02:16 06/02/2019

Ngày Xuân, xem trai làng Triều Khúc (Hà Nội) múa điệu trống bồng

Một điệu múa cổ vô cùng độc đáo của đất Thăng Long xưa, trở thành niềm tự hào và đam mê của nhiều thế hệ trai làng Triều Khúc, huyện Thanh Trì (Hà Nội), đó là điệu múa trống bồng.

Những ngày Xuân sang, dịp lễ Tết, hội làng hay tại các sự kiện văn hóa lớn của Hà Nội, người dân nô nức đón xem các chàng trai lả lướt múa điệu trống bồng trong sự phấn kích, tràn đầy vui tươi.

Nói là độc đáo ở chỗ, người múa là các chàng trai hóa trang giả gái, má phấn môi son, mặc áo tứ thân, đầu chít khăn mỏ quạ trông rất đáng yêu. Điệu múa cũng hồn nhiên, phóng khoáng không kém, người múa lả lướt theo điệu nhạc, chân khua duyên dáng, đặc biệt ánh mắt phải lúng liếng.

Chú thích ảnh
Các chàng trai lả lướt múa điệu trống bồng. Ảnh Thanh Tùng/TTXVN

Khi múa, hai người lúc giáp mặt, khi giáp lưng và miệng luôn cười tủm tỉm. Ngay cả tên gọi điệu múa theo cách gọi gốc cũng toát lên sự hồn hậu, đáng yêu - “con đĩ đánh bồng”, sau này mọi người gọi chệch thành múa trống bồng. Sở dĩ điệu múa có tên khác lạ bởi thời xưa, các cụ yêu quý gọi con trai, con gái nên gọi theo cách trìu mến là “thằng cu”, “con đĩ” và điệu múa mới có tên như vậy.

Xem múa trống bồng, người ta cảm nhận sự vui tươi, hạnh phúc từ vũ điệu, thần thái của các chàng trai giả gái mang lại. Sự phấn khích từ người múa lan tỏa đến người xem mà không nhiều điệu múa tạo được hiệu ứng này.

Người dân Triều Khúc không nhớ điệu múa đánh bồng có từ khi nào, chỉ biết khi các cụ sinh ra đã thấy dân làng vui múa trong các dịp hội hè. Cứ đời này sang đời khác, múa trống bồng gắn bó với đời sống tinh thần của người dân làng Triều Khúc và trở thành nghi thức không thể thiếu trong những ngày hội làng.

Gốc gác của điệu múa trống bồng là một nghi thức của hội làng Triều Khúc (diễn ra từ ngày 9 - 12 tháng Giêng hàng năm) nhằm tưởng nhớ công lao của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng có công đánh đuổi giặc phương Bắc.

Để khích lệ tướng sĩ và cũng là để giải trí cho nghĩa quân, ngài đã cho binh lính đóng giả làm gái, ăn mặc sặc sỡ và đeo trống múa bồng để múa. Sau này, dân làng Triều Khúc tổ chức lễ hội tưởng nhớ công lao của ngài và trong lễ rước Thành hoàng Phùng Hưng có nghi thức múa trống bồng.

Thủa xưa, múa trống bồng chỉ có một đôi nam tượng trưng cho mặt trời, khi múa sẽ di chuyển ngược kim đồng hồ xung quanh ban nhạc công sáu người tượng trưng cho quả đất. Bởi quan niệm của người xưa mặt trời tròn, quả đất vuông nên khi múa người ta sẽ di chuyển xung quanh tạo vòng tròn tương tự mặt trời, sáu nhạc công đứng ở bốn góc tại đình tạo thành hình vuông.

Điệu múa này mang quan niệm nhân sinh quan rất rõ, có sự giao hòa giữa trời và đất theo quy luật tự nhiên. Sau này, mọi người mới tăng lên bốn hoặc sáu đôi hoặc tối đa là mười đôi múa để tạo sự rộn rã, sinh động.

