09:08 13/09/2016

Nghị định 46 về xử phạt vi phạm giao thông đã “ngấm” vào người dân

Tại cuộc họp Ban thường trực Ủy ban An toàn giao thông tháng 8/2016, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông khẳng định với chế tài phạt nặng của Nghị định 46/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) người dân đã biết sợ lái xe ngay sau khi uống rượu, bia.

Cảnh sát giao thông xử lý người điều khiển xe mô tô vi phạm giao thông tại ngã tư Quang Trung - Trần Hưng Đạo. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Minh chứng rõ nhất cho việc này, đó là trong kỳ nghỉ lễ 2/9 vừa qua, tai nạn giao thông đã giảm sâu so với các kỳ nghỉ lễ trước đó.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã dành thời gian trao đổi với phóng viên về những kết quả sau hơn một tháng thực hiện Nghị định 46.

Từ những kết quả đạt được, ông đánh giá như thế nào sau hơn một tháng thực hiện Nghị định 46?


Nghị định 46 thay thế Nghị định 171 và Nghị định 107 quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt. Có thể khẳng định đây là một thay đổi rất lớn liên quan đến những quy định về các hành vi vi phạm cũng như chế tài xử phạt các hành vi vi phạm, điều chỉnh tăng nặng rất nhiều hành vi uy hiếp trực tiếp đến an toàn giao thông.

Mặc dù khi Nghị định mới có hiệu lực, còn có những ý kiến khác nhau nhưng sau hơn một tháng thực hiện, có thể khẳng định Nghị định 46 đã đi vào cuộc sống, có sự đồng thuận rất cao.

Đại đa số người dân thấy rằng việc bổ sung, sửa đổi và tăng nặng chế tài đối với những hành vi uy hiếp trực tiếp an toàn giao thông là hoàn toàn đúng đắn, đặc biệt là hành vi vi phạm nồng độ cồn mà điều khiển phương tiện, chở quá tải trọng, điều khiển mô tô, xe máy, xe thô sơ đi vào đường cao tốc, vi phạm tín hiệu, hiệu lệnh đèn giao thông, đặc biệt là hành vi không tuân thủ hiệu lệnh của người thực thi công vụ.

Nghị định đã tạo ra những chuyển biến rõ nét, nhất là trong 3 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, số vụ tai nạn, số người chết, bị thương giảm rất sâu so với những kỳ nghỉ lễ trước. So ngay với kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 năm nay, bình quân một ngày có 28 người tử vong do tai nạn giao thông, thì trong kỳ nghỉ lễ 2/9 lần này, chỉ có 11 người tử vong.

Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng có đưa các thông tin có lẽ trước đây gây “sốc” rất lớn với xã hội như uống hai cốc bia lái xe ô tô bị phạt 17 triệu đồng, đi xe máy uống 1 cốc bia bị phạt 3,5 triệu đồng… Nhưng giờ đây, những thông tin này được dư luận ủng hộ hoàn toàn. Trong suốt 1 tháng, không có bất kỳ người dân nào phản ứng về việc xử phạt không đúng quy định.

Trong kết luận cuộc họp Ban thường trực Ủy ban An toàn giao thông tháng 8/2016, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã khẳng định rất rõ, việc thực hiện Nghị định 46 là việc phải làm.

Gắn xử phạt nghiêm với tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thời tạo tác động giáo dục thay đổi hành vi của người tham gia giao thông, để những người tham gia giao thông thấy được bên cạnh việc phổ biến quy định pháp luật, cần thiết phải có chế tài đủ mạnh là những lời cảnh báo, nhắc nhở họ thực hiện đúng quy định pháp luật, ngăn chặn tai nạn giao thông.

Nhưng có một thực tế là trong tháng 8 – tháng đầu tiên thực hiện Nghị định 46, tai nạn giao thông lại tăng cả về số vụ và số người chết. Ông có thể lý giải về điều này?

