07:06 23/07/2012

Nghề truyền thống với nghệ thuật đương đại-Bài cuối: Hướng đi mới cho làng nghề

Trong chương trình nghề truyền thống theo nghệ thuật đương đại, các nghệ nhân được mời tham gia trình diễn cũng phải thừa nhận, cách phối cảnh, trang trí đã làm cho những đồ dùng giản dị trong cuộc sống có sức hút với du khách và điều này mở ra hướng đi mới cho làng nghề.

Trong chương trình nghề truyền thống theo nghệ thuật đương đại, các nghệ nhân được mời tham gia trình diễn cũng phải thừa nhận, cách phối cảnh, trang trí đã làm cho những đồ dùng giản dị trong cuộc sống có sức hút với du khách và điều này mở ra hướng đi mới cho làng nghề.

 

Làng nghề vẫn thiên về kỹ thuật


Bà Vũ Thị Thông, 76 tuổi, nghệ nhân làng Tri Lễ, xã Tân Ước (Thanh Oai) khi giới thiệu nón cổ truyền đã thừa nhận, người dân làng nghề chủ yếu thiên về kỹ thuật như khâu nón, chuốt lá… với kỹ năng cao. Tuy nhiên, làm cho khéo và đẹp chỉ có rất ít người.


 

Nghệ nhân Vũ Thị Thông đang hướng dẫn các bạn trẻ kỹ thuật làm nón quai thao.

"Với gia đình tôi, khách hàng chủ yếu đặt làm nón nghệ thuật cho đoàn ca múa nhạc hoặc làm quà tặng theo đơn đặt hàng, nên rất chú ý về chất lượng. Với nón “hàng chợ” thì kiểu gì cũng làm được, từ đứa trẻ khoảng 6 tuổi đã làm được; còn làm nón nghệ thuật thì kỹ hơn, đòi hỏi sự tinh xảo, mất nhiều công từ việc chọn lá sao cho đồng màu đến việc khâu sao cho đều mũi. Trong các khâu này, việc “là” từng lá một tại bếp lửa sao cho đều là công đoạn khó nhất và tốn nhiều công nhất. Chất lượng của chiếc nón sẽ phụ thuộc ở khâu là lá này. Nếu làm tốt thì lá mịn, còn làm ẩu thì nó gai gai. Nón nghệ thuật thì 10 lá mới chọn được 2- 3 cái. Bình quân tôi làm 2 ngày được 1 nón, trong khi “hàng chợ” 1 ngày có thể làm 5-6 chiếc”.


“Người dân làng nghề hiện vẫn chủ yếu làm hàng chợ với mẫu mã không thay đổi từ xưa đến nay. Vì vậy, lượng nón này vẫn chủ yếu tiêu thụ ở vùng nông thôn, giá trị kinh tế thấp. Trong khi đó, những mặt hàng đòi hỏi kỹ thuật và chất lượng, nhưng tốn công, vẫn chưa được quan tâm vì chưa bắt đúng thị hiếu”, chị Nghiêm Thị Thủy, con gái bà Thông nhận xét.


Hiện nay, việc làm nghề nón được hỗ trợ bằng máy móc nhưng những chiếc nón nghệ thuật vẫn đòi hỏi bàn tay con người. Người dân làng nghề đều hiểu nhu cầu thị trường, những mẫu mã tốt sẽ quyết định đến tương lai làng nghề. Tuy nhiên, các cơ sở làng nghề nhỏ lẻ nên chủ yếu làm công việc kỹ thuật đơn thuần, giá trị kinh tế thấp. “Để chủ động được thì thường cần có đơn vị tạo mẫu, thiết kế mẫu và xây dựng thương hiệu làng nghề, điều này phải có người tổ chức và cấp chính quyền định hướng”, chị Thủy cho biết.


Không chỉ với làng nghề nón, làng nghề làm quạt cũng trong tình trạng như vậy. Bà Nguyễn Thị Thân, 70 tuổi, ở xóm Ráo, xã Chàng Sơn cho biết: “Những người có tuổi như tôi thì chỉ làm theo đơn đặt hàng. Họ tiêu thụ ở đâu thì tôi không rõ. Tuy nhiên, tham gia triển lãm tôi cũng chỉ trình diễn các kỹ thuật làm, còn việc thiết kế trang trí sắp xếp là của mấy họa sĩ trẻ. Cách họ sắp xếp, trang trí những chiếc quạt khá đẹp, lạ mắt, gần gũi”.

