07:09 27/07/2021

Nghệ An quan tâm chăm lo đời sống người có công với cách mạng

Phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", những năm qua, tỉnh Nghệ An luôn quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa, nhằm tri ân gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

Chăm lo đời sống người có công với cách mạng

Đã hơn 40 năm được chăm sóc tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nghệ An, ông Nguyễn Trọng Hoạt xem nơi này như gia đình thứ 2 của mình. Gần nửa cuộc đời gắn bó với trung tâm, các y, bác sĩ, nhân viên ở đây cùng các cán bộ, chiến sĩ của Cục Hậu cần, Quân khu IV như những người thân ruột thịt của ông. Mang thương tật nặng, những khi trái gió trở trời, các vết thương trong người ông lại đau nhức, hành hạ.

Chú thích ảnh
Không phải là thương, bệnh binh nhưng bà Lăng Thị Ngọc, quê ở huyện Yên Thành, được chăm sóc tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nghệ An nhiều năm nay vì bà thuộc diện thân nhân liệt sĩ già cả, cô đơn.

"Mỗi lần cơn đau hành hạ, tôi đều được các nhân viên của trung tâm cũng như cán bộ, chiến sĩ của Cục Hậu cần, Quân khu IV chăm sóc rất tận tình, chu đáo như người thân, bởi vậy tôi luôn xem đây là sự may mắn, niềm hạnh phúc của bản thân", thương binh Nguyễn Trọng Hoạt cảm động nói.

Chương trình "Đồng hành cùng thương binh, tình thương và trách nhiệm" do Cục Hậu cần, Quân khu IV phối hợp với Trung tâm Điều dưỡng Thương binh tỉnh Nghệ An tổ chức 3 năm nay. Thực hiện chương trình, Cục Hậu cần cử 25 cán bộ, nhân viên, chiến sĩ phối hợp với cán bộ, nhân viên Trung tâm Điều dưỡng Thương binh tỉnh tiến hành các hoạt động như: Cắt tóc cho các thương binh, dọn vệ sinh môi trường khu vực nhà ở, cắt tỉa bồn hoa cây cảnh và hệ thống đường nội bộ ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh. Các đồng chí quân y Cục Hậu cần còn thăm khám, phát thuốc cho thương bệnh binh của Trung tâm Điều dưỡng Thương binh tỉnh.

Đại tá Vương Kim Hải, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Cục Hậu cần, Quân khu IV cho biết, định kỳ hàng tháng, Cục Hậu cần phối hợp với Trung tâm Điều dưỡng Thương binh tỉnh tổ chức các hoạt động giúp thương bệnh binh, thân nhân liệt sỹ tắm, giặt, cắt tóc, tổ chức bữa cơm "tình thương" và tổng dọn vệ sinh môi trường… Mọi người làm việc đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, hăng say để bù đắp một phần nhỏ những mất mát, hy sinh của các anh, chị trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Trung tâm Điều dưỡng Thương binh tỉnh Nghệ An được giao nhiệm vụ điều trị chăm sóc cho 65 thương binh, bệnh binh nặng của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh; trong đó, người nhiều tuổi nhất là 86 tuổi, người ít tuổi nhất là 51 tuổi. Trong số 65 thương binh, bệnh binh có 39 đối tượng ngoài những vết thương chiến tranh còn bị nhiễm chất độc da cam/dioxin với những chứng bệnh nan y và di chứng nặng nề cho thế hệ con cháu… Với tinh thần "Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm," đội ngũ y, bác sĩ Trung tâm luôn yêu thương, tôn trọng và thấu hiểu các thương binh, bệnh binh. Do đó, công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc thương binh, bệnh binh luôn được họ được đặt lên hàng đầu.

Ông Nguyễn Thiếu Lâm - Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Thương binh tỉnh Nghệ An chia sẻ: "Chúng tôi luôn xác định công tác chăm sóc sức khỏe cho các thương binh, bệnh binh là một nhiệm vụ chính trị và có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện sự tri ân với các thế hệ đi trước đã sẵn sàng chiến đấu hy sinh cả tuổi xuân vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Tập thể Trung tâm luôn nhận thức rõ, được chăm sóc và phụng dưỡng các bác, không chỉ là trách nhiệm, là vinh dự mà còn là một tình cảm sâu sắc đối với các thương bệnh binh".