Số liệu tai nạn giao thông tháng 8 được tính từ 16/7 – 15/8. Nghị định 46 có hiệu lực từ ngày 1/8, cần khoảng nửa tháng để “ngấm” vào người dân và phát huy hiệu lực. Các quy định pháp luật đều có độ trễ để đi vào đời sống. Trong tháng 8, công tác chỉ đạo điều hành đa số rất tốt, tuy nhiên vẫn còn một số nơi, một số chỗ không quyết liệt và trách nhiệm người đứng đầu không rõ ràng, không quán triệt.

Hiệu quả, hiệu lực công tác tuần tra, xử lý vi phạm ở cấp cơ sở đâu đó còn hạn chế, chưa nghiêm, thậm chí còn xuê xoa, dung túng, tiêu cực. Những hạn chế về kết cấu hạ tầng, yếu kém trong tổ chức quản lý giao thông cũng là nguyên nhân tồn tại điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, không chỉ trên quốc lộ mà ngay cả trong đường đô thị, nông thôn kết nối với đường chính.

Thứ nữa, phải nói đến ý thức của người tham gia giao thông. Nửa cuối tháng 7, đầu tháng 8 là giai đoạn kết thúc của kỳ nghỉ hè, chuẩn bị nhập trường cho sinh viên mới, nhiều cuộc liên hoan, gặp mặt, giao lưu có sử dụng rượu bia trong khi ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế nên dẫn đến tai nạn.

Một nguyên nhân khác do khách quan là trong giai đoạn này có 3 cơn bão liên tục, mưa ngập, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng, làm cho điều kiện tham gia giao thông rất khó khăn, tầm nhìn giảm… dẫn đến tai nạn giao thông.

Nghị định 46 ngoài tăng chế tài còn tập trung vào xử phạt các hành vi liên quan đến đèn vàng, nồng độ cồn và xử phạt qua ghi hình. Tuy nhiên có vẻ như chúng ta mới thực hiện được việc xử phạt vi phạm về nồng độ cồn, còn các hành vi khác chưa được chú trọng?

Tại sao chúng ta làm cao điểm nồng độ cồn, bởi ai cũng biết, dịp nghỉ lễ mọi người sẽ tổ chức giao lưu nhiều. Nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy 40% vụ tai nạn giao thông ở Việt Nam là do vi phạm nồng độ cồn. Từ đấy thấy rằng nếu chọn một hành vi để tổ chức cao điểm xử lý thì luôn là hành vi vi phạm nồng độ cồn.

Thời gian qua, vi phạm nồng độ cồn là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi chạy quá tốc độ cũng như đi sai làn đường, phần đường. Tập trung vào cao điểm nồng độ cồn không có nghĩa là không xử lý những hành vi khác. Trong cao điểm này, các hành vi khác vẫn xử phạt bình thường, kể cả các hành vi, chế tài mới như gọi điện thoại khi điều khiển ô tô, không thắt dây an toàn với ghế được trang bị dây an toàn…

Ông nhận thấy những vấn đề gì cần rút kinh nghiệm sau một tháng thực hiện Nghị định 46?

Vấn đề cần rút kinh nghiệm quan trọng nhất là công tác truyền thông. Chúng ta chưa tổ chức tốt công tác truyền thông đại chúng về Nghị định này.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng có vẻ bị động trong vấn đề tổ chức truyền thông. Ngược lại các cơ quan truyền thông lại tổ chức tuyên truyền theo hướng đi từ tiêu cực đến tích cực, chỉ đẩy mạnh truyền thông mặt chưa rõ và những quan điểm không đúng về đèn vàng, đó là cái không gặp nhau, khiến cho dư luận băn khoăn.

Tuy nhiên khi tổ chức triển khai, lực lượng chức năng thực hiện đúng quy định của pháp luật nên người dân thấy rất yên tâm. Hiện nay, những quy định về xử phạt ai, như thế nào rất chặt chẽ, người dân có thể tham gia vào việc kiểm tra, giám sát hoạt động của lực lượng chức năng.

