01:15 27/01/2011

Ngày Xuân trò chuyện với “nhà Kiều học” đất Bắc Ninh

Với quyết tâm kế nghiệp nghề thuốc gia truyền 5 đời hiệu “Lang Chọi”, năm 1989, ông Nguyễn Khắc Bảo, trú tại phố Ngói, phường Tiền An (thành phố Bắc Ninh) đã rẽ ngang từ nghề giáo sang nghề thuốc ở tuổi 42.

Với quyết tâm kế nghiệp nghề thuốc gia truyền 5 đời hiệu “Lang Chọi”, năm 1989, ông Nguyễn Khắc Bảo, trú tại phố Ngói, phường Tiền An (thành phố Bắc Ninh) đã rẽ ngang từ nghề giáo sang nghề thuốc ở tuổi 42.


Cũng từ đây, việc nghiên cứu các bản sách thuốc cổ gia truyền bằng chữ Hán và chữ Nôm đã không chỉ giúp ông am tường nhiều bài thuốc quý, mà còn đưa ông đến với kiệt tác văn chương Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, khi trong nhà sẵn có một bản Kiều nôm cổ.


Để rồi một ngày kia ông đã “bén duyên” với Kiều, trở thành một “nhà Kiều học” đất Kinh Bắc, được bạn bè gần xa mến phục.

Ông lang Chọi Nguyễn Khắc Bảo với các bản Kiều nôm.

Ngôi nhà nhỏ của ông lang Chọi Nguyễn Khắc Bảo cất giữ một “gia sản đáng giá” gồm 45 bản Kiều nôm, cùng một bản Kiều chữ Quốc ngữ cổ nhất của học giả Trương Vĩnh Ký in năm 1875. Trong hành trình sưu tầm các bản Kiều cổ, ông từng có mặt ở nhiều vùng miền khác nhau, thậm chí có bản ông phải nhờ người quen photo từ một thư viện bên nước Anh.


Miệt mài với từng vần điệu của cụ Nguyễn Tiên Điền, ông lang Chọi đã nhận ra sự “vênh nhau” khá nhiều về câu chữ giữa các bản Kiều cổ, bởi lẽ không có hai bản nào giống nhau hoàn toàn về câu chữ và tự dạng.


Song việc khảo đính tất cả các dị biệt về từ ngữ của 45 bản Kiều nêu trên có thể sẽ làm “loãng” trọng tâm phục nguyên văn bản Truyện Kiều. Do vậy với tinh thần “Câu chữ nào của Nguyễn Du xin trả lại cho Nguyễn Du”, ông lang Chọi Nguyễn Khắc Bảo đã “liều mạng” sửa Kiều và được các tạp chí chuyên ngành Hán Nôm, Ngôn ngữ, Văn học ghi nhận đăng tải, đồng thời được các nhà Kiều học trong nước đánh giá cao.

Ai cũng biết việc thay đổi một chữ, một câu trong Truyện Kiều là rất khó, vì rằng hàng trăm năm nay bao nhiêu thế hệ vẫn đọc và thuộc lòng các bản thơ Truyện Kiều, song dù khác đi một chữ cũng “phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông”.


Tháng 1/1998, ông Bảo phát tín hiệu đầu tiên với bài tham luận tại Hội nghị thông báo Hán Nôm học Việt Nam, mở đầu cho việc sửa Kiều với câu “Lạ gì bỉ sắc tư phong” được ông sửa thành “Lạ gì bỉ sắc thử phong”. Từ đó, năm nào ông cũng “góp mặt” tại Hội nghị này với các bài tham luận chuyên về khảo cứu, hiệu đính các câu Kiều nôm sao cho hợp chuẩn với bản gốc hơn cả.

Đầu năm 2004, thầy lang Nguyễn Khắc Bảo được mời tham dự Hội nghị Quốc tế về chữ Nôm do Viện Hán Nôm Việt Nam tổ chức ở Hà Nội. Khi ấy, ông lang Chọi đã hoàn nguyên 21 câu Kiều như một lời bái vọng thành kính đối với cụ Nguyễn Tiên Điền, đồng thời là kỷ niệm 210 năm ngày ra đời của kiệt tác Truyện Kiều.

