02:23 24/02/2020

Nghiên cứu của CUHK: Không nhiều công ty Mỹ trở về nước do cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc

HỒNG KÔNG, TRUNG QUỐC – – Media OutReach — Nền tảng chính sách của chính quyền Mỹ hiện tại được thể hiện qua tầm nhìn của Tổng thống Donald Trump là “Make America Great Again” (“Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”) và lời hứa của ông sẽ mang lại việc làm cho nước Mỹ.

Từ các mức thuế quan đối với hàng hóa trị giá 550 tỷ USD của Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tự tin rằng các sáng kiến ​​kinh tế của mình có thể mang đầu tư và các doanh nghiệp sản xuất của Mỹ trở về nhà. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây của Trường Kinh doanh, thuộc Đại học Hồng Kông Trung Quốc (Chinese University of Hong Kong – CUHK) đã tiết lộ rằng, mọi thứ không thực sự đi theo cách mà Tổng thống Donald Trump mong muốn.

Với tựa đề “Not Coming Home: Trade and Economic Policy Uncertainty in American Supply Chain Networks” (tạm dịch: “Không về nhà: Sự thiếu chắc chắn về chính sách kinh tế và thương mại trong mạng lưới chuỗi cung ứng của Mỹ”), công trình nghiên cứu được thực hiện bởi Giáo sư Jing Wu, Trợ lý Giáo sư Khoa Kinh tế quản lý và khoa học phục vụ việc ra quyết định của Trường Kinh doanh, thuộc CUHK; nghiên cứu sinh tiến sĩ Miaozhe Han và Giáo sư Ben Charoenwong, Trợ lý Giáo sư Tài chính của Trường Kinh doanh, thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS).

Tổng thống Donald Trump áp đặt thuế quan đối với Trung Quốc trong quý đầu tiên của năm 2018, khởi đầu cho cái gọi là ‘Chiến tranh thương mại Mỹ -Trung Quốc’, từ đó đã dần leo thang. Một thỏa thuận giai đoạn một đã được ký kết vào tháng 1/2020, tạm dừng việc tranh chấp thương mại. Giáo sư Jing Wu nhận định: “Nhưng ngay cả trước khi bắt đầu cuộc chiến thương mại, Tổng thống Donald Trump đã gửi vô số thông điệp trái chiều về việc liệu các thỏa thuận thương mại sẽ được thực hiện hay không, thể hiện sự thay đổi như chong chóng giữa những tuyên bố có tính diều hâu và ôn hòa”. Mặc dù các nghiên cứu mang tính học thuật và thảo luận chính sách hiện tại tập trung vào tác động của thuế quan đối với chuỗi giá trị toàn cầu, song lại có rất ít nghiên cứu thực nghiệm về tác động của sự không chắc chắn xung quanh hoạt động thương mại và chính sách kinh tế khác ảnh hưởng đến các quyết định sản xuất.

Giáo sư Jing Wu cho biết: “Một mặt, các công ty không thích rủi ro có thể cố gắng đa dạng hóa bằng cách tìm kiếm và gây dựng mối quan hệ với các nhà cung cấp và khách hàng dự phòng nhằm đối phó với một số tình trạng thiếu chắc chắn. Mặt khác, sự thiếu ổn định khó lường như vậy có thể không khuyến khích hoạt động đầu tư ra nước ngoài và khiến các công ty đưa mạng lưới sản xuất của họ về nơi họ thấy quen thuộc hơn”.

Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu mối quan hệ giữa các loại tình hình bất ổn, thiếu chắc chắn của chính sách kinh tế và chuỗi giá trị toàn cầu vững chắc. Giáo sư Jing Wu và các cộng tác viên đặc biệt xem xét 3 loại không chắc chắn, đó là sự không chắc chắn, khó đoán về chính sách thương mại của Mỹ được tạo ra bởi việc áp thuế, mức thuế, rào cản nhập khẩu cũng như trợ cấp của chính phủ; sự không chắc chắn về chính sách kinh tế của Mỹ từ những thay đổi như mã số thuế và chính sách tiền tệ và tài chính; và sự không chắc chắn về chính sách kinh tế từ các biện pháp nhắm vào một quốc gia nước ngoài cụ thể. Họ đặt mục tiêu tìm hiểu xem tình trạng gia tăng của sự không chắc chắn thương mại có thực sự khiến công ty phải dời cơ sở sản xuất của mình về nhà hoặc chuyển đến một địa điểm khác an toàn hơn.