Ở đây, chúng ta phải hiểu giám sát hoạt động của lực lượng chức năng phải theo quy định. Người dân hoàn toàn có quyền giám sát nhưng phải theo quy định pháp luật và thông qua kênh giám sát, không thể yêu cầu lực lượng chức năng phải cung cấp các kế hoạch hoạt động vì có nhiều nội dung mật.

Nếu không hiểu đúng sẽ dẫn đến tình trạng một số đối tượng cố tình không hiểu, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Do vậy, phải tuyên truyền cho người dân biết có quyền giám sát hoạt động của nhà nước, của lực lượng chức năng và các cơ quan có trách nhiệm trả lời thông tin đầy đủ chính xác, đúng quy định pháp luật về hoạt động có liên quan đến người dân, đặc biệt là liên quan đến người dân như xử phạt.

Trách nhiệm của cơ quan truyền thông là tuyên truyền để người dân hiểu quyền của người dân, trách nhiệm, nghĩa vụ tuân thủ pháp luật thế nào, giúp cho người dân hiểu quy định của pháp luật; quyền và trách nhiệm của lực lương chức năng đến đâu, đồng thời bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật.

Bên cạnh đó, phải tiếp tục đẩy mạnh trang bị thiết bị công nghệ đi cùng hỗ trợ lực lượng chức năng. Ví dụ, hành vi sai làn là rất nguy hiểm, số lượng vi phạm rất lớn nhưng chứng minh rất khó, mà lực lượng cảnh sát giao thông lại mỏng nên phải đẩy mạnh trang bị cá nhân cho cảnh sát để ghi lại quá trình làm việc với đối tượng và ghi lại hình ảnh vi phạm.

Thời gian qua, có nơi, có chỗ công tác chỉ đạo chưa đúng tầm. Một số nơi cho rằng đây là nhiệm vụ riêng của lực lượng chức năng, không phải của cả hệ thống chính trị, người dân cũng hiểu rằng chức năng của Nghị định chỉ là để phạt. Tuy nhiên, phải hiểu rằng quy định chế tài nhằm thứ nhất là giáo dục, thứ hai là răn đe và thứ ba mới là để phạt.

Nếu chỉ làm được động tác phạt là không có tác dụng mà phải cả giáo dục và răn đe. Phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mới đưa quy định này đạt được ba chức năng trên. Nghị định cần thời gian đi vào cuộc sống, không chỉ đi vào cuộc sống của người dân mà đi vào cuộc sống của những người có trách nhiệm, thẩm quyền, những người đứng đầu chính quyền các cấp cũng như các cơ quan liên quan.

Trong cuộc họp Ban thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia mới đây, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo việc thực hiện Nghị định 46 phải kiên quyết, triệt để, không do dự, chần chừ. Ông nhận thấy thế nào về chỉ đạo này và Ủy ban sẽ làm gì để thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng?

Trước tiên tôi phải khẳng định rằng chỉ đạo của Phó Thủ tướng xuất phát từ việc thời gian qua có một vài ý kiến về hiệu quả và những quy định trong Nghị định 46. Rõ ràng sau một thời gian triển khai, đặc biệt là trong nửa cuối của tháng 8/2016, những quy định, những đổi mới trong Nghị định 46 là cần thiết và việc tổ chức triển khai hiệu quả Nghị định sẽ là giải pháp quan trọng và cấp bách trong việc nâng cao an toàn giao thông, kéo giảm tai nạn giao thông.

Chỉ đạo của Phó Thủ tướng là rất rõ, trực tiếp đến người làm, đến thủ trưởng những cơ quan thành viên thường trực của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.

Đối với Ủy ban, chúng tôi sẽ khẩn trương ra văn bản thông báo về chỉ đạo đó để các bộ, ngành thành viên biết, đồng thời chỉ đạo Ban An toàn giao thông các địa phương triển khai kịp thời cùng với quá trình triển khai của các cơ quan thường trực của Ủy ban. Chúng tôi sẽ thường xuyên đôn đốc các bộ, ngành, thành viên, đặc biệt là các cơ quan thường trực của Ủy ban để triển khai Nghị định 46.

Trân trọng cảm ơn ông!


Chu Thanh Vân (TTXVN)