07:00 19/07/2012

Nghệ thuật ca trù trước nguy cơ thất truyền

Ca trù là một trong những loại hình âm nhạc truyền thống của Việt Nam. Thịnh hành vào đầu thế kỷ XV, trải qua những thăng trầm lịch sử, có lúc tưởng chừng sẽ mai một, nhưng nay ca trù đã khẳng định được vị trí của mình đối với nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam và nhân loại.

Ca trù là Di sản Văn hóa phi vật thể của Việt Nam được thế giới công nhận, có phạm vi ảnh hưởng ở 15 tỉnh, thành phố miền Bắc và Bắc Trung bộ. Tuy nhiên nhìn vào số lượng cũng như cách thức hoạt động của các câu lạc bộ, hội, nhóm, giáo phường ca trù hiện nay, nhiều người không khỏi lo lắng.


Đỉnh cao của nghệ thuật


Hà Nội được coi là cái nôi của ca trù, nơi kết tinh và đạt được những thành tựu rực rỡ nhất. Cũng giống như nhiều loại hình nghệ thuật khác của Việt Nam, ca trù không phải là thứ nghệ thuật của riêng đất Thăng Long. Tuy nhiên, chính đất kinh kỳ, nơi hội tụ những tao nhân mặc khách, những tinh hoa văn hóa khắp mọi miền đất nước đã tạo điều kiện nuôi dưỡng ca trù phát triển rực rỡ nhất.

Nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Chúc ( 81 tuổi) ở thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh, huyện Hoài Đức ( Hà Nội ) dạy ca trù cho các thanh thiếu niên có tâm huyết. Ảnh: Minh Đức – TTXVN


Lịch sử hình thành của nghệ thuật ca trù xuất phát từ hát cửa đình. Sau một thời kỳ dài phục vụ nghi lễ tín ngưỡng trong dân gian, tế thành hoàng làng thì ca trù ngày càng phát triển đến một mức độ cao, người ta bắt đầu muốn nghe ca trù như một nghệ thuật thưởng thức mà không gắn với không gian tín ngưỡng. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nhu cầu thưởng thức ca trù rất mạnh mẽ, các giáo phường ở nhiều miền quê, đào kép khắp nơi kéo nhau ra kinh thành Thăng Long để mở nhà hát. Do đó, các nhà hát ở Hà Nội mọc lên như nấm.


Theo nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, thực tế trên đã ghi một dấu ấn rất quan trọng. “Thứ nhất, đó là bước phát triển của một loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp. Thứ hai, bản chất của Thăng Long từ xưa vốn là nơi tụ hội của nhân tài. Trong nghiên cứu của tôi suốt 20 năm, tiếp xúc với các danh ca cổ nhạc thì các cụ đều từ các miền quê tụ hội về Thăng Long. Điều đó nói lên sức hội tụ nhân tài rất lớn của đất kinh kỳ Kẻ Chợ”, ông Hiền cho biết.


Theo thống kê, thời điểm ca trù được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, nước ta có khoảng 20 câu lạc bộ (CLB) ca trù hoạt động, trong đó có 13 giáo phường, CLB ca trù tại Hà Nội. Những CLB ca trù có tiếng tại Hà Nội là: CLB ca trù Thái Hà (diễn ở Thụy Khuê, Văn Miếu); CLB ca trù Hà Nội (diễn ở Bích Câu đạo quán); giáo phường Thăng Long (diễn ở đền Quan Đế); CLB ca trù UNESCO (diễn ở Bảo tàng Dân tộc học)…

Một buổi biểu diễn ca trù tại CLB Thăng Long. Ảnh: Lê Phú


Mặc dù vậy, ca trù ở Thăng Long - Hà Nội cũng chịu chung số phận với ca trù các nơi khác, đó là ngày càng mai một do các CLB hoạt động rời rạc. Các nghệ nhân cao tuổi, nắm giữ khối di sản đồ sộ đều đã cao tuổi. Trong khi lớp trẻ kế tục nghệ thuật ca trù lại không nhiều. Điều đó đã khiến cho nghệ thuật ca trù cần được bảo vệ khẩn cấp lại càng ở trong tình trạng nguy cấp hơn.


