12:09 12/12/2011

Nghệ An xử lý chất thải hoá học sau thí nghiệm

Nghệ An có 539 trường trung học, hàng ngày các trường này thải ra một lượng không nhỏ chất thải hóa học sau thí nghiệm. Tuy nhiên, hiện nay, việc xử lý chất thải hóa học ở các trường trung học ở Nghệ An đang bị thả nổi gây ô nhiễm môi trường.


Tại Nghệ An, kể từ khi thực hiện chương trình giáo dục trung học mới, lượng chất thải học hóa học tăng đáng kể do thời lượng thí nghiệm, thực hành tăng cao.
 
Đại diện Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Nghệ An cho biết: Ở 11 trường trung học phổ thông và 74 trường trung học cơ sở trong tỉnh đạt chuẩn quốc gia, tất cả đều có bể phốt để xử lý chất thải hóa học trước khi đưa nó ra môi trường; các trường trung học còn lại, phần lớn đều đổ thẳng chất thải hoá học ra đất trong khuôn viên của trường.

Điều đáng nói, trong các chất thải hoá học ở các trường trung học, có khá nhiều chất độc và cực độc, nhiều chất gây cháy nổ, nếu không được xử lý đúng quy trình sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.


Khảo sát một số trường trung học phổ thông như: Lê Viết Thuật, Quỳnh Lưu 1, Thanh Chương 1, Diễn Châu 3, Nguyễn Xuân Ôn... lượng chất hoá học không thể sử dụng được, góp lại từ nhiều năm nay không phải ít (chủ yếu do lâu ngày, do di chuyển mà bị mất nhãn). Trường nào cũng muốn thanh lý, tiêu huỷ số chất hoá học này nhưng chưa có cách nào đành phải giữ lại trong kho.

Ông Nguyễn Trọng Bé, Hiệu trưởng trường THPT Lê Viết Thuật cho biết: “Với chất thải hoá học hàng ngày thì trường dùng bể phốt để xử lý, nhưng với các bình hoá chất không sử dụng được thì không biết làm sao để tiêu huỷ, nên phải cất giữ từ năm này qua năm khác. Trường đã báo cáo tình hình này với các cơ quan chức năng nhưng đã gần 3 năm rồi vẫn chưa có hồi âm. Chúng tôi đang rất cần một văn bản để hướng dẫn xử lý chất thải hoá học từ các cơ quan chức năng”.

Giúp các nhà trường xử lý chất thải hoá học sau các giờ thí nghiệm, thực hành và tiêu huỷ số lượng chất hoá học không thể sử dụng được nhằm giữ sạch môi trường là việc làm cấp thiết. Nên chăng, Sở Giáo dục và đào tạo Nghệ An phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh hướng dẫn các trường một cách cụ thể, có tính khả thi cao, đồng thời tăng cường chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra thực hiện vấn đề này.

Trước mắt, Sở Giáo dục và đào tạo phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, thống kê số lượng, thu gom chất hoá học không thể sử dụng được ở các trường về một vài địa điểm nào đó và tổ chức tiêu huỷ theo quy trình khoa học, như vậy sẽ đảm bảo an toàn hơn là để các trường tự lo liệu.


Bích Huệ