Thực tế bản Truyện Kiều quốc ngữ được truyền bá thông dụng nhất hiện nay do học giả Đào Duy Anh chủ biên năm 1979, song có thể do nguồn tư liệu chủ yếu dựa vào các bản Kiều nôm và Quốc ngữ in đầu thế kỷ XX, nên nhiều câu thơ đã bị sửa thành ngôn ngữ hiện đại, tuy dễ hiểu và quen tai nhưng lại bỏ đi mất nhiều từ ngữ cổ sâu sắc và thâm thúy của ngôn ngữ cuối thế kỷ XVIII.


Điển hình như câu 1.148: “Xót lòng trinh bạch từ lâu đến giờ” (bản in Liễu Văn Đường 1866) thay cho “Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa” (bản Đào Duy Anh in 1979). Ông Bảo cho rằng sự thay đổi từ ngữ của bản in Đào Duy Anh gây cho ta thất vọng về bản lĩnh của Thúy Kiều, sao lại hèn kém đến mức phải xin chừa cả chút lòng trinh bạch của người con gái. Câu thơ của bản Kiều cổ “Xót lòng trinh bạch từ lâu đến giờ” cho ta thấy hình ảnh Thúy Kiều chung thủy tột bậc với người yêu.

Bốn đầu sách khảo cứu về Truyện Kiều của “nhà Kiều học” Nguyễn Khắc Bảo.

Khi sắp phải dấn thân vào con đường nhơ bẩn, nàng vẫn nhớ tới chàng Kim Trọng và chua xót cho việc mình đã “hoài công nắng giữ mưa gìn” lòng trinh bạch từ lâu đến giờ. Để đến nỗi sa vào cảnh “hồng ngâm cho chuột vọc, mình ngọc cho ngâu vầy”.


Tâm trạng như ở câu Kiều hoàn nguyên mới phù hợp với mạch tư duy trước đó của Thúy Kiều: “Biết thân đến bước lạc loài; Nhị đào đã bẻ cho người tình chung”. Hay như câu 1.311: “Rõ mầu trong ngọc trắng ngà” (bản in Liễu Văn Đường 1866) thay cho “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà” (bản đào Duy Anh 1979). Tả cảnh Thúy Kiều tắm mà dùng danh ngữ “Rõ ràng” với nghĩa như Từ điển Truyện Kiều ghi là “rõ hẳn đấy” thì thật là chưa tế nhị lắm.


Chỉ là “Rõ mầu”, nghĩa là nhác nhìn thấy dáng vẻ của Thúy Kiều ẩn hiện qua “bức trướng hồng tẩm hoa” thì mới là bức tranh phác họa hư ảo của nhà nho Phương Đông. Câu 2.004: “Đàn bà thể ấy thấy âu một người” (bản in Liễu Văn Đường 1866) thay cho “Đàn bà thế ấy thấy âu một người” (bản Đào Duy Anh 1979). Qua ngòi bút của Nguyễn Du, Hoạn Thư thực là loại “Đàn bà dễ có mấy tay” nên mới xếp vào loại “Đàn bà thể ấy” giống như ca dao có câu “Thật thà cũng thể lái trâu, yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng”.

Gần 20 năm gắn bó, “mê mẩn” với Kiều, bằng vốn kiến thức tự trang bị, ông lang Chọi Nguyễn Khắc Bảo đã nỗ lực đi tìm các “hạt châu báu” ẩn tàng trong các trang giấy bản để sửa tổng cộng 687 câu Kiều với 834 chữ với niềm tin tưởng sẽ là khá gần với “nguyên lời của Nguyễn Du”.


Không những thế, ông còn là tác giả của 4 đầu sách gồm: “Tìm đến nguyên tác Truyện Kiều” và “Truyện Kiều bản Nôm Thịnh Mỹ Đường - Tự Đức kỷ mão 1879” cùng do Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc ấn hành; cuốn “Truyện Kiều - bản khắc cổ nhất in năm 1866” - Nhà xuất bản Nghệ An phát hành và cuốn “Truyện Kiều văn bản hướng tới phục nguyên, khảo đính và chú giải”- Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành tháng 12/2004.

Duy Cảnh