05:08 24/05/2012

Nghỉ thai sản 6 tháng là phù hợp với xu thế tiến bộ

Sáng 23/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã nghe và thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Phiên thảo luận được truyền hình, truyền thanh trực tiếp để đông đảo cử tri cả nước theo dõi.

Sáng 23/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã nghe và thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Phiên thảo luận được truyền hình, truyền thanh trực tiếp để đông đảo cử tri cả nước theo dõi.


Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được thảo luận tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIII. Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai thừa ủy quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày tại phiên họp cho thấy, vẫn còn có những ý kiến khác nhau về tiền lương và mức lương tối thiểu; về hợp đồng lao động; chính sách đối với lao động nữ; giải quyết tranh chấp lao động và một số vấn đề khác.


Thảo luận ở hội trường về dự thảo bộ luật có phạm vi điều chỉnh rộng lớn này, các đại biểu đã cho ý kiến đối với các nhóm vấn đề: Trần thời gian của hợp đồng lao động (HĐLĐ) xác định thời hạn; thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ; thời giờ làm thêm và tuổi nghỉ hưu của người lao động.

 

Các đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Nguyễn Trung Thu (Long An) bày tỏ nhất trí với phương án trần thời gian HĐLĐ xác định thời hạn là từ đủ 12 tháng đến 36 tháng. Đại biểu Tuyết cho rằng, thời hạn HĐLĐ vừa phải sẽ có cơ hội cho người lao động thiết lập lại hợp đồng và có cơ hội thỏa thuận mới với những quyền lợi cao hơn. Đại biểu Thu thì cho rằng việc kéo dài HĐLĐ xác định thời hạn sẽ gây thiệt hại cho người lao động vì trong thời gian hợp đồng có nhiều chính sách thay đổi mà người lao động không có cơ hội thỏa thuận, đàm phán với người sử dụng lao động. Hoặc đến khi hết hợp đồng, người lao động quá tuổi, không được tuyển dụng tiếp.


Về thời giờ làm thêm, hầu hết các ý kiến tại phiên thảo luận đồng tình phương án quy định về giờ làm thêm không quá 50% số giờ trong một ngày và 200 giờ/năm; thống nhất rằng đây là phương án phù hợp với xu hướng tiến bộ, điều kiện và thể chất của người Việt Nam; đồng thời hạn chế tình trạng người sử dụng khai thác tối đa sức lao động của người lao động.


 

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Bùi Thị An phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

 

Cũng tại buổi làm việc sáng 23/5, nhiều đại biểu bày tỏ tán thành phương án quy định trong dự thảo luật cho phép lao động nữ nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng để góp phần bảo vệ thế hệ tương lai và chất lượng giống nòi. Đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) cho rằng, quy định như vậy là hợp lý, tạo điều kiện cho bà mẹ chăm sóc sức khỏe bản thân và con em đồng thời phù hợp với khuyến cáo nuôi con bằng sữa mẹ và thể hiện tính ưu việt của Nhà nước xã hội chủ nghĩa.


Nhất trí với quy định này, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị thêm: Dự thảo luật cần quy định rõ, trường hợp lao động nữ nghỉ thai sản có quyền đi làm lại sau khi nghỉ sinh 4 tháng nếu có sức khỏe phù hợp nhằm đảm bảo tính tự nguyện của người lao động và giảm bớt khó khăn cho người sử dụng lao động. Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) kiến nghị xem xét chính sách nghỉ thai sản đối với lao động nữ là nông dân do đặc thù nghề nghiệp.


Dẫn chứng những trường hợp trên thực tế, việc đảm bảo quyền lợi của lao động nữ sau khi nghỉ thai sản còn nhiều bất cập như: Bị mất việc làm hoặc chậm thanh toán tiền bảo hiểm, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đề xuất dự thảo luật cần có quy định cụ thể trách nhiệm cơ quan sử dụng lao động nữ và bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo chế độ, chính sách đối với lao động nữ trong thời gian nghỉ sinh con.


Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) cũng cần quy định bổ sung những chế độ, chính sách đảm bảo quyền lợi của người cha và trẻ sơ sinh trong trường hợp người mẹ tử vong sau khi sinh, đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) kiến nghị.


Về tuổi nghỉ hưu của người lao động, đa số các ý kiến tán thành để như dự thảo Bộ luật là 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ. Tuy nhiên, cũng còn một số ý kiến khác nhau về quan điểm.


