01:23 08/01/2013

Nghị sĩ “ngoại tỉnh” tại Đồi Capitol

Họ tắm và cạo râu mỗi buổi sáng trong phòng tập thể dục. Bữa tối thường được ủ nóng trong hộp. Và buổi đêm, họ ngả lưng ngay tại những văn phòng chật hẹp của Tòa nhà Quốc hội, nơi ban ngày họ lo chuyện đại sự quốc gia.

Họ tắm và cạo râu mỗi buổi sáng trong phòng tập thể dục. Bữa tối thường được ủ nóng trong hộp. Và buổi đêm, họ ngả lưng ngay tại những văn phòng chật hẹp của Tòa nhà Quốc hội, nơi ban ngày họ lo chuyện đại sự quốc gia. Với khoảng 50 nghị sĩ quốc hội Mỹ, văn phòng cũng giống như nhà ở, ít nhất là trong thời gian họ đang ở lại thủ đô.


 

Ông nghị Paul Gosar thường ngả lưng trên chiếc đi văng ngay trong văn phòng.

Trong khi nước Mỹ chưa thoát ra khỏi “cơn bão” khủng hoảng, các nhà lập pháp “ngoại tỉnh” là minh chứng cho thấy, chính sách “khắc khổ” có thể được thực hiện ngay tại nhà. Họ sinh sống ngay trong văn phòng của mình vì không thể chịu được những việc lãng phí như thuê một căn hộ nhỏ hoặc sống trong khách sạn.


Xu hướng này đã bắt đầu từ giữa thập niên 1990, khi một nhóm các nghị sĩ Cộng hòa tuyên bố họ có thể tiết kiệm hàng chục ngàn USD tiền thuê nhà mỗi năm bằng cách ngủ ngay tại nơi làm việc.


Hành động đó thực ra không phải xuất phát từ ý muốn, mà từ mức lương khá khiêm tốn, trả cho một nghị sĩ là 174.000 USD/năm. Một số nhà lập pháp cho rằng, sống trong văn phòng là giải pháp giúp họ tiết kiệm được tiền và đồng thời chứng tỏ được sự tận tụy của mình đối với quê nhà, nơi họ là tiếng nói đại diện.


“Mỗi sáng khi thức dậy trong văn phòng, tôi đều tự nhắc nhở mình rằng nhà tôi không phải ở đây, mà ở lùi xa khỏi D.C (thủ đô Oasinhtơn D.C)”, ông Tim Walberg, nghị sĩ Cộng hòa đến từ bang Michigan nói. “Tôi đại diện cho nơi cử tôi đến đây, chứ không phải đi tìm tiện nghi ở Oasinhtơn”, ông Walberg nói và cho biết thêm, cử tri sẽ thấy vui khi biết rằng ông ta không trở thành một phần của Oasinhtơn.


Vào những ngày thứ hai và thứ sáu, không có nhiều việc phải làm tại quốc hội, vì vậy, hầu hết nghị sĩ trở lại với những ngôi nhà quen thuộc và tiện nghi của họ trong kỳ nghỉ cuối tuần dài 4 ngày. Nhưng với 3 đêm còn lại của tuần, khi họ trở lại Oasinhtơn, các ông nghị tạm coi văn phòng tại Đồi Capitol là nhà.
Trong 4 năm qua, đến giờ ngủ, ông Walberg lại ngả thân mình mệt mỏi xuống chiếc đệm hơi, mà ban ngày được xếp gọn trong một gian buồng nhỏ. Joe Walsh, nghị sĩ đảng Cộng hòa của bang Illinois, cũng trải qua bốn năm ăn ngủ tại Capitol Hill giống như thế trước khi thất bại trong cuộc tái tranh cử nghị sĩ gần đây. “Tôi không muốn sống ở DC, tôi không phải là một tạo vật của DC. Tôi thuộc về Illinois. Ngủ ở văn phòng nhắc tôi rằng, đây không phải là một công việc phong lưu”, Walsh nói.


Ông nghị Paul Gosar, một cựu nha sĩ đại diện cho bang Arizona, thì thường ngủ ngay trên chiếc đi văng, còn quần áo thì nhồi nhét trong một chiếc tủ nhỏ. Trong khi các đồng nghiệp mắc kẹt trên những con đường đông đúc ở Oasinhtơn vào buổi sáng, Gosar cho biết, ông “thức dậy và khoan khoái bắt đầu ngày làm việc với những ý tưởng và giải pháp cho đất nước”.


Giá thuê một căn hộ nhỏ ở khu vực gần Đồi Capitol vào khoảng 20.000 USD/năm, một khoản chi lớn cho một ông nghị có 3 đứa con đang đi học, cộng với hai khoản thế chấp. Vì thế, ông Gosar đã dựng một căn bếp nhỏ trong gian phòng không cửa sổ ở phía đối diện với hành lang, mua bếp đun và tích trữ một số đồ thực phẩm cũng như nước uống tăng lực.


Giống như hầu hết các đồng nghiệp “cắm trại” ngay tại nhà quốc hội, ông Gosar tắm rửa trong phòng tập thể dục dành riêng cho các nhà lập pháp, nằm cách văn phòng chỉ 5 phút đi bộ. “Tắm giặt tại phòng gym buộc tôi phải tập thể dục mỗi tối, để rồi trở về văn phòng xem tài liệu và chuẩn bị cho công việc của ngày hôm sau”, ông nói.


Còn Tim Walberg thì khẳng định, việc ăn ngủ “tại chỗ” khiến ông trở thành một nghị sĩ hiệu quả hơn: “Ở đây, nhiều công việc bị tắc lại. Suốt ngày, chúng tôi gặp gỡ mọi người, các cử tri, tổ chức ủng hộ, các nhà vận động hành lang, nghị sĩ, rồi thì bỏ phiếu, đến ủy ban, đề xuất các sửa đổi. Với công việc này, chỉ có chạy, chạy và chạy”.


Thu Hằng