07:06 11/07/2018

'Nghệ thuật' thu phí

Lại một lần nữa, vấn đề phí rút tiền tại các máy rút tiền tự động (ATM) làm nóng dư luận khi một số ngân hàng lớn rục rịch tăng phí.

Và rồi cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước lại phát đi thông điệp “hoãn” việc tăng phí này. Vậy đâu là lộ trình của sự tăng phí giao dịch ATM hay lại tiếp tục như một trò chơi “ú tim”.

Cuối tuần qua, bốn ngân hàng lớn nắm giữ hơn 80% thị phần thẻ thanh toán nội địa hiện nay là Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV đã có thông báo tăng phí rút tiền ATM nội mạng từ ngày 15/7/2018, đều tăng từ 1.100 đồng lên 1.650 đồng (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng VAT).

Nhưng chỉ đến đầu tuần này, đại diện Ngân hàng Nhà nước lại trấn an dư luận khi cho rằng, với việc xử lý số liệu, quy trình thông tin… phải cần một khoảng thời gian. Do đó, các ngân hàng khó có thể tập hợp số liệu, công khai thông tin ngay và kịp lộ trình tăng phí như đã công bố là đến ngày 15/7. “Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là các ngân hàng phải minh bạch được thông tin và tạo được sự đồng thuận của khách hàng trước khi tăng phí", đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết.  Ngay trong ngày 10/7, Vietcombank cũng đã phát đi thông báo chưa sử dụng biểu phí mới như đã thông báo vào ngày 7/7.

Đây không phải là lần đầu tiên các ngân hàng trên rục rịch tăng phí giao dịch và bị Ngân hàng Nhà nước “thổi còi”. Hồi đầu tháng 5/2018, khi mức thu phí trên được đưa ra, trước nhiều ý kiến phản đối, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo phải dừng việc tăng phí này lại. Dừng không có nghĩa là không cho tăng. Vậy cơ sở pháp lý nào để các ngân hàng thương mại tăng phí và Ngân hàng Nhà nước “tạm hoãn”.

Năm 2012, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 35/2012/TT-NHNN quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa cho phép các ngân hàng được thu phí ATM nội mạng kể từ ngày 1/3/2013 và nêu rõ lộ trình tăng trong các năm tiếp theo. Theo đó, mức phí áp dụng tối đa cho một giao dịch rút tiền nội mạng trong năm 2013 là 1.000 đồng, tiếp đó tăng dần lên 2.000 đồng vào năm 2014 và lên 3.000 đồng từ năm 2015 trở đi. Trên thực tế, mức thu phí nội mạng phổ biến hiện nay là 1.100 đồng/giao dịch.

Như vậy là việc các ngân hàng tăng phí rút tiền nội mạng hoàn toàn đúng pháp luật và các ngân hàng được trao quyền chủ động tăng phí trong khung và lộ trình cho phép. Còn cơ sở để Ngân hàng Nhà nước “thổi còi” được là bởi thực chất bốn ngân hàng thương mại đang nắm giữ thị phần thẻ thanh toán áp đảo này lại thuộc sở hữu Nhà nước hoặc do Nhà nước giữ cổ phần chi phối. Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng và cân bằng lợi ích giữa ngân hàng và khách hàng. Nhưng cân bằng lợi ích phải bằng giải pháp quản lý lâu dài, ổn định chứ không thể là điệp khúc thông báo tăng và tạm hoãn.

Hiện nay, các ngân hàng cho biết, chi phí duy trì ATM cao hơn rất nhiều mức phí đang thu của khách hàng. Đặc biệt là tại Việt Nam, 97% các giao dịch với thẻ ghi nợ nội địa vẫn là để rút tiền thay vì thanh toán các hàng hoá dịch vụ, làm cho các máy ATM quá tải và xuống cấp nhanh hơn. Điều này có nghĩa là các thẻ ATM không phát huy hết được chức năng làm giảm các giao dịch tiền mặt.

Theo quy luật cạnh tranh thị trường, nhiều ngân hàng nhỏ có thị phần ít hơn vẫn đang miễn phí rút tiền cả nội mạng lẫn ngoại mạng để thu hút khách hàng. Tuy vậy, số khách hàng dùng thẻ và diện bao phủ các điểm giao dịch, máy ATM của những ngân hàng này chỉ là số nhỏ nên chưa tạo được thuận lợi cho khách hàng.

Sự tác động của việc thu phí dịch vụ ngân hàng đến quyết định lựa chọn giao dịch qua ngân hàng hay sử dụng tiền mặt cũng ảnh hưởng tùy theo đối tượng khách hàng. Đơn cử như Vietcombank tuy chưa tăng phí rút tiền nội mạng nhưng từ nhiều tháng nay đã tăng một loạt phí dịch vụ khác. Khi đó, khách hàng sẽ phải cân nhắc lựa chọn giữa sự tiện lợi và chi phí bỏ ra để lựa chọn có sử dụng dịch vụ hay không. Với những đối tượng ở nông thôn, miền núi, hải đảo có thu nhập thấp thì việc tăng chi phí thêm 10.000 đồng cũng đủ khiến họ cân nhắc sử dụng dịch vụ. Hay như với công nhân các khu công nghiệp, đồng lương vốn đã eo hẹp nay mỗi tháng phát sinh thêm vài chục nghìn đồng khiến nhiều người bức xúc vì họ không có sự lựa chọn khác do doanh nghiệp trả lương qua tài khoản ngân hàng “bắt buộc”.

Mục tiêu tăng phí nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, qua đó hạn chế thanh toán bằng tiền mặt lại luôn mâu thuẫn với việc ngăn cản khách hàng tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Để đạt được hai mục tiêu này nói theo cách dân dã là “cả một nghệ thuật”. Do đó, khi đã trao quyền cho ngân hàng tự quyết nhưng lại phải “tuýt còi” thì dường như Thông tư 35/2012/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước còn thiêu thiếu cái gì đó.

 

Trần Ngọc Tú (Báo Tin tức)