 

Cần những mẫu mới hợp thị trường


Sự tương tác giữa nghề truyền thống và nghệ thuật sắp đặt cho thấy cần phải có những thích ứng của làng nghề với nhu cầu của thị trường, của du khách. Điều này dễ dàng nhận thấy qua nhận xét của du khách ghé thăm trong những ngày qua.


Tình cờ đi dạo phố cổ Hà Nội buổi chiều và được lễ tân khách sạn báo có một vài triển lãm về nghề truyền thống tại đây, bà Stephan (người Bỉ) đã ghé qua tìm hiểu và khá ngạc nhiên về những chiếc nón lá tại triển lãm ở 42 Hàng Bạc. “Tôi rất ấn tượng về chiếc áo dài và nón lá mà các cô gái Việt Nam sử dụng được in ấn trên các sách hướng dẫn. Còn đi xem thực tế tại triển lãm, tôi rất ấn tượng với cách trang trí vì tôi có cảm giác như thấy hình ảnh xa xưa của làng nghề truyền thống, nhưng gần gũi, dễ hiểu, dù tôi không biết tiếng Việt. Ngôn ngữ nghệ thuật giúp chúng tôi hiểu hơn về nghề của các bạn dù không có hướng dẫn viên. Đó là cách truyền tải thông tin hữu hiệu. Ngoài nón quai thao khá rộng thì tôi thích nón lá gọn nhẹ để mua làm kỷ niệm”, bà Stephan cho biết.


Anh Hoàng Nam, HDV cho biết: “Thực tế du khách khi đến phố cổ đều biết lịch sử gắn với tên "hàng" chỉ về nghề chuyên doanh. Tuy nhiên, hiện chỉ còn một vài con phố kinh doanh nghề gắn với tên “Hàng” như Hàng Bạc, Hàng Mã… Chính vì vậy, chúng tôi chỉ giới thiệu sơ lược khi đi qua một số tuyến phố, còn ai muốn tìm hiểu chúng tôi sẽ giới thiệu về các làng nghề gần đó để khách có cảm nhận về cuộc sống và làm nghề. Tuy nhiên các làng nghề truyền thống của chúng ta sản xuất chưa phù hợp với thị hiếu, mẫu mã kém nên ít hấp dẫn khách mua. Nhiều khách rất ấn tượng với nón lá của Việt Nam và khi đến làng nghề, họ yêu cầu một số màu sắc và hình dáng cho hợp với việc di chuyển”.


"Trước đây, tôi thường sáng tạo các mẫu gửi đi các nơi; sáng tạo mẫu mới rồi bố trí làm khuôn, làm lá. Nhiều mẫu mã mới dựa trên trao đổi với khách hàng nhưng được họ đón nhận và sau đó nhân rộng. Thực tế mẫu mã rất quan trọng và mỗi thị trường cần có những mẫu riêng", chị Nghiêm Thị Thủy cho biết. “Nhiều khách hàng đến từ Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản đưa mẫu mã để người làng làm, lúc đó họ chỉ tận dụng kỹ thuật của người làng; còn khách đến từ châu Âu và các điểm du lịch khá cầu kỳ về mẫu mã và đòi hỏi cao về chất lượng. Thời kỳ cao điểm, cơ sở gia đình xuất bán 20.000 chiếc; trong đó tiêu thụ trong nước chiếm 90%; còn lại làm cho xuất khẩu và làm theo đơn đặt hàng nghệ thuật. Năm nay, do khủng hoảng kinh tế nên tôi chỉ làm khoảng 10.000 chiếc”, anh Nghiêm Phú Luận, chủ cơ sở và là con trai bà Vũ Thị Thông cho biết.


Nhu cầu về mẫu mới cho nghề thủ công đã được nhiều cơ sở tính đến nhưng khó khăn về thông tin thị trường, thị hiếu của khách, kiến thức về mỹ thuật nên chưa tạo mẫu để chủ động thị trường, trong khi hiện vẫn chỉ là những đơn vị làm kỹ thuật đơn thuần. Đó là chưa kể các cơ sở nhỏ lẻ manh mún và chưa tạo dựng thương hiệu và quảng bá rộng khắp để hướng tới đối tượng khách hàng mới. Do đó việc triển lãm làng nghề qua ngôn ngữ nghệ thuật sắp đặt hiện đại cũng là minh chứng cho việc tạo hình ảnh mới về làng nghề với cách tiếp cận mới để mọi người hiểu hơn về làng nghề, nhất là lớp trẻ.


Bài và ảnh: Xuân Cường