Thời gian cứ trôi, mãi đến những năm từ thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước, múa trống bồng bị mai một do thời kỳ chiến tranh, tất cả đều dồn sức cho kháng chiến, Lễ hội không được tổ chức.

Vào những năm thập niên 80, khi cuộc sống vật chất và tinh thần dần cải thiện, các bậc cao niên trong làng trăn trở với điệu múa truyền thống của tiền nhân nên đã cất công khôi phục. Một trong những người có công đầu trong việc phục dựng và vận động mọi người gìn giữ múa trống bồng là ông Đỗ Đình Hồng, một cao niên trong làng.

Vào một chiều se lạnh, trong căn nhà của mình, ông Triệu Đình Hồng say sưa kể với khách về nét đẹp của điệu múa trống bồng, những đam mê của ông trong việc khôi phục và phát huy điệu múa cổ.

“Cả đời tôi đam mê với múa bồng, niềm đam mê đó xuất phát từ đáy lòng mình. Ngoài thời gian lo công việc riêng, cứ rảnh lúc nào tôi lại dồn công sức để giữ gìn điệu múa này, vận động, truyền dạy cho các cháu trong làng” - ông Triệu Đình Hồng giãi bày tâm tư.

Thủa đó, ông Triệu Đình Hồng vẫn còn nhớ điệu múa trống bồng, ông thường múa với người anh của mình là nghệ nhân Triệu Đình Vạn và một người khác là cụ Bùi Văn Tốt. Ông Hồng bàn với hai cụ khôi phục lại điệu múa cổ để gìn giữ vốn quý của cha ông, sưu tầm, nhớ lại từng động tác của điệu múa trống bồng, trang phục cho người múa. Thời gian đầu, ông gặp không ít khó khăn, đi từng nhà vận động thanh niên tham gia nhưng thủa đó nhiều người vẫn giữ định kiến múa hát thường dành cho phái nữ.

Cần mẫn vận động, mưa dầm thấm lâu, dần dần nhiều trai làng Triều Khúc đã bị hấp dẫn bởi điệu múa và theo học ông. Năm này qua năm khác truyền dạy, đến nay số nam thanh niên tham gia múa thường xuyên lên tới vài chục người, nhiệt tình tham gia múa ở hội làng. Câu lạc bộ múa bồng Triều Khúc từ đó cũng ra đời với người chủ nhiệm không ai khác là ông Triệu Đình Hồng.

Không chỉ giới hạn ở hội làng, ông Hồng và các trai làng Triều Khúc thường xuyên đi biểu diễn ở các hoạt động văn hóa của huyện, thành phố, thậm chí được nhiều tỉnh, thành khác mời đi biểu diễn. Quần áo, trống phách, tư trang, đồ trang điểm chỉ một tay ông Hồng phụ trách, từ là lượt, giặt rũ, phơi phóng vì phụ nữ không tham gia trong câu lạc bộ này.

Từ năm 2010 đến nay, cứ hai năm một lần ông Triệu Đình Hồng vào Trường Trung học cơ sở Tân Triều dạy múa cho các cháu học sinh nam, lứa tuổi từ lớp 7 đến lớn 9, mỗi khóa từ 18 - 20 cháu.

Để vận động các cháu theo học cũng không dễ, ông luôn tìm cách động viên, khuyến khích. Sau mỗi khóa học, ông đều có giấy chứng nhận cho các cháu, thậm chí ông còn thường xuyên lấy kinh phí riêng làm quà khuyến khích các cháu.

Dù nguồn kinh phí được hỗ trợ cho hoạt động của câu lạc bộ từ phía địa phương hầu như không có, nhưng nhiều năm qua Câu lạc bộ múa bồng Triều Khúc vẫn duy trì tốt nhờ tình yêu, sự đam mê của ông Triệu Đình Hồng và người dân làng Triều Khúc.

Điều ông mong mỏi nhất hiện nay là múa bồng làng Triều Khúc được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để điệu múa này có thêm động lực phát triển bền vững.

Đinh Thuận (TTXVN)