Đề nghị nên quy định bình đẳng độ tuổi về hưu giữa nam và nữ, chỉ nên ưu tiên cho nữ đối với những vùng miền, nghề nghiệp đặc thù, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nêu quan điểm: Về mặt kiến thức được đào tạo, kinh nghiệm được tích lũy và sức khỏe ở độ tuổi này, phụ nữ không kém nam giới. Để trở thành một cán bộ lành nghề, người phụ nữ cũng cần nhiều thời gian học tập, lao động phát triển nghề nghiệp như nam giới, vì vậy nếu về hưu sớm sẽ là lãng phí sức lao động.


Không cùng quan điểm này, cũng có ý kiến phát biểu cho rằng, nghỉ hưu là quyền của người lao động chứ không phải nghĩa vụ, vì vậy trường hợp lao động nữ muốn về hưu sớm thì phải tạo điều kiện đảm bảo quyền lợi cho họ.


Cũng trong phần thảo luận, nhằm đảm bảo thực thi Bộ luật Lao động trong thực tiễn, đảm bảo các quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần đề cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong việc tổ chức, thi hành luật.

 

Bảo đảm tính tự chủ, độc lập tương đối của tổ chức bảo hiểm tiền gửi


Chiều 23/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi.


Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày nêu rõ 6 nội dung còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật gồm: Đối tượng tham gia bảo hiểm tiền gửi; mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi; mô hình hoạt động và chức năng giám sát của tổ chức bảo hiểm tiền gửi; loại tiền gửi được bảo hiểm; mức phí bảo hiểm tiền gửi; hạn mức trả tiền bảo hiểm.


Mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi - một nội dung quan trọng trong dự thảo Luật là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Đa số ý kiến nhất trí giữ nguyên mô hình Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ thành lập như hiện nay và giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quản lý nhà nước. Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc), tổ chức bảo hiểm tiền gửi là một công cụ để Nhà nước giám sát, hạn chế rủi ro trong lĩnh vực tiền tệ cũng như bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng. Do đó, bảo hiểm tiền gửi phải do Thủ tướng Chính phủ thành lập.


Nhiều đại biểu đồng tình, về bản chất, tổ chức bảo hiểm tiền gửi là định chế tài chính có nhiệm vụ góp phần bảo đảm sự ổn định của thị trường tài chính nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng. Đại biểu Trần Du Lịch khẳng định: Tổ chức bảo hiểm tiền gửi là định chế tài chính công, bắt buộc phải là tổ chức có quyền tự chủ hay độc lập tương đối. Do vậy, không có lý do gì tổ chức này lại như một cơ quan trực thuộc NHNN. Đại biểu đề nghị dự thảo quy định rõ: Tổ chức bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tài chính do Thủ tướng Chính phủ thành lập; quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức hoạt động.


Đồng tình với ý kiến của đại biểu Trần Du Lịch, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) khẳng định: Tổ chức bảo hiểm tiền gửi nên là một định chế độc lập. Theo đại biểu, NHNN trên thực tế là một cơ quan thực thi các chính sách về tiền tệ, cấp giấy phép cũng như trực tiếp quản lý các hệ thống tín dụng. Trong khi đó chức năng của bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, bảo đảm an toàn và lành mạnh hệ thống ngân hàng nhằm nâng cao niềm tin của người dân, giám sát hệ thống tài chính quốc gia. Bảo hiểm tiền gửi còn thực hiện chức năng giám sát nhằm minh bạch hóa, công khai hóa trách nhiệm nhằm hạn chế khả năng xảy ra các đổ vỡ và bảo đảm sự ổn định, an toàn cho hệ thống ngân hàng.


Thảo luận về vấn đề phí bảo hiểm tiền gửi, đa số các ý kiến nhất trí không quy định cứng nhắc mức phí bảo hiểm tiền gửi trong dự thảo Luật mà giao Thủ tướng Chính phủ quy định mức phí bảo hiểm tiền gửi theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ. Theo đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An), việc áp dụng một mức phí bảo hiểm tiền gửi chung về lâu dài sẽ như một sự bao cấp, không tạo ra sự cạnh tranh trong hoạt động của các ngân hàng trong hệ thống. Nhiều ý kiến đồng tình: Việc xác định phí bảo hiểm tiền gửi dựa trên định mức tín nhiệm của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là cần thiết nhằm đảm bảo sự công bằng cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.


Loại tiền gửi được bảo hiểm, hạn mức trả tiền bảo hiểm... cũng là những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận.


Cũng trong buổi chiều, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An.


Theo chương trình, ngày 24/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về các nội dung: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; Việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010; Bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015; Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.

 

Quang Vũ - Thanh Hòa