02:10 24/02/2019

Nghi can đâm chết người sau tiếng tri hô 'bắt cóc trẻ em' đối mặt án tù nào?

“Hành vi của nghi can sử dụng hung khí nguy hiểm đâm trúng tim anh Lê Hoài Bảo (28 tuổi, quê tỉnh Kiên Giang) gây tử vong đã cấu thành tội giết người. Tội danh và hình phạt này được quy định tại điểm n, Khoản 1 Điều 123 BLHS”, Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết.

Chú thích ảnh

Người cha trẻ chết tức tưởi khi dắt con trai đi chơi công viên. Ảnh: Dân trí

Ngày 22/2, Công an huyện Đức Hòa cho biết: Đơn vị vừa bàn giao Nguyễn Ngọc Hải Điền (26 tuổi, ngụ thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa) cho Công an tỉnh Long An để điều tra về hành vi “Giết người”.

Nguồn tin này cũng cho hay bước đầu, Điền khai nhận do trong người có hơi men nên không làm chủ được bản thân. Sau khi nghe tiếng hô hoán “bắt cóc trẻ em, bắt cóc trẻ em” của 1 người phụ nữ, Điền đã lao tới can thiệp và đâm chết anh Lê Hoài Bảo (28 tuổi, quê tỉnh Kiên Giang).

Trước đó khoảng 19h ngày 21/2, anh Bảo dẫn con đi chơi tại công viên trên. Lúc này, một người phụ nữ đi ngang qua và hô hoán “bắt cóc trẻ em, bắt cóc trẻ em” nên Điền vội chạy đến can thiệp.

Tại đây, dù anh Bảo nói mọi người hiểu lầm, anh đang dắt con đi dạo mát nhưng Điền không tin nên cả 2 xảy ra mâu thuẫn. Điền đã chạy vào 1 quán gần đó lấy hung khí đâm một nhát trúng tim anh Bảo.

Chú thích ảnh
Công viên thị trấn Hậu Nghĩa, nơi xảy ra vụ án mạng đau lòng. Ảnh: Dân trí

Theo Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, lỗi của các đối tượng là cố ý trực tiếp. Pháp luật buộc công dân phải nhận thức khi sử dụng hung khí tác động vào những vùng trọng yếu trên cơ thể người khác là nguy hiểm đến tính mạng. Hậu quả xảy ra, nghi phạm phải chịu trách nhiệm về tội giết người; phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. 

Pháp luật nghiêm cấm công dân sử dụng vũ lực để giải quyết các mâu thuẫn, trừ trường hợp tình thế cấp thiết hay phòng vệ chính đáng.

Đấu tranh phòng chống tội phạm là trách nhiệm của toàn dân. Công dân nói chung đều có quyền bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang và thông báo hoặc áp giải ngay đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Kể cả trong trường hợp, nếu đúng là vụ bắt cóc trẻ em thì người dân cũng không có quyền xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của đối tượng. 

Nếu đối tượng tượng có hành vi chống trả, tấn công người bắt giữ thì lúc đó người dân hoàn toàn có quyền chống trả lại tương xứng để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe của bản thân và những người khác.

"Đáng lẽ ra, trong vụ việc này, đối tượng Điền phải tìm hiểu rõ sự việc hoặc nếu có nghi ngờ phải thông báo cho cơ quan pháp luật nhưng lại lời qua tiếng lại, bực tức dùng dao đâm chết anh Bảo trong sự bàng hoàng của mọi người",  Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh nói.

Đề cập về người phụ nữ tri hô “bắt cóc trẻ em, bắt cóc trẻ em” sẽ bị xử lý như nào?, luật sư Nguyễn Văn Thơm (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, người phụ nữ này tri hô bắt cóc vì muốn bảo vệ cháu bé. Việc tri hô này là do hiểu lầm nên khó có căn cứ xử lý. Quan trọng là người đã có hành vi gây ra cái chết cho anh Bảo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Điều 123. Tội giết người 1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: n) Có tính chất côn đồ.
Minh Phương/Báo Tin tức