07:09 14/07/2012

Nghệ nhân Phó Thị Kim Đức và tâm huyết với ca trù hát khuôn

Với mong muốn giữ lại nghề của cha ông, giữ lại một loại hình nghệ thuật truyền thống, hơn 20 năm qua, nghệ nhân ca trù Phó Thị Kim Đức, đào nương cuối cùng của giáo phường Khâm Thiên (Hà Nội) xưa, đã dành thời gian để đúc kết, khuôn khổ các bài bản ca trù.

Nghệ nhân Phó Thị Kim Đức và tâm huyết với ca trù hát khuônVới mong muốn giữ lại nghề của cha ông, giữ lại một loại hình nghệ thuật truyền thống, hơn 20 năm qua, nghệ nhân ca trù Phó Thị Kim Đức, đào nương cuối cùng của giáo phường Khâm Thiên (Hà Nội) xưa, đã dành thời gian để đúc kết, khuôn khổ các bài bản ca trù. Bà đã hoàn thành một phương pháp sư phạm âm nhạc để truyền giữ nghệ thuật này trong trọn vẹn vẻ đẹp thuần khiết của nó.

 

Từ trái sang: Anh Ðàm Quang Minh, NSƯT Phó Thị Kim Đức, NSND Xuân Hoạch.

 

Gia đình nghệ nhân Phó Thị Kim Đức có truyền thống hát ca trù. Cha bà là nghệ nhân Phó Đình Ổn, kép đàn tài danh đất Hà thành, quản ca của giáo phường Khâm Thiên - giáo phường ca trù danh tiếng khi xưa. Được sống trong bầu không khí “ca trù” từ nhỏ, nên bà đã sớm “ngấm” và mê ca trù. Bẩy tuổi đã biết hát ca trù, 13 tuổi đã theo cha, theo anh đi biểu diễn... Hòa bình lập lại, bà không còn hát ca trù nữa. Đến năm 1960, bà công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu (năm 1986). Suốt một thời gian dài, khi nghệ thuật ca trù bị mai một, với lương tâm, trách nhiệm của một nghệ nhân với gia đình, xã hội, bà luôn đau đáu với nghề. Chính vì vậy mà ngay khi nghỉ hưu, bà đã dành toàn bộ thời gian, tâm sức để nghiên cứu và truyền dạy nghệ thuật ca trù, vừa để giữ “nghề” của gia đình, vừa thể hiện trách nhiệm của một nghệ nhân đối với việc gìn giữ lại một loại hình nghệ thuật đặc biệt trong kho tàng nghệ thuật truyền thống Việt Nam.


Nghệ nhân Phó Thị Kim Đức kể lại, những ngày đầu khi mới bắt tay vào nghiên cứu, bà đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Đồng lương hưu ít ỏi, cuộc sống chật vật, đến cả giấy, bút cũng thiếu thốn, nhưng bà vẫn không nản lòng. Sau nhiều năm dày công nghiên cứu, đọc sách, nghe băng, nghiền ngẫm và tìm kiếm, bà đã hoàn thành ca trù hát khuôn một cách bài bản.


Theo nghệ nhân Phó Thị Kim Đức, nghệ thuật ca trù có 2 lối hát: Hát khuôn và hát hàng hoa (còn gọi là hát pha). Nếu như hát hàng hoa lời hát có phần “ngả” ra, thì đối với ca trù hát khuôn, lời hát phải chắc, tiếng phải dựng, không được “ngả” giọng hay “bẻ bai” giọng. Trong hát khuôn, cả đàn, phách, hát đều đòi hỏi chuẩn, chắc và rất cầu kỳ: 1 tiếng đàn, 1 tiếng phách, 1 câu hát với trường độ cao độ như nhau. Lời buông ra, phách ăn vào, không thừa, không thiếu dù chỉ là nửa phách. Cũng theo nghệ nhân Kim Đức, trong ca trù, phách là yếu tố quan trọng nhất, bởi phách xử lý cả hát, cả đàn. Nếu phách không chuẩn sẽ không đàn được, đàn không chuẩn, phách không đánh được. Lời hát phải tròn vành rõ chữ, rõ từng dấu hỏi, ngã trong câu, nhưng lại phải ra hát chứ không được như nói...

Sau khi hoàn thành bài bản ca trù hát khuôn, nghệ nhân Kim Đức đã quyết định truyền dạy cho các học trò của mình. Bà rất khắt khe trong việc nhận học trò, chính vì vậy mà dù có rất nhiều người xin theo học, nhưng số người được bà nhận dạy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngoài Bạch Dương, một người ngoại đạo nhưng lại rất đam mê ca trù, bà chỉ nhận truyền nghề cho NSƯT Đoàn Thanh Bình, và 2 người cháu là Phó Hà My và Nguyễn Khánh Linh. Ngoài ca nương, bà còn có học trò là kép đàn là NSƯT Đặng Công Hưng, NSND Xuân Hoạch, quan viên Ðàm Quang Minh. Là người có tâm với nghề, nên các buổi truyền dạy của bà hoàn toàn miễn phí. Các học trò được bà dạy theo hệ thống, dạy từ a, b, c, khớp từng lời với từng nhịp phách, vừa học, vừa uốn nắn một cách nghiêm khắc. Bà cũng dựa theo sức và chất giọng của từng người để tìm ra cách truyền dạy phù hợp.


Nhận thấy các loại hình nghệ thuật khác đều có văn bản lưu lại để các thế hệ sau này biết đến, trong khi đó cái hay cái đẹp của ca trù vẫn chỉ được truyền lại cho thế hệ sau bằng hình thức truyền khẩu, nghệ nhân Phó Thị Kim Đức đã dày công nghiên cứu để tìm ra một phương pháp giảng dạy tốt nhất. Từ những tiếng phách của ca trù, bà tạo ra những ký hiệu riêng (tương tự như những ký âm trong sách nhạc), quy định tương ứng với từng nhịp phách để điền vào từng câu hát trong các bài ca trù. Theo nghệ nhân Kim Đức, đó là những cuốn “giáo án” riêng về ca trù hát khuôn của bà, để sau này, các học trò chỉ cần nhìn vào sách là tự biết đánh phách và biết hát chuẩn theo khuôn khổ. Cùng với sách, bà cũng sẽ ghi lại vào băng đĩa để các học trò nghe, biết được cao độ, trường độ của từng câu hát mà học theo.
Nghệ nhân Kim Đức tâm sự, cho đến giờ, bà khá hài lòng với nhóm ca trù Kim Đức của mình, vì các học trò của bà đã tiếp thu rất tốt, nắm chắc khuôn khổ ca trù mà bà đã dày công nghiên cứu trong nhiều năm qua. Tâm nguyện lớn nhất của bà bây giờ là mong các học trò sẽ gìn giữ và chuyển giao lại cho các thế hệ sau, để các thế hệ tương lai hiểu đúng về ca trù, yêu mến và gìn giữ ca trù. Bà cũng hy vọng tới đây, có thể tổ chức những buổi biểu diễn ca trù mà ở đó, người nghe sẽ đến mua và đặt thẻ tre thưởng, theo đúng cách mà các ca quán ca trù ngày xưa đã làm.

 

Bài và ảnh: Phương Hà