Sự xô lệch ở nước ngoài

Giáo sư Jing Wu nhận xét: “Trái ngược với giả thuyết rằng, các công ty chuyển sản xuất về nước vì như vậy sẽ an toàn hơn, chúng tôi thấy sự gia tăng trong sự không chắc chắn của chính sách thương mại của Mỹ lại thúc đẩy quá trình sản xuất của các công ty Mỹ ở nước ngoài. Thị phần của các nhà cung cấp trong nước giảm so với các nhà cung cấp nước ngoài, chủ yếu là do sự gia tăng số lượng các mối quan hệ với các nhà cung cấp nước ngoài. Hiện tượng “không về nhà” này đi ngược lại mục tiêu đã nêu của Tổng thống Donald Trump là chuyển sản xuất của các công ty Mỹ trở lại Mỹ”.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra tất cả các công ty Mỹ giao dịch công khai từ tháng 4 năm 2003 đến tháng 12 năm 2018, sử dụng một chỉ số để đo lường sự không chắc chắn của chính sách thương mại. Chỉ số tăng vọt ở thời điểm gần cuộc bầu cử tổng thống, tranh cãi về trần nợ năm 2011 và các tranh chấp quan trọng khác về chính sách tài khóa.

Giáo sư Jing Wu giải thích: “Phát hiện quan trọng nhất của chúng tôi là đối mặt với sự không chắc chắn về kinh tế và chính sách đang gia tăng, các công ty Mỹ sẽ điều chỉnh mối quan hệ của chuỗi cung ứng toàn cầu, thay vì chờ đợi sự không chắc chắn biến thành sự kiện thực tế. Trong ví dụ gần đây về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, chúng tôi thấy rằng, các hành động điều chỉnh chuỗi cung ứng của các công ty Mỹ bắt đầu từ chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Donald Trump bắt đầu từ tháng 6 năm 2015,từ rất lâu trước ngày 22 tháng 3 năm 2018, khi Tổng thống Donald Trump ký một bản ghi nhớ để khơi mào một cuộc chiến thương mại”.

Khi các công ty tìm cách đa dạng hóa các rủi ro kinh tế cụ thể cho một quốc gia nhất định – trong trường hợp này là Trung Quốc, họ chuyển các chuỗi cung ứng của mình sang các khu vực với nhiều điều có thể dự báo được, ít xảy ra tình trạng không rõ ràng, không chắc chắn.

Lấy ví dụ, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, từ năm 2015 đến 2018, Chevron, tập đoàn năng lượng đa quốc gia của Mỹ, đã ngừng mối quan hệ hợp tác với một số công ty liên quan đến ngành dầu khí ở Trung Quốc. Đồng thời, Chevron cũng ngừng hoạt động hợp tác với khoảng 185 nhà cung cấp ở Mỹ, bao gồm các công ty nhiên liệu và năng lượng. Thay vào đó, Chevron bắt đầu sử dụng các nhà cung cấp ở các quốc gia khác, bao gồm Việt Nam, Colombia, Tây Ban Nha và Sri Lanka. Các công ty lớn khác của Mỹ như nhà bán lẻ thời trang L Brand, chuỗi khách sạn Marriott International và Dana Holding cũng tăng nhà cung ứng nước ngoài không phải là doanh nghiệp Trung Quốc lên tới 166% từ năm 2014 đến 2015, chủ yếu là với các công ty ở Hàn Quốc, Việt Nam và Malaysia.

Giáo sư Jing Wu cho biết: “Các công ty Mỹ giảm cơ sở nhà cung cấp trong nước ở mức lớn và tìm kiếm thêm các nhà cung cấp ở nước ngoài sau cuộc bầu cử của Tổng thống Donald Trump. Trong khi đó, chúng tôi nhận thấy Trung Quốc, quốc gia bị ảnh hưởng bởi chính sách của Tổng thống Donald Trump, chỉ nhận được đơn đặt hàng ở mức thấp từ các công ty Mỹ, trong khi các quốc gia ở Đông Nam Á, như Việt Nam và Indonesia, và Nam Mỹ, như Brazil và Chile, được hưởng lợi với sự gia tăng sản xuất”.

Sự phức tạp rất đáng được quan tâm

Một phát hiện chính khác từ công trình nghiên cứu là các công ty có chuỗi sản xuất phức tạp hơn và những công ty nhạy cảm hơn với môi trường kinh doanh ở Mỹ có nhiều khả năng thực hiện các biện pháp phòng ngừa và di dời sản xuất đi nơi khác, trước khi cuộc tranh chấp thương mại thực sự nổ ra. Nghiên cứu lấy ví dụ Apple – công ty công nghệ đa quốc gia của Mỹ đã giảm thị phần của các nhà cung cấp trong nước từ 33% vào năm 2014 xuống còn 30% vào năm 2016 và 27% vào năm 2018.

Giáo sư Jing Wu giải thích: “Do có tình trạng không thể thay thế giữa các chuỗi sản xuất khác nhau, nên sự không ổn định của bất kỳ liên kết nào cũng sẽ mang lại thiệt hại cho hoạt động sản xuất bình thường của các công ty đó. Do đó, các công ty này nhạy cảm hơn với sự không chắc chắn của môi trường kinh doanh”.

