09:06 23/09/2020

Nghệ An sớm xây dựng chương trình hành động, đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống

Ngay sau Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025, cấp ủy các Đảng bộ cơ sở ở Nghệ An đã khẩn trương xây dựng quy chế, các kế hoạch, chương trình hành động nhằm biến Nghị quyết thành hành động và nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Chú thích ảnh
Gia đình anh Kha Văn Nhất, bản Đồng Tiến xã Lạng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An đi đầu trong phát triển kinh tế trang trại tại địa phương.

Để đạt mục tiêu xã nông thôn mới vào cuối nhiệm kỳ 2020-2025, ngay sau Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Lạng Khê, huyện Con Cuông, đã bắt tay ngay vào xây dựng chương trình hành động, trong đó tập trung vào hai mũi nhọn là chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế và nâng cấp hạ tầng giao thông nông thôn.

Trước đây, gia đình anh  Kha Văn Nhất, bản Đồng Tiến, xã Lạng Khê, thuộc diện hộ nghèo, được địa phương giao đất giao rừng, khai hoang phục hóa để trồng cây lâu năm như mét, keo, cây ngắn ngày như ngô, sắn, mía. Lấy ngắn nuôi dài, vợ chồng anh Nhất chăn nuôi thêm trâu, bò, dê để có thêm thu nhập. Sau 5 năm, gia đình đã thoát nghèo và xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi dạy các con học hành tốt. Anh Kha Văn Nhất cho biết: Trong quá trình thực hiện, chính quyền địa phương luôn đồng hành, hỗ trợ cả nguồn vốn và kỹ thuật chăm sóc cây con, động viên gia đình lúc khó khăn. Từ hộ nghèo, nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, gia đình tôi đã vươn lên khá, sắp tới sẽ mở rộng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp.

Xác định là địa bàn khó khăn, xuất phát điểm thấp nên xã Lạng Khê đã tập trung xây dựng nhiều mô hình trang trại tổng hợp đồng thời hoàn thiện đề án nâng cấp giao thông nông thôn. Đảng bộ xã chỉ đạo Mặt trận và các đoàn thể, đảng viên nêu gương đi đầu, tuyên truyền vận động người dân thực hiện các mô hình kinh tế với cây mét, cây mía là cây trồng chủ lực và chăn nuôi trâu, bò, dê. Thời gian tới, xã tận dụng tiềm năng lòng hồ thủy điện Chi Khê để chăn nuôi thủy sản, cá lồng theo hướng xây dựng mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Gắn sản xuất với tiêu thụ, địa phương liên kết với Nhà máy Mía đường Sông Lam Nghệ An tiêu thụ mía cho bà con, đồng thời tận dụng các sản phẩm phụ làm thức ăn chăn nuôi trâu, bò, dê để phát huy hiệu quả trên diện tích đất. 

Bí thư Đảng ủy xã Lạng Khê Kha Văn Kiên khẳng định: Là huyện miền núi, chúng tôi phát huy thế mạnh kinh tế rừng theo định hướng chuyển đổi từ trồng rừng nguyên liệu sang trồng rừng lấy gỗ; tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển mô hình trồng chè công nghiệp, cây nguyên liệu (keo, mét), cây lấy gỗ, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp. Ngoài ra, phát triển hạ tầng nông thôn gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó ưu tiên xây dựng đường giao thông nội thôn và liên thôn.

Ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Con Cuông khóa XXVII đã kiện toàn bộ máy cán bộ, triển khai nhiệm vụ trọng tâm trên tất cả các lĩnh vực, tạo sự chuyển biến và hiệu quả ngay từ đầu nhiệm kỳ, từ đó thúc đẩy sự phát triển cho 5 năm tới. Huyện ủy tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội tới toàn thể đảng viên, nhân dân; xây dựng kế hoạch công tác để nhanh chóng đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống. Các cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo nhân dân tập trung hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, tạo cơ sở vững chắc cho năm 2021 - năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm 2020 – 2025. 

Nhiệm kỳ tới, huyện Con Cuông tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm là: Quan tâm công tác lập quy hoạch, nhất là quy hoạch xây dựng huyện theo hướng phát triển đô thị sinh thái, làm cơ sở cho phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững; đẩy mạnh phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, từng bước phát triển thành trung tâm dịch vụ, thương mại vùng Tây Nam; tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; quyết tâm trở thành trung tâm ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật công nghệ lớn trong lĩnh vực lâm nghiệp và là một trung tâm logistics cho chuỗi sản xuất, sản phẩm dịch vụ, chuỗi giá trị của Nghệ An ở khu vực Tây Nam; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức để người dân tự vươn lên thoát nghèo.

Phó Bí thư Huyện ủy Con Cuông Lô Văn Thao khẳng định: Huyện đã hoàn chỉnh chương trình hành động, chương trình công tác của nhiệm kỳ hàng năm, trên cơ sở đó phân công cụ thể từng đồng chí trong Ban Chấp hành chịu trách nhiệm ở từng đề án, từng lĩnh vực để thực hiện kiểm tra, giám sát, triển khai tổ chức thực hiện mang lại hiệu quả tốt nhất.

Đầu năm 2020, xã Minh Châu được sáp nhập từ 3 đơn vị hành chính là Diễn Bình, Diễn Minh, Diễn Thắng của huyện Diễn Châu nên bước đầu còn gặp nhiều khó khăn. Phấn đấu đưa xã Minh Châu phát triển toàn diện, bền vững trong giai đoạn tới, ngay sau khi tiến hành Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã đề ra các chỉ tiêu và giải pháp chính nhiệm kỳ 2020 – 2025. Cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để sản xuất ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao; khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới; thu hút đầu tư xây dựng trung tâm hành chính Minh Châu, hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp… Để thực hiện mục tiêu trên, Đảng bộ xã Minh Châu thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu 150,4 ha sản xuất cánh đồng mẫu lớn, chỉ đạo phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung để giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh. 

Bí thư Đảng bộ xã Minh Châu Đặng Xuân Thước chia sẻ: Đảng bộ huy động các nguồn lực, kết hợp nhiều chương trình, dự án để đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, tiếp tục đầu tư các công trình, đưa điện lưới ra những vùng đất màu để phục vụ sản xuất, đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, Minh Châu đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện có hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Đi đôi với đó là phát triển kinh tế hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn; trọng tâm là các khâu liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tiêu thụ nông sản cho nông dân. 

Nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò đặt mục tiêu trở thành vùng trọng điểm về dịch vụ du lịch và ẩm thực của thị xã. Hiện phường Nghi Hòa đang nỗ lực thực hiện Đề án quy hoạch tổng thể khu ẩm thực và dịch vụ thương mại với diện tích 5,6 ha; đồng thời xây dựng đề án tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn. Bí thư Đảng ủy phường Nghi Hòa Trần Quốc Tuấn cho biết: Mũi đột phá của Đảng bộ phường Nghi Hòa trong nhiệm kỳ này là tập trung đầu tư phát triển kinh tế dịch vụ, thương mại, bởi Nghi Hòa được thị xã Cửa Lò đánh giá cao về nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này. Sau khi hoàn thành Đại hội, chúng tôi tập trung xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, phân công nhiệm vụ trong Ban Chấp hành Đảng bộ để chỉ đạo từng lĩnh vực, từng chi bộ triển khai thực hiện Nghị quyết.

Song song với việc xây dựng các chương trình đề án, các cấp ủy Đảng cơ sở ở Nghệ An cũng tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Nghị quyết Đại hội đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đã đề ra ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Tin, ảnh: Bích Huệ (TTXVN)