mục đích chính của nghiên cứu của họ là đánh giá hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ có thể bảo vệ lãnh thổ nước này tốt như thế nào.

Theo mô phỏng, lưới phòng thủ của Mỹ có thể hoạt động hiệu quả để chống lại các tên lửa đạn đạo truyền thống, chẳng hạn như Hwasong-15, nhờ sự phối hợp và bổ trợ giữa các lớp với nhau.

Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, ngay cả khi đối đầu với một đối thủ tương đối nhỏ như Triều Tiên, hệ thống này cũng không hoàn hảo.

Mô hình của nhóm nghiên cứu cho thấy các nền tảng giám sát hiện có của Mỹ trong không gian, đại dương và trên mặt đất đôi khi có thể bị mất dấu tên lửa Triều Tiên, đặc biệt là trong quá trình bay lên và hạ xuống giữa chuyến bay.

Theo tính toán của họ, nếu Triều Tiên phóng một số tên lửa mang hơn 40 đầu đạn hoặc mồi nhử, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ sẽ bị áp đảo.

Nhóm của chuyên gia Tang cũng mô phỏng một cuộc tấn công bằng tên lửa của Triều Tiên vào đảo Guam, căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Và mặc dù Mỹ có thể phóng 4 đợt tên lửa đánh chặn từ các căn cứ quân sự ở nước ngoài, chẳng hạn như Nhật Bản, nhưng một số tên lửa đánh chặn này có thể thất bại nếu tên lửa Triều Tiên đi theo quỹ đạo bất thường với độ cao cực lớn. 

Dựa trên việc Triều Tiên cũng đang phát triển các đầu đạn siêu vượt âm có thể thay đổi đường đi trong bầu khí quyển, Mỹ hiện chưa có khả năng đối phó với những mục tiêu như vậy trong không gian gần.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Hàn Quốc và Mỹ tập trận chung tại Yeoncheon ngày 13/3. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Cảnh báo hành động gây chiến

Dù vậy, khả năng phòng thủ tên lửa của Mỹ có thể được cải thiện đáng kể trong vài năm tới.

Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đã nhiều lần phản đối mạnh mẽ quyết định triển khai cơ sở hạ tầng phòng thủ tên lửa mới của Mỹ, trong đó có hệ thống THAAD ở Hàn Quốc.

Bà Kim Yo-jong, em gái của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, tuần trước khẳng định vùng biển Thái Bình Dương không thuộc về Mỹ và Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục phóng thử tên lửa để nhằm mục đích tự vệ.

Sáng 16/3, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo không xác định ra vùng biển phía Đông nước này. Trước đó, ngày 14/3, Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Bình Nhưỡng cũng tuyên bố phóng 2 "tên lửa hành trình chiến lược" từ tàu ngầm hôm 12/3.

Những vụ phóng này được xem là hành động đáp trả cuộc tập trận Lá chắn Tự do (FS) của Mỹ và Hàn Quốc. Triều Tiên lên án cuộc tập trận là "sự chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh xâm lược" nhằm vào nước này.

Hoàng Trang/Báo Tin tức