04:13 08/04/2019

Nghệ An: 67,7% học sinh cử tuyển người dân tộc ra trường không được bố trí việc làm

Số liệu của Sở Nội vụ Nghệ An cho biết, từ năm 2005 - 2009, Nghệ An có 884 em là người dân tộc thiểu số được cử đi cử tuyển. Trong số đối tượng cử tuyển đã có 844 em tốt nghiệp ra trường, tuy nhiên đến nay tỉnh mới chỉ bố trí được việc làm cho 274 em, chiếm 32,25%.

Sáng 8/4, tại buổi giao ban báo chí tháng 4/2019 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Nghệ An tổ chức, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã trả lời câu hỏi của phóng viên về tình trạng trên địa bàn Nghệ An có rất nhiều con em người dân tộc thiểu số được cử tuyển nhưng ra trường không có việc làm.  

Chú thích ảnh
Học sinh trường THPT Dân tộc Nội trú Nghệ An. Ảnh: baonghean.vn

Các cơ quan chức năng và chính quyền không bố trí, sắp xếp được công việc cho số đối tượng này, dẫn đến tình trạng lãng phí cho ngân sách, gây bức xúc cho các đối tượng và cho gia đình các em. Đây cũng đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận và của các cơ quan báo chí trong thời gian qua tại Nghệ An.

Ông Lương Thanh Hải, Trưởng ban Dân tộc Nghệ An cho biết, cử tuyển thì không phải do Ban Dân tộc Nghệ An chủ trì mà do Sở Giáo dục - Đào tạo và Sở Nội vụ chủ trì, còn Ban Dân tộc Nghệ An là thành viên.

Theo ông Lương Thanh Hải, Trưởng ban Dân tộc Nghệ An, chính sách này rất đúng và nhờ chính sách cử tuyển này một lượng lớn cán bộ chủ chốt của các huyện miền núi Nghệ An đã trưởng thành từ những lớp cử tuyển đầu tiên.

Tuy nhiên, chính sách thì phải có điều chỉnh, cứ để nguyên như thế để thực hiện thì đến một thời điểm nào đó chính sách này sẽ bị tác động của chính sách khác và lúc đó hiệu lực, hiệu quả thực hiện sẽ giảm đi.

Cách đây 15, 20 năm học sinh cử tuyển ra trường là đáp ứng ngay được yêu cầu, nhưng thời điểm 5 năm trở lại đây, chất lượng đào tạo của ngành Giáo dục ở các vùng miền núi đã tốt hơn trước, nhất là ở các trường dân tộc nội trú tỉnh và một số trường học khác nên số các cháu là người dân tộc thiểu số thi đậu vào các trường đại học cũng rất nhiều.

Lượng lớn các cháu là dân tộc thiểu số thi đậu đại học và tốt nghiệp ra trường hàng năm cộng thêm số các cháu đi cử tuyển về, trong khi hiện nay nhiều đơn vị, địa phương đang thực hiện chính sách giảm biên chế cho nên áp lực giải quyết việc làm cho số đối tượng cử tuyển là rất lớn.

Thi tuyển vào làm việc trong các đơn vị, địa phương thì phải theo Luật Công chức và các quy định hiện hành khác, dẫn đến số đối tượng cử tuyển khi tốt nghiệp ra trường rất khó khăn trong tìm việc làm. Đây là một thực tế tại tất cả các huyện miền núi ở Nghệ An.

Ông Lương Thanh Hải, Trưởng ban Dân tộc Nghệ An nêu quan điểm, chính những khó khăn, bất cập như trên trong chính sách cử tuyển cho nên đặt ra vấn đề chúng ta phải điều chỉnh chính sách này theo hướng giảm bớt đối tượng cử tuyển.

Chẳng hạn có nên đưa người dân tộc Thái của tỉnh đi học cử tuyển nữa hay thôi, bởi ngay các cháu thi đậu đại học điểm rất cao nhưng khi tốt nghiệp ra trường vẫn khó khăn, thậm chí không xin được việc làm.

Tại Nghệ An đang tồn tại một thực tế đã nhiều năm nay, đó là có rất nhiều đối tượng là người dân tộc thiểu số đi học theo chế độ cử tuyển, tốt nghiệp ra trường nhưng chưa bố trí được việc làm, trong số đó có những người đã thất nghiệp nhiều năm nay.

Nguyễn Văn Nhật (TTXVN)