09:09 14/09/2012

Nghị sỹ Mỹ đề nghị ngừng viện trợ cho Ai Cập và Libya

Phẫn nộ sau vụ người biểu tình sát hại Đại sứ Mỹ tại Libya (Libi) và trước làn sóng biểu tình chống Mỹ tiếp tục lan rộng tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, ngày 13/9, một số nghị sỹ Quốc hội Mỹ đã lên tiếng kêu gọi ngừng ngay lập tức các khoản viện trợ cho Ai Cập và Libya.

Phẫn nộ sau vụ người biểu tình sát hại Đại sứ Mỹ tại Libya (Libi) và trước làn sóng biểu tình chống Mỹ tiếp tục lan rộng tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, ngày 13/9, một số nghị sỹ Quốc hội Mỹ đã lên tiếng kêu gọi ngừng ngay lập tức các khoản viện trợ cho Ai Cập và Libya. Một số nghị sỹ thậm chí còn yêu cầu xem xét việc trục xuất các nhà ngoại giao của hai nước này.

 

Người dân Libya cấp cứu một người đàn ông bất tỉnh được cho là đại sứ Mỹ tại Libya Chris Stevens trong khuôn viên lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi sớm ngày 12/9. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Phóng viên TTXVN tại Oasinhtơn dẫn trả lời phỏng vấn của Hạ nghị sỹ Peter King, Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện Mỹ trên truyền hình Foxx News nói rằng Tổng thống Barack Obama nên gây áp lực đặc biệt đối với Ai Cập về làn sóng biểu tình chống Mỹ vẫn tiếp tục tại nước này. Vị Hạ nghị sỹ của đảng Cộng hòa này đề nghị Mỹ nên ngừng các khoản viện trợ cho tới khi Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi có những biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ Đại sứ quán Mỹ tại Cairo cũng như các phái bộ ngoại giao khác của Mỹ tại quốc gia Trung Đông này. Hạ nghị sỹ Tim McClintock cho biết ông nhất trí với việc hoãn thông qua một dự luật ngân sách, trong đó có 20 triệu USD dành cho Libya. Hạ nghị sỹ Jeff Landry cho biết ông sẽ là người đi tiên phong ủng hộ nếu Tổng thống Obama đề nghị Quốc hội tước bỏ các khoản viện trợ cho  Libya và Ai Cập.

 

Thượng nghị sỹ Rand Paul đề nghị Nhà Trắng đặt điều kiện ngặt nghèo cho 20 triệu USD dự kiến viện trợ cho Libya, yêu cầu cảnh sát nước này phải hợp tác để bắt giữ và dẫn độ những kẻ tình nghi trong vụ sát hại Đại sứ và các nhà ngoại giao Mỹ. Trước đó, Hạ nghị sỹ Michael McCaul đề nghị ngừng viện trợ, đóng cửa các Đại sứ quán Mỹ ở Ai Cập và Libi và trục xuất các nhà ngoại giao của hai nước này ra khỏi Mỹ để trả đũa. Trong năm tài khóa 2012, Ai Cập được Mỹ dành cho một khoản viện trợ lên tới 1,6 tỷ USD.

 

Ngày 13/9, phát biểu khi nối lại chiến dịch vận động tranh cử tại thành phố Golden, bang Colorado, Tổng thống Obama cho biết ông và các quan chức khác của Nhà Trắng đã và đang tiếp tục liên hệ với các nhà lãnh đạo chính phủ các nước, yêu cầu họ có trách nhiệm trong việc bảo vệ các phái bộ ngoại giao và các công dân Mỹ. Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton một mặt lên tiếng chỉ trích bộ phim nghiệp dư phỉ báng Hồi giáo cũng như các cuộc biểu tình bạo lực phản đối bộ phim này, đồng thời khẳng định Chính phủ Mỹ không liên quan gì tới bộ phim này.

 

Truyền thông Mỹ ngày 13/9 dẫn lời Thứ trưởng Bộ Nội vụ Libya, ông Wanis al-Sharef nói rằng vụ tấn công đẫm máu vào Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi ngày 11/9 là một hành động đã được lên kế hoạch trước. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers cũng xác định vụ tấn công này là một hành động có phối hợp theo kiểu quân sự. Cùng ngày, cảnh sát bang California cũng đã phái nhân viên tới nhà để bảo vệ tính mạng cho gia đình nhà đạo diễn phim nghiệp dư Nakoula Basseley, tác giả của bộ phim bị cho là phỉ báng Hồi giáo, nguyên nhân của vụ tấn công và làn sóng biểu tình chống Mỹ đang lan rộng khắp khu vực Trung Đông-Bắc Phi và nhiều khu vực khác trên thế giới.

 

 

TTXVN/Tin tức