Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 17 tại Rio de Janeiro đã nhấn mạnh tầm quan trọng của "hợp tác Nam - Nam", đồng thời tái khẳng định vai trò ngày càng nổi bật của các quốc gia châu Phi trong các nỗ lực giải quyết những vấn đề toàn cầu như y tế, biến đổi khí hậu và quản trị trí tuệ nhân tạo.
Trưởng đoàn tham dự Hội nghị BRICS mở rộng năm 2025 chụp ảnh chung.
Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Theo hãng tin TASS ngày 8/7, Thượng nghị sĩ Nga Ivan Novikov đánh giá BRICS là minh chứng rõ nét cho sự lớn mạnh của các quốc gia thuộc Nam bán cầu trong việc tham gia và đóng góp vào các chương trình nghị sự toàn cầu. Ông cho rằng các nước châu Phi như Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia và Nigeria đã thể hiện sự gắn kết chặt chẽ trong BRICS, đóng vai trò tích cực trong các cuộc thảo luận về các vấn đề cấp bách, từ biến đổi khí hậu đến quản trị nền tảng số.
Hội nghị Thượng đỉnh BRICS diễn ra tại Rio de Janeiro từ ngày 6/7 đến 7/7 đã thông qua Tuyên bố chung mang tên “Tăng cường hợp tác Nam - Nam vì quản trị toàn cầu toàn diện và bền vững”, với 126 cam kết liên quan đến quản trị toàn cầu, tài chính, y tế, phát triển công nghệ, cũng như các mục tiêu giảm đói nghèo và xóa bỏ bất bình đẳng xã hội.
Phát biểu về tầm quan trọng của BRICS, Thượng nghị sĩ Novikov cho biết tổ chức này đã trở thành không gian để các nước hợp tác trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và bản sắc văn hóa. “Điều này chính là lợi thế lớn nhất của BRICS”, ông nói. Ông cũng lưu ý rằng bên lề hội nghị, nhiều vấn đề mới được thảo luận như quản trị trí tuệ nhân tạo và quy định lao động trên nền tảng số - những nội dung đang nổi lên cùng với sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu.
Theo trang Infobrics, Tuyên bố chung của BRICS tái khẳng định cam kết tăng cường chủ nghĩa đa phương và tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là các nguyên tắc được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc. Các nhà lãnh đạo BRICS cũng kêu gọi nâng cao tiếng nói và sự tham gia của các nước đang phát triển, đặc biệt là ở châu Phi, Mỹ Latinh và Caribe, trong các cơ chế ra quyết định toàn cầu.
Tại hội nghị, các nước BRICS cũng thống nhất về nâng tỷ lệ đóng góp của các quốc gia mới nổi trong IMF và tăng cổ phần tại Ngân hàng Thế giới, nhằm phản ánh vai trò ngày càng quan trọng của các nền kinh tế đang phát triển.
Một điểm nhấn đáng chú ý là lần đầu tiên, vấn đề quản trị trí tuệ nhân tạo được đưa vào chương trình nghị sự của BRICS, thể hiện cách tiếp cận chung từ góc nhìn Nam bán cầu. Các nhà lãnh đạo nhất trí rằng AI mở ra nhiều cơ hội phát triển nhưng cần được quản lý chặt chẽ để giảm thiểu rủi ro, xây dựng lòng tin và đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng.
Bên cạnh đó, BRICS đã thông qua sáng kiến Liên minh xóa bỏ các bệnh liên quan đến yếu tố xã hội, nhấn mạnh cam kết thu hẹp bất bình đẳng về y tế trên phạm vi toàn cầu. Các thành viên cũng nhất trí ghi nhận Quỹ rừng nhiệt đới bền vững là cơ chế mới nhằm huy động nguồn tài chính dài hạn cho công tác bảo tồn rừng nhiệt đới, chuẩn bị cho Hội nghị COP30 dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới tại Brazil.
Thượng nghị sĩ Novikov nhấn mạnh: “BRICS tiếp tục cho thấy đây là diễn đàn hợp tác dựa trên đối thoại bình đẳng, bảo vệ lợi ích của các quốc gia đang phát triển, góp phần kiến tạo một trật tự thế giới công bằng, đa cực và bền vững”.