12:17 09/12/2024

Nghiên cứu đầu tư mở rộng tuyến TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP

Chiều 9/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Long An, Tiền Giang về phương án đầu tư mở rộng tuyến đường Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn, trước nhu cầu cấp bách phải sớm nghiên cứu đầu tư mở rộng tuyến cao tốc, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ chưa thể cân đối để đầu tư tuyến cao tốc này; đồng thời thực hiện chủ trương xã hội hóa, tăng cường huy động nguồn lực ngoài ngân sách tham gia đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang báo cáo; được Phó Thủ tướng chấp thuận giao Bộ nghiên cứu đầu tư mở rộng tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư) toàn tuyến.

Nhà đầu tư đề xuất đã hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án với phương án sơ bộ: đầu tư mở rộng khoảng 91 km tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP, quy mô đầu tư 6-8 làn xe (đoạn Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương quy mô 8 làn xe, đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận quy mô 6 làn xe) phù hợp với bề rộng nền đường đã được giải phóng mặt bằng.

Trên cơ sở lấy ý kiến các địa phương, Bộ Giao thông vận tải đang nghiên cứu, tiếp thu để hoàn hiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và dự kiến hoàn thành công tác lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong quý IV/2024; thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong quý 1/2025; triển khai khảo sát, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tổ chức lựa chọn Nhà đầu tư để triển khai dự án trong năm 2025.

Nhất trí với đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung nhấn mạnh, đây là tuyến huyết mạch của các tỉnh miền Tây đi Thành phố Hồ Chí Minh và nối sân bay Long Thành, sân bay Tân Sơn Nhất; chưa kể, khi tuyến vành đai 3, vành đai 4 của Thành phố Hồ Chí Minh đã được hình thành đầu tư, các đơn vị được giao lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cần đánh giá rõ lưu lượng kết nối từ tuyến này tỏa ra các khu vực, tỉnh phía Đông Nam bộ.

"Cùng với phương án hiện hữu, Bộ Giao thông vận tải nên bổ sung phương án sử dụng thêm nguồn ngân sách Nhà nước để hoàn thành giải phóng mặt bằng toàn tuyến đồng thời với mở rộng tuyến cao tốc", Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nêu ý kiến.

Nhất trí phương án làm chủ đầu tư tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận, phát biểu trực tuyến tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải và các ban quản lý dự án tiếp tục hoàn thiện các đoạn đường gom để đảm bảo người dân đi lại.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường thống nhất việc triển khai đoạn Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương 8 làn xe, bao gồm nút giao Chợ Đệm. Tuy nhiên, theo quy hoạch sẽ tăng quy mô lên 10-12 làn xe, do đó, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất cân nhắc cân đối nguồn ngân sách Trung ương để đầu tư phần giải phóng mặt bằng.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Giao thông vận tải báo cáo đầy đủ quá trình triển khai Dự án mở rộng tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận thời gian qua; xem xét, hướng dẫn các địa phương lựa chọn nhà đầu tư theo quy định mới về đầu tư công từ ngày 1/1/2025, phương án hoàn trả tài sản hình thành từ nguồn vốn đầu tư công để xây dựng tuyến cao tốc.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương đề xuất chủ trương, nhu cầu kinh phí giải phóng mặt bằng toàn tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận theo quy hoạch, giao cho địa phương thực hiện và chịu trách nhiệm quản lý mặt bằng đã giải phóng.

Diệp Trương (TTXVN)