Để đối phó với sự không chắc chắn về chính sách kinh tế phi thương mại có xu hướng gia tăng, công trình nghiên cứu cho thấy, các công ty Mỹ có xu hướng phản ứng ngược lại bằng cách thu hẹp chuỗi cung ứng nước ngoài của họ. Các nhà nghiên cứu cho rằng, điều này có thể là do chính sách kinh tế không liên quan đến thương mại có xu hướng được công bố trong thời kỳ hiệu quả kinh tế kém, khi các công ty đang tìm cách thu hẹp quy mô sản xuất và mối quan hệ với nhà cung cấp nước ngoài có nhiều khả năng bị cắt giảm trong thời gian đó.

Giáo sư Jing Wu cho rằng, kết luận tương tự về sự không chắc chắn của chính sách thương mại cũng được áp dụng cho các công ty Trung Quốc. Theo quan sát của các nhà nghiên cứu, nhiều tập đoàn Trung Quốc như Sinopec, Petro China và China Southern Airlines đã giảm đáng kể các nhà cung cấp tại Mỹ sau năm 2015, nhưng đồng thời bắt đầu xây dưng và đẩy mạnh chuỗi cung ứng mới ở các quốc gia khác như Malaysia và Brazil.

Giáo sư Jing Wu nhận xét: “Chúng tôi thấy rằng sự gia tăng của sự không chắc chắn về kinh tế và chính sách đang phá hủy giá trị doanh nghiệp. Tác động tiêu cực này sẽ lan truyền đến các công ty khác, thông qua chuỗi cung ứng, những đơn vị không kết nối trực tiếp với các nước ẩn chứa nhiều sự chắc chắn. Việc chuyển chuỗi cung ứng sang các quốc gia hoặc khu vực khác, với tình trạng ít bất ổn hơn cũng rất tốn kém. Một khó khăn khác có thể đến từ sự sụt giảm công suất của nhà máy do đơn hàng tăng đột ngột và chi phí lao động tăng cao”.

Tài liệu tham khảo:

Charoenwong, Ben; Han, Miaozhe và Wu, Jing, Not Coming Home: Trade and Economic Policy Uncertainty in American Supply Chain Networks (February 7, 2020) (tạm dịch: “Không về nhà: Sự thiếu chắc chắn về chính sách kinh tế và thương mại trong mạng lưới chuỗi cung ứng của Mỹ” (ngày 7 tháng 2 năm 2020). Có sẵn tại SSRN: https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=3533827

Bài báo này được xuất bản lần đầu tiên trên trang web Kiến thức kinh doanh Trung Quốc (China Business Knowledge – CBK) bởi CUHK Business School.

Thông tin về CUHK Business School

Trường Kinh doanh thuộc CUHK bao gồm 2 trường – Kế toán và Quản lý khách sạn và Du lịch – và 4 khoa – Khoa Kinh tế quản lý và khoa học phục vụ việc ra quyết định, Tài chính, Quản lý và Marketing. Được thành lập tại Hồng Kông vào năm 1963, đây là trường kinh doanh đầu tiên cung cấp các chương trình cử nhân về quản trị kinh doanh (BBA), thạc sỹ về quản trị kinh doanh (MBA) và thạc sỹ cao cấp về quản trị kinh doanh (Executive MBA) trong khu vực. Hiện tại, Trường cung cấp 8 chương trình đại học và 20 chương trình sau đại học, bao gồm MBA, EMBA, Master, MSc, MPhil và Ph.D

Trong Bảng xếp hạng MBA toàn cầu của Financial Times năm 2020, chương trình đào tạo của CUHK được xếp hạng thứ 50. Trong bảng xếp hạng EMBA năm 2019 của Financial Times, CUHK EMBA được xếp hạng 24 trên thế giới. Trường Kinh doanh CUHK có số lượng cựu sinh viên kinh doanh lớn nhất (hơn 36.000 người) trong số các trường đại học / trường kinh doanh tại Hồng Kông. Nhiều người trong số họ là lãnh đạo chủ chốt doanh nghiệp . Trường hiện có khoảng 4.400 sinh viên đại học và sau đại học và Giáo sư Lin Zhou là Hiệu trưởng Trường Kinh doanh thuộc CUHK.

Thông tin thêm có sẵn tại http://www.bschool.cuhk.edu.hk hoặc bằng cách kết nối với CUHK Business School trên:

Facebook: www.facebook.com/cuhkbschool

Instagram: www.instagram.com/cuhkbusinessschool

LinkedIn: www.linkedin.com/school/3923680

WeChat: CUHKBusinessSchool

Media OutReach Corporate News