Để góp phần chăm lo đời sống người có công, ngoài những chính sách đãi ngộ của Đảng và Nhà nước, hàng năm Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và nhân dân các địa phương trong tỉnh còn quan tâm bằng nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, tạo điều kiện để các đối tượng chính sách có cuộc sống ổn định. Theo đó, tỉnh thực hiện tốt việc chi trả trợ cấp chính sách đối với người có công kịp thời, đầy đủ. Tính đến ngày 30/6/2021, Nghệ An đã và đang chi trả trợ cấp thường xuyên cho 69.150  đối tượng với số tiền chi trả trên 133,6 triệu đồng/tháng; tổ chức điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng người có công và tại nhà cho 30.541 đối tượng với tổng kinh phí 42,3 tỷ đồng.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh đã quan tâm, dành nguồn ngân sách và huy động các nguồn lực khác để chăm lo, xây dựng mới, tôn tạo nâng cấp, tu bổ các nghĩa trang liệt sỹ, công trình ghi công liệt sỹ và quản lý chăm sóc các phần mộ nghĩa trang liệt sỹ được thực hiện chu đáo. Sáu tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh xây mới 3 nghĩa trang, đài tượng niệm, nhà bia liệt sỹ, với tổng kinh phí gần 552 triệu đồng; tu sửa 191 nghĩa trang, đài tượng niệm, nhà bia liệt sỹ, với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh tổ chức tiếp nhận, bàn giao, di chuyển, lấy mẫu sinh phẩm 95 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào mùa khô năm 2020 - 2021 về án táng tại Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Nghi Lộc; phối hợp với Cục Người có công (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) hoàn thành việc khai quật 653 mộ liệt sỹ tại lô A6 ở Nghĩa trang liệt sỹ Việt Lào lấy mẫu hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin để giám định ADN.

Phát huy Quỹ Đền ơn đáp nghĩa

 Nhằm cùng với Nhà nước quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần người có công với cách mạng, các địa phương trong tỉnh vận động cán bộ, nhân dân tích cực đóng góp vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa địa phương.

Chỉ tính 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh vận động được 6,5 tỷ đồng đóng góp vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Từ nguồn quỹ trên, các cấp, tổ chức, doanh nghiệp đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 39 nhà tình nghĩa cho người có công với cách mạng, với tổng kinh phí gần 1,5 tỷ đồng; tặng quà cho đối tượng người có công có hoàn cảnh khó khăn gần 590 triệu đồng. Qua đó, giúp các gia đình chính sách có điều kiện cải thiện về nhà ở, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, các địa phương còn phối hợp với ngân hàng tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Đến nay, 100% gia đình có công được tạo điều kiện vay vốn, đào tạo nghề, phát triển kinh tế, đời sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân địa phương.

Chú thích ảnh
 Định kỳ hàng tháng Thường vụ Đảng ủy, chỉ huy Cục Hậu cần, Quân khu IV chỉ đạo Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên và các tổ chức quần chúng trong Cục phối hợp với Trung tâm điều dưỡng Thương binh tỉnh Nghệ An tổ chức các hoạt động giúp thương bệnh binh, thân nhân liệt sỹ tắm, giặt, cắt tóc, tổ chức bữa cơm “tình thương” và tiến hành tổng dọn vệ sinh môi trường…

Để công tác chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng đạt hiệu quả và ngày càng đi vào chiều sâu, Nghệ An đã và đang  tiếp tục tuyên truyền, vận động ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; thu hút được sự đóng góp ủng hộ của nhiều tầng lớp nhân dân, đơn vị, cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, kiều bào ở nước ngoài; chú trọng công tác quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí vận động.

Bên cạnh đó, hoạt động quản lý nhà nước đối với công tác người có công được chú trọng, bảo đảm các chế độ, chính sách được quản lý chặt chẽ, khoa học; việc giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng kịp thời, đúng quy định, không để xảy ra trường hợp hồ sơ trễ hẹn. Ngành chức năng tiếp tục số hóa hồ sơ, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý và giải quyết chính sách; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc chi trả, giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng tại địa phương, cơ sở.

Bà Hồ Thị Châu Loan - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho biết, nhân dịp kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, tỉnh đã thành lập các đoàn: dâng hương, dâng hoa tại nghĩa trang liệt sỹ trong và ngoài tỉnh. Lãnh đạo tỉnh thăm hỏi, tặng quà các gia đình người có công tiêu biểu, người có công có hoàn cảnh khó khăn ở một số huyện, thành phố, thị xã và các trung tâm điều dưỡng chăm sóc thương binh, bệnh binh nặng, thân nhân người có công. Tỉnh cũng chỉ đạo các huyện, thành, thị thực hiện việc chi trả tiền trợ cấp và quà của Chủ tịch nước kịp thời, chính xác, đầy đủ, đúng chế độ quy định. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh việc tu bổ, tôn tạo, nâng cấp các công trình ghi công liệt sỹ, thực hiện hiệu quả các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn".

Bài và ảnh: Bích Huệ (TTXVN)