04:08 18/04/2020

Nghĩa tình đồng bào của người Việt trong tâm dịch COVID-19 ở Liên bang Nga

Tình hình đại dịch COVID-19 tại LB Nga ngày càng diễn biến phước tạp, tính đến trưa 17/4, tại LB Nga đã ghi nhận 32.007 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó thủ đô Moskva có số người nhiễm nhiều nhất với 18.105 trường hợp.

Chú thích ảnh
Anh Hồ Sĩ Bằng (bên trái) trả lời phỏng vấn trực tuyến của PV TTXVN (bên phải). Ảnh: Trần Hiếu/ Pv TTXVN tại LB Nga

Trong bối cảnh đó việc người Việt tại thủ đô LB Nga nhiễm virus SARS-CoV-2 là khó có thể tránh khỏi. Kể từ trường hợp người Việt đầu tiên phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Moskva ngày 27/3 đến nay, không ít người Việt tại thủ đô nước Nga đã nhiễm chủng virus này. Để cập nhật tình hình của cộng đồng người Việt, PV TTXVN tại LB Nga đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với anh Hồ Sỹ Bằng, quê Nghệ An, vốn được xem như một “chiến sĩ” cộng đồng tham gia hỗ trợ nhiều người Việt bị ốm tại tâm dịch của nước Nga.

Tự nhận mình là F1 vì tiếp xúc với nhiều người mắc bệnh, anh Bằng cho biết do bà con Việt Nam ở Moskva thời gian qua nhiều người bị khủng hoảng tinh thần do quá lo lắng về dịch bệnh, nên một số bị viêm phổi hay cúm mùa cũng nghĩ mình nhiễm virus SARS-CoV-2, hay thậm chí có cảm giác như mình mắc bệnh song trên thực tế không bị ốm. Chính vì thế đã có những người Việt nhập viện song trên thực tế không nhiễm virus SARS-CoV-2.

Do đã hỗ trợ nhiều người Việt bị ốm, anh Bằng cho biết việc thống kê chính xác số người Việt nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Moskva là rất khó. Tuy nhiên, theo thông tin của anh và từ nhóm hỗ trợ bà con khám chữa bệnh thì tại nơi gia đình anh sinh sống ở phố Vsevolod Vishnevsky, nhà số 4, nơi có người Việt đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2, số người Việt bị ốm là 17, còn ở thủ đô Moskva con số này vào khoảng 250 người Việt. Khu vực có đông người Việt bị ốm nhất nằm gần các chợ Lyublino, chợ Sadovod, chợ Km 19, và khu Belaya Dacha. Một vấn đề khác nảy sinh là do một số người Việt hoang mang, chịu sức ép tâm lí nặng nề nên khi bị ốm không thông báo và tự cách li, dẫn tới lây bệnh cho những người khác.

Anh Bằng đánh giá cao việc Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga tổ chức hội nghị trực tuyến về thành lập Mạng lưới chống dịch COVID-19 của người Việt Nam ở LB Nga ngày 15/4, cũng như phối hợp nhóm bác sĩ tại Việt Nam tổ chức buổi tư vấn trực tuyến về COVID-19 ngày 17/4, cung cấp thông tin cơ bản về dịch bệnh, giải tỏa nhiều khúc mắc của cộng đồng người Việt ở Moskva.

Là một người lăn lộn giúp đỡ người Việt ngay từ những ngày đầu, anh Bằng kể cho chúng tôi nghe nhiều tình cảnh éo le như có gia đình cả nhà phải đi viện, để các cháu nhỏ ở lại. Sự việc này ban đầu khiến cho cộng đồng lo lắng song thực tế các cháu nhỏ được cơ quan chuyên bảo vệ bà mẹ và trẻ em Nga tới chăm sóc.

Ở Moskva, những người mắc bệnh nhẹ được điều trị tại nhà, bác sĩ thường xuyên tới khám và cấp thuốc, song do tâm lý ốm là phải vào viện nên người Việt tìm các phương thức để nhập viện. Anh Bằng cũng kể nhiều thời điểm anh và các thành viên nhóm tương trợ, phối hợp với Đại sứ quán, hỗ trợ cho các nhóm người Việt có người ốm, đưa người đi viện, hay tìm cách giải tỏa tâm lý cho người Việt tới tận khuya, trong khi Moskva đang áp dụng chế đố cách li nghiêm ngặt. Anh cho biết, anh và nhóm hộ trợ chấp nhận gian khổ như vậy một phần do được khích lệ từ tinh thần đùm bọc của cộng đồng người Việt, cũng như tình cảm yêu thương giữa bà con cộng đồng.

Theo anh Bằng, kể từ khi thành lập được “Mạng lưới hỗ trợ chống COVID-19 toàn LB Nga” do Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga chỉ đạo thì gánh nặng của hoạt động hỗ trợ người Việt đã giảm bớt. Anh Bằng nhấn mạnh, vấn đề giải quyết tâm lý, tinh thần cho bà con rất quan trọng, và cần có sự tuyên truyền rộng rãi để bà con hiểu và có cách ứng xử phù hợp trong tình huống ốm đau, giảm tải cho ngành y tế sở tại, cũng hạn chế được lây lan trong cộng đồng.

Trao đổi với một người Việt vừa từ bệnh viện trở về - chị T, bán hàng tại chợ Sadovod và ở cùng tòa nhà với gia đình anh Bằng, cho biết, do tâm lý lo lắng vì hàng xóm bị sốt ho rồi đi viện, chị đã rủ một vài người bạn đi chụp phổi. Sau khi chụp, thấy phổi có dấu hiệu tổn thương, ngày 11/4 chị được phòng khám gọi cấp cứu 03 cho nhập viện. Khám lại tại bệnh viện, chị được bác sĩ xác định là viêm phổi nhẹ và sau một thời gian điều trị, ngày 16/4 chị đã được xuất viện. Bệnh án của chị không hề khẳng định chị dương tính với virus SARS-CoV-2. Chị T đã bày tỏ lời cảm ơn chân thành đến các bác sĩ điều trị, hết lời khen ngợi sự quan tâm săn sóc của các bác sĩ Nga đồng thời cho biết chị không hề bị phân biệt đối xử và trong bệnh viện mọi bệnh nhân đều được bác sĩ quan tâm chăm sóc bình đẳng như nhau.

Duy Trinh – Trần Hiếu (TTXVN)