08:09 09/08/2011

Nghị lực “da cam”

Nửa thế kỷ qua, “thảm họa da cam” đã tồn tại trên dải đất hình chữ S của chúng ta với con số nạn nhân lên đến gần 5 triệu. “Nỗi đau da cam” hành hạ biết bao người.

Nửa thế kỷ qua, “thảm họa da cam” đã tồn tại trên dải đất hình chữ S của chúng ta với con số nạn nhân lên đến gần 5 triệu. “Nỗi đau da cam” hành hạ biết bao người. Nói rằng, nạn nhân da cam/điôxin nghèo nhất trong những người nghèo, khổ nhất trong những người cùng khổ, là chính xác, nhưng có lẽ cũng chưa lột tả hết nỗi đau của họ. Rất nhiều nạn nhân da cam còn không có được cuộc sống bình thường, dù là tối giản, của một con người. Đấy là vực bất hạnh thăm thẳm, vô cùng vô tận, không những của họ mà còn của gia đình họ.

Nhưng bên cạnh nỗi đau, nửa thế kỷ qua, trên đất nước Việt Nam cũng bừng lên ánh sáng của “nghị lực da cam”. Không để số phận dập vùi, được sự đùm bọc của cộng đồng, nhiều nạn nhân da cam đã vươn lên, làm chủ cuộc sống của mình. Những câu chuyện về “nghị lực da cam” đã được các phóng viên TTXVN ở khắp mọi miền đất nước, kể lại thật xúc động. Đó là cô gái Trần Thị Ánh, nạn nhân chất độc da cam/điôxin ở Đông Bào, Quảng Vinh, Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế), bị liệt hai chân và teo cơ ngay từ khi mới chào đời, chỉ có thể di chuyển bằng cách... bò, đã kiên trì luyện tập và học hành để trở thành một cô thợ may giỏi nghề, không những tự nuôi được bản thân mà còn giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. Đó là Lê Ngọc Tuấn (ở thôn Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) cao chưa đầy 1,2 m, chân tay bị teo, đi lại rất khó khăn nhưng vẫn lạc quan, yêu đời, vượt qua nỗi đau và những khó khăn trong cuộc sống, tốt nghiệp xuất sắc trung cấp nghề rồi gây dựng được một quán internet, vừa kinh doanh vừa sửa chữa máy tính, thu nhập 3- 4 triệu đồng/tháng (mức thu nhập mà nhiều người lành lặn cũng chưa đạt được). Rồi cựu chiến binh Nguyễn Trọng Hợp ở Tân Quang, Thái Nguyên, bản thân là nạn nhân da cam, có 4 con thì 3 người bị di chứng da cam, teo cơ không đi lại được, nhưng đã bền bỉ nuôi con, làm kinh tế, mô hình VAC của ông cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm...

Cuộc sống hiện đại đầy áp lực đang làm nhiều người trong chúng ta chới với. Có những nam thanh nữ tú tìm đến cái chết vì thất tình, thậm chí chỉ sau một cuộc cãi cọ với người yêu. Có những thiếu niên thi trượt cũng muốn chết để trốn chạy thất bại. Có những người không còn niềm vui sống vì một nỗi thất vọng nào đó... Nhưng nếu soi mình vào “nghị lực da cam”, hẳn những cá nhân ấy sẽ nhìn cuộc đời khác đi, thấy nỗi đau của mình thật nhỏ bé so với nỗi đau của những nạn nhân da cam, để rồi có sức mạnh vượt qua khó khăn và thấy mình cần phải cống hiến nhiều hơn cho xã hội, cho việc làm vơi đi gánh nặng khổ đau của những thân phận không may mắn.

Trong hành trình vượt lên số phận nghiệt ngã, các nạn nhân da cam không chỉ hành động cho chính bản thân họ mà còn nêu tấm gương sáng về nghị lực cho cả cộng đồng.

Hà Nguyễn