08:10 31/08/2020

Nghệ An nỗ lực tìm hướng phát triển mới, vươn mình đi lên

Càng gần đến ngày 2/9, trên khắp mọi nẻo đường trong tỉnh Nghệ An, từ miền quê đến thành phố, thị xã, ở đâu cũng bắt gặp cờ, hoa, trang hoàng đẹp mắt.

Chú thích ảnh
Một góc Thành phố Vinh. Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức

Ngày 2/9 năm nay trùng với dịp kết thúc thành công đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở, hướng tới đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh, nên không khí tươi vui, phấn khởi càng rõ nét hơn những năm trước. Các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh vẫn đang tập trung thực hiện các giải pháp, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính trị đã đề ra.

Khó khăn còn nhiều    

Nghệ An là một trong số địa phương có diện tích và dân số lớn nhất cả nước. Có những huyện như Kỳ Sơn, cách thành phố Vinh cũng bằng khoảng cách từ Vinh ra Hà Nội; có những huyện diện tích tương đương diện tích của một tỉnh khác. Thêm vào đó, vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc chiếm tỷ lệ lớn; giao thông chưa thuận tiện, đời sống người dân còn nhiều khó khăn…

Vị trí địa lý của Nghệ An xa các trung tâm, xa các cực tăng trưởng lớn của cả nước. Đường biên giới dài; sức hấp dẫn đầu tư còn hạn chế, nhất là việc thu hút các dự án động lực có tác động ảnh hưởng, lan tỏa mạnh đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Khí hậu tương đối khắc nghiệt; thực lực kinh tế của địa phương chưa mạnh; thiên tai, dịch bệnh thường xuyên diễn ra... Những đặc trưng đó cũng khiến việc phát triển kinh tế - xã hội ở Nghệ An còn nhiều khó khăn cần khắc phục.

Nhìn vào số liệu mới nhất về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh từ đầu năm 2020 đến nay, có thể thấy rõ những khó khăn, tồn tại của Nghệ An. Có thể kể đến diện tích lúa hè thu năm nay giảm 1.895 ha so với năm trước do nắng nóng kéo dài vào thời điểm đầu vụ. Một số địa phương không đủ nước để gieo cấy; tiến độ sản xuất một số cây trồng vụ mùa có khả năng đạt thấp; tình hình tiêu thụ một số loại nông sản gặp khó khăn. Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2020 tăng trưởng thấp (chỉ đạt 3,44%); một số sản phẩm công nghiệp có mức tăng thấp và giảm so với cùng kỳ năm 2019, kể cả những sản phẩm được coi là thế mạnh của tỉnh.

Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 bùng phát trở lại trong cộng đồng tại Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác, lượng khách du lịch đến Nghệ An cũng hủy tour, hủy dịch vụ lên đến 95% - 100% vào cuối tháng 7 và tháng 8/2020. Đây vốn là 2 tháng cao điểm của du lịch nội địa, mang lại nhiều hiệu quả cho du lịch tỉnh Nghệ An. Các doanh nghiệp lưu trú, lữ hành vừa trải qua giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19 đợt đầu, chưa kịp phục hồi trở lại thì nay lại tiếp tục lâm vào khủng hoảng. Thực tế dịch bệnh đã khiến hầu hết đơn vị lữ hành dừng hoạt động, nhiều cơ sở lưu trú du lịch ở khu vực Cửa Lò và vùng ven biển phải đóng cửa từ ngày 31/7 vì khách hủy dịch vụ; lực lượng lao động trong ngành du lịch phải nghỉ việc...

Tại Nghệ An, việc rà soát, lập danh sách hỗ trợ một số nhóm đối tượng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ "Về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19" vẫn còn sai sót, có tình trạng trùng lặp đối tượng. Một số địa phương triển khai chi trả cho nhóm đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo còn chậm (tính đến ngày 15/8, toàn tỉnh còn 5.723 người chưa nhận chế độ). Trong khi đó, Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể nên việc giải quyết một số tình huống, đối tượng phát sinh trong thực tiễn gặp khó khăn, lúng túng tại cơ sở.

Những khó khăn, vướng mắc cụ thể như trên đang ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, sâu xa hơn tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống, xã hội, trong đó có người dân và các doanh nghiệp.

Vươn mình để phát triển

Chú thích ảnh
Khu đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An. Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức

Khó khăn là vậy, nhưng Nghệ An bằng những bước đi, cách làm, sự năng động, sáng tạo, đang nỗ lực để khắc phục những khó khăn, tồn tại, nỗ lực tìm hướng phát triển mới, vươn mình đi lên. Nhân kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2/9, Nghệ An có thể vui mừng với những thành quả mà địa phương đạt được, trong đó có sự đóng góp của chính mỗi người dân. 

Tại Nghệ An, với nỗ lực của địa phương, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, nhiều thành tựu đã được manh nha hoặc rõ nét hình hài. Đơn cử, hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư nâng cấp, tạo thuận lợi cho việc kết nối giữa Nghệ An với vùng Bắc Trung Bộ và cả nước trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Môi trường đầu tư kinh doanh của Nghệ An được cải thiện thông qua cải cách hành chính; chính sách ưu đãi; hạ tầng, đất đai; nguồn nhân lực được đào tạo, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn đã bước đầu quan tâm đầu tư vào một số lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 7,84%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Quy mô GRDP của tỉnh hiện đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2020 ước đạt 44,34 triệu đồng, gấp 1,58 lần so với năm 2015. Mô hình tăng trưởng của tỉnh đã từng bước chuyển đổi từ chiều rộng sang kết hợp cả chiều rộng và chiều sâu; chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân được nâng lên; các mũi đột phá chiến lược đang dần đem lại nhiều hiệu quả.

Thấy rõ những khó khăn, lường trước những vướng mắc trong quá trình phát triển, tỉnh Nghệ An đã rút ra được nhiều bài học quý báu trong chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là trong việc vận dụng kinh nghiệm, thực tiễn để có bước đi thích hợp cho tương lai.

Theo đó, trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Nghệ An chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa các lợi thế đặc trưng của địa phương; đẩy mạnh phát triển các ngành sản xuất và dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, có giá trị gia tăng cao, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, thân thiện với môi trường.

Nghệ An cũng xác định thu hút đầu tư vào các dự án trọng điểm; nâng cao hiệu quả phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm; ưu tiên phát triển các ngành kinh tế biển, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch biển, nghỉ dưỡng, lịch sử,... mang tầm khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển; quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Quốc khánh 2/9 là ngày lễ thiêng liêng của dân tộc. Người dân Nghệ An đã nắm rõ những khó khăn, thách thức, nhưng cũng tìm ra cách thức giải quyết tồn tại, bất cập để vươn lên. Mỗi người dân đều có quyền tự hào với những thành quả mà đất nước, quê hương đã đạt được và khẳng định niềm tin với Đảng, Nhà nước, để cùng nỗ lực hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Nguyễn Văn Nhật (TTXVN)