Không có đất diễn

GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, muốn truyền nghề ca trù phải có ba yếu tố:

Một là người học là các bạn trẻ phải thấy được sự quý giá của ca trù. Hai là được sự ủng hộ của địa phương khi thay đổi cách nhìn với cô đầu xưa. Cuối cùng là cần phải có sự đầu tư. Phải có ba cái đó thì mới truyền nghề thành công.

Ca nương Vương Tú Ngọc, CLB Ca trù UNESCO:

Khi đến với nghệ thuật ca trù, trước tiên người nghệ sĩ phải có tình yêu lớn mới có thể biểu diễn, thể hiện niềm đam mê của mình. Ca trù rất khó, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có tâm huyết. Tôi được học ca trù từ khi học lớp 8, trải qua một quá trình học tập, tôi đã tích lũy được cho mình vốn kiến thức để có thể đi biểu diễn cũng như tuyên truyền nghệ thuật ca trù đến với tất cả mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ.

Ông Tôn Thất Bảy (80 tuổi, An Cựu – Huế):

Tôi lấy làm tiếc vì rất ít khán giả trẻ đi xem ca trù. Muốn cho môn nghệ thuật này được phổ biến và bảo tồn thì nó phải đến được với khán giả trẻ. Nên chăng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch và Nhà nước cần có những chương trình quảng bá để nhiều người biết và trân trọng ca trù hơn nữa.

Chị Nguyễn Hiền Dịu, cử nhân ngành Công tác xã hội:

Ca trù là loại hình ca nhạc dân tộc cổ truyền, một loại diễn xướng riêng Việt Nam mới có. Với người trẻ tuổi, để giữ gìn di sản văn hóa dân tộc ca trù thì trước hết chính họ phải hiểu về ca trù. Muốn hiểu được thì họ phải nghe ca trù, phải đọc những gì liên quan tới ca trù. Ca trù được nghe cũng có nghĩa rằng nó đang được duy trì, tồn tại.

Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, Viện Âm nhạc Việt Nam, người trực tiếp khảo sát, nghiên cứu và lập hồ sơ ca trù trình UNESCO cho biết: "Nếu không nhanh chóng có những chính sách đối với ca trù và nghệ nhân ca trù thì chẳng bao lâu nữa, ca trù chỉ còn lại thời vang bóng"... Theo nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, ca trù đang đứng trước nguy cơ số lượng nghệ nhân không còn nhiều, cộng đồng ngày càng ít tiếp cận với môn nghệ thuật này và không gian biểu diễn của ca trù đang mất dần. Hiện nay hoạt động bảo tồn và quảng bá ca trù của các CLB gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có việc thiếu địa điểm hoạt động. Nếu như các loại hình nghệ thuật khác như chèo, tuồng, cải lương đều có nhà hát riêng thì ca trù lại phải đi mượn địa điểm biểu diễn. Thực trạng này thật đáng buồn bởi từ hàng trăm năm trước, ca trù là loại hình âm nhạc truyền thống đầu tiên của Việt Nam được tổ chức bài bản thành phường, hội và có địa điểm biểu diễn rất chuyên nghiệp.


Trước đây, đình Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội từng là nơi biểu diễn hàng tuần của CLB ca trù Thăng Long. Những đêm hát của CLB đã thu hút sự quan tâm của công chúng. Thế nhưng, ngay trong buổi biểu diễn chào mừng sự kiện ca trù được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, UBND phường Cống Vị lại đến lập biên bản và không cho phép CLB này biểu diễn tại đây. Đây không chỉ là cú sốc đối với CLB mà còn với cả những khán giả yêu thích ca trù có mặt trong buổi biểu diễn hôm đó.


Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Dị, Trưởng Ban quản lí đình Cống Vị, cho biết: “Ca trù Thăng Long hoạt động ở đây hơn 2 năm, tối đến đình mở cửa để mọi người đến tập hát, không thu tiền. Nhưng hôm họ biểu diễn, phường không đồng ý vì có người nước ngoài đến và họ đặt cả hòm công đức”. Dưới góc độ của nhà nghiên cứu văn hóa, ông Bùi Trọng Hiền cho rằng: “Hành động này chẳng khác nào một “cái tát” vào văn hóa. Lí do người ta đưa ra rất vô lí. Họ không nhận thấy đây là buổi vinh danh di sản sắp thất truyền của cha ông, một di sản mới được UNESCO công nhận, không nhận ra ý nghĩa của một loại hình nghệ thuật đặc sắc cần được bảo vệ”.


Cần có chiến lược bảo tồn


Sau sự cố tại đình Cống Vị, dư luận cho rằng hoạt động của các CLB ca trù còn nhiều bất cập. Các nhóm hoạt động thiếu liên kết, thậm chí còn thiếu tính xây dựng, không có sự đoàn kết. Vụ kiện cáo giữa hai nhóm biểu diễn ca trù do trùng tên nhau giữa CLB ca trù Thăng Long và Trung tâm Văn hóa ca trù Thăng Long xảy ra vào năm 2009 là một ví dụ. Đến nay Trung tâm Văn hóa ca trù Thăng Long, đơn vị bị kiện do lấy trùng tên đã đóng cửa do hoạt động không hiệu quả.


Thực tế cho thấy, các CLB rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước để có thể hoạt động hiệu quả. Ông Bùi Trọng Hiền cho biết: “Hiện nay, việc bảo tồn ca trù mới có sự vào cuộc, nỗ lực của các cá nhân, CLB. Các CLB hoạt động còn manh mún, mạnh ai nấy làm”. Ngay sau khi ca trù được UNESCO vinh danh là “Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố chương trình hành động quốc gia bảo vệ ca trù (giai đoạn 2010-2015) với các nội dung như: Nâng cao nhận thức và năng lực cộng đồng, chủ thể văn hóa; tạo điều kiện để cộng đồng giao lưu, tìm kiếm, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với các cộng đồng khác nhằm bảo vệ và phát huy di sản; ban hành chính sách đãi ngộ, phong tặng nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú cho các cá nhân có tài năng, có đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản ca trù; tăng cường nguồn đầu tư nhà nước, đi đôi với các nguồn lực xã hội góp phần bảo vệ di sản… Tuy nhiên tất cả mới chỉ dừng lại ở chính sách mà chưa đi vào thực tế.


Các nghệ nhân cao tuổi hiện đang không sống được với nghề. Nhiều cụ tuổi cao sức yếu, sống trong điều kiện rất khó khăn. Muốn họ truyền nghề cho lớp trẻ, nhất thiết cần phải có chính sách đãi ngộ. Từ năm 2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất ban hành Thông tư quy định việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú. Nhưng đến nay, do chưa thống nhất được các tiêu chí để phong danh hiệu cũng như chính sách đãi ngộ các nghệ nhân nên mọi việc vẫn chỉ nằm trên giấy.


Trong khi chờ đợi quy định cụ thể về việc phong danh hiệu, nhiều nhà nghiên cứu đã đề xuất cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các nghệ nhân cao tuổi để các cụ có điều kiện chăm sóc sức khỏe. Song đề xuất tưởng chừng đơn giản ấy cũng chưa được thực hiện do những rào cản pháp lý. Trước nguy cơ các “báu vật dân gian sống” đang mất dần, 10 năm qua Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho hơn 200 cụ, trong đó có các nghệ nhân hát ca trù. “Dẫu biết rằng danh hiệu này chỉ mang tính chất tượng trưng, nhưng tấm bằng danh hiệu với vài trăm ngàn đồng tiền thưởng ấy lại có ý nghĩa rất lớn về mặt tinh thần, động viên các cụ tiếp tục giữ và truyền nghề”, GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết.


Ca trù, di sản văn hóa do ông cha để lại sẽ chìm vào quên lãng nếu chúng ta không có ý thức trân trọng và gìn giữ nó, một thứ đã góp phần làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam.

 Hoàng Dương