02:21 13/02/2020

Nghĩa cử cao đẹp mang hai chữ ‘đồng bào’

“Thương người như thể thương thân” - câu nói ấy đã toát lên tất cả ý nghĩa của hai chữ “đồng bào” cùng chung ý chí quyết tâm chống dịch COVID-19.

Bất chấp nguy hiểm đến tính mạng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vừa qua Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và các ngành liên quan đã đưa 30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán (Trung Quốc), nơi được coi là tâm dịch COVID-19 về nước an toàn trong vòng tay yêu thương của những người thân. Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 lây lan từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) ra các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam; người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành có liên quan đều vào cuộc với quyết tâm cao nhất phòng chống dịch.

Đặc biệt, trên cơ sở nguyện vọng của những người Việt đang ở vùng tâm dịch thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) muốn về nước, đêm 9/2 đến rạng sáng 10/2, tổ bay của Vietnam Airlines; trong đó có cả các y, bác sĩ đầu ngành của Việt Nam sang đón công dân về nước. Chuyến bay cũng đã vận chuyển trang thiết bị, vật tư y tế của Chính phủ và nhân dân, Hội chữ thập đỏ Việt Nam trao tặng Chính phủ, nhân dân Trung Quốc.

“Những chiến sĩ áo trắng” trên chuyến bay lịch sử ấy, và cả những y, bác sĩ trong nước hiện nay đang ngày đêm âm thầm khoanh vùng, dập dịch. Hình ảnh những chiến sĩ công an, quân y hay anh bộ đội biên phòng không quản ngại trời mưa, gió rét vẫn ngày đêm cắm chốt, giúp đỡ bà con nơi vùng dịch… đã lan tỏa hơi ấm tình người, nghĩa đồng bào con dân nước Việt. Và cả những nhà khoa học đã thức trắng đêm để tìm ra test thử nhanh kết quả phát hiện người mắc bệnh, để không phải đợi chờ quá lâu khi đi xét nghiệm.  

Nhiều địa phương trong cả nước, khi bệnh dịch lây lan, trước nguy cơ thiếu máu phục vụ điều trị cho người bệnh do lo ngại dịch COVID-19, nhiều người dân là “ngân hàng máu sống” không ngại mưa rét đã xếp hàng đến các điểm hiến máu cứu người.

Nghĩa cử cao đẹp ấy không chỉ làm ấm lòng những gia đình người bệnh mà ngay cả những người con xa xứ nơi tâm dịch được trở về quê hương cũng xúc động vô bờ.

Một trong số những y, bác sĩ sang tận Vũ Hán (Trung Quốc) đón đồng bào mình về, kể lại: Dẫu biết khi đã vào vùng tâm dịch, đối mặt với những khó khăn thử thách, sự sống và mối nguy hiểm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm chúng tôi cũng sẵn sàng. Bởi đó là tiếng gọi của lương tri, đáp lại quyết tâm của Chính phủ, của các cơ quan chức năng và những người đang trực tiếp tham gia khoanh vùng, dập dịch trên quê hương Việt Nam.

Việc đưa công dân từ vùng dịch ở Vũ Hán trở về làm ta nhớ lại sự kiện năm 2011 khi Việt Nam đưa lao động từ Libya về nước tránh khỏi xung đột, chiến tranh. Hay gần đây là nỗ lực của Chính phủ đưa 39 người không may bị thiệt mạng tại Anh năm 2019 cũng là đạo lý, tình người: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

“Thiên tai, địch họa”. Âu cũng là lẽ ở đời, đồng bào ta và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới không ai mong muốn. Và mỗi sự kiện thiên tai, dịch bệnh, dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới này cũng trở thành mối quan tâm của các quốc gia. Hơn lúc nào hết, tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau, “máu đỏ da vàng”, tình thương và sự nhân ái của dòng dõi con Lạc cháu Hồng lại nhân lên hai tiếng “đồng bào”.

Kể từ khi dịch COVID-19 xảy ra ở Vũ Hán (Trung Quốc), những người Việt ở đây mong mỏi nhất là được về nhà. Không chỉ đơn thuần là việc nhanh chóng rời khỏi tâm dịch, mà tâm lý chung mỗi người xa xứ đều hướng về quê hương, nơi có những người thân đang ngóng chờ mình. Nhưng những người lo lắng, ngóng chờ nhiều nhất lại không phải là họ mà là những người thân của họ.

Với những người Việt ở Vũ Hán (Trung Quốc), họ là những người trong cuộc, họ có thể chủ động trong việc phòng chống dịch bệnh để không bị lây nhiễm, ảnh hưởng. Nhưng những người ở quê nhà, họ vẫn không thể nắm bắt được tất cả thông tin. Và về tâm lý, họ vẫn căng thẳng mong chờ và nóng lòng lo cho sự an nguy của người thân.

Và để đưa được đồng bào của mình về quê hương an toàn cũng đồng nghĩa sẽ có những người phải lao vào tâm dịch, phải mạo hiểm đối mặt với thứ virus chết người. Rất nhiều người cần thoát khỏi vùng dịch, nhưng có những “chiến sĩ áo trắng”, những người vì nhiệm vụ và cả lòng quả cảm, cả tình người đã “ngược dòng” tìm đến tâm dịch.

Trong lúc nguy nan này, chúng ta mới thấy hết tình người trong gian khó. Câu thơ “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” càng gắn kết tình người, chung tay phòng dịch COVID-19 sớm đi đến thành công.

Nguyễn Viết Tôn