11:12 10/11/2021

Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam: Tiền đề cho phát triển bền vững

Dịch COVID-19 kéo dài suốt từ năm 2020 tới thời điểm này đã và đang khiến cộng đồng doanh nghiệp khánh kiệt về thể chất, suy nhược về tinh thần; rất nhiều trong số đó phải ngưng hoạt động, giải thể; thậm chí là phá sản.

Tuy nhiên, đây cũng lại là thời điểm quan trọng, đem lại cơ hội để các doanh nghiệp tự soi lại mình; định vị lại những giá trị vốn có để khẳng định vị thế, uy tín, thương hiệu và khởi tạo thêm những giá trị mới trên cơ sở xây dựng và củng cố nền tảng văn hóa doanh nghiệp. Bởi, theo phân tích của các chuyên gia, văn hóa doanh nghiệp là sức mạnh, là bệ đỡ để các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, lớn mạnh, trưởng thành và đủ năng lực vượt qua sóng gió khắc nghiệt của thị trường, của hoàn cảnh khách quan. 

Chú thích ảnh
Hoạt động sản xuất tại Công ty Dệt may Eclat Việt Nam. Ảnh: Công Phong/TTXVN 

Theo báo cáo nghiên cứu về môi trường văn hoá doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng tiến hành đã ghi nhận, văn hóa doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng, tác động tích cực và có tính quyết định đến tinh thần, thái độ, động cơ lao động của các thành viên tổ chức; cũng như việc sử dụng đội ngũ lao động. Văn hóa doanh nghiệp giúp cho doanh nghiệp trở thành một cộng đồng làm việc trên tinh thần hợp tác, tin cậy, gắn bó, thân thiện và tiến thủ. Trên cơ sở đó, hình thành tâm lý chung và lòng tin vào sự thành công của doanh nghiệp.

Từ đó cho thấy, doanh nghiệp sẽ khó có thể thành công và vươn xa nếu thiếu nền tảng văn hóa. Việc đầu tư cho văn hóa doanh nghiệp ngày càng có ý nghĩa và tác động thiết thực đến sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp. 

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May 10 cho biết, qua thực tế hoạt động sản xuất tại công ty cho thấy, để đạt tốc độ tăng trưởng từ 10-15%/năm thì điều cốt lõi là gốc rễ văn hóa doanh nghiệp. Điều đó đã thể hiện bằng việc từng có 4 thế hệ công nhân viên đã làm cho công ty. Hiện nay, công ty đang đón chào thế hệ thứ 5 với môi trường kinh doanh đầy đủ từ giáo dục, y tế cho công nhân viên và đóng góp của doanh nghiệp đối với trách nhiệm xã hội.

“May 10 cũng là một trong những đơn vị có bề dày về truyền thống, gốc rễ văn hóa của nhiều thế hệ cán bộ của May 10 đi trước đã tạo dựng lên. May 10  đang chăm lo cho người lao động như hiện nay có cả trường Mầm non, có trạm y tế tương đương bệnh viện cấp huyện và có cả trường cao đẳng nghề trực thuộc với một mô hình này; đồng thời, đòi hỏi doanh nghiệp phải có những chi phí để đóng góp phúc lợi xã hội cho người lao động. Chúng tôi gìn giữ được mô hình này giống như mô hình xã hội chủ nghĩa trước kia. Chúng tôi gìn giữ mô hình này và hoạt động kinh doanh vẫn phát triển”, ông Việt bày tỏ.

Quan trọng là vậy, song việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp là vấn đề không đơn giản và không dễ thực hiện trong một sớm một chiều. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều chuyên gia có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp phải biết áp dụng những gì mới nhất, hiện đại nhất để xây dựng văn hóa phù hợp với chiến lược kinh doanh. Đồng thời, nỗ lực tạo ra sự khác biệt cho hình tượng sản phẩm, về sự độc đáo trong văn hóa của doanh nghiệp tới khách hàng và công chúng. Từ đó để khẳng định được tên tuổi, thương hiệu của doanh nghiệp trên thương trường.

Theo TS Phan Quốc Việt thuộc Trung tâm Phát triển kỹ năng con người Tâm Việt, rất nhiều lãnh đạo đã mắc lỗi khi áp đặt văn hóa mà không khơi gợi nhận thức của nhân viên mình về các giá trị văn hóa doanh nghiệp. Nếu không giảng giải được cặn kẽ hệ thống các giá trị văn hóa của doanh nghiệp có ích lợi gì với nội bộ tổ chức, tất yếu mọi hình thức triển khai chỉ là phong trào. Một câu hỏi được đặt ra rằng, vậy những giá trị nào là hợp lý và giá trị nào là không hợp lý. Điều này tùy thuộc rất nhiều vào từng tổ chức riêng biệt, nhưng tựu chung lại, có một số giá trị được đề cao trong nội bộ tổ chức ở Việt Nam. 

Song song đó, cũng có nhiều lãnh đạo các cấp tại doanh nghiệp chưa thật sự hiểu rõ về văn hóa doanh nghiệp. Không thật sự hiểu rõ không hàm ý là không nhận ra được tầm quan trọng sống còn của văn hóa doanh nghiệp trong sự phát triển của doanh nghiệp, mà vấn đề là ở chỗ làm thế nào để có được một văn hóa phù hợp với từng giai đoạn phát triển. 

Do đó, xây dựng văn hóa doanh nghiệp không đơn thuần là liệt kê ra các giá trị mong muốn mà đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các thành viên, sự khởi xướng, cổ vũ, động viên của lãnh đạo và đội ngũ người lao động . Với cách hiểu đúng đắn tổng thể về văn hóa doanh nghiệp và với mười một bước cơ bản này sẽ giúp các doanh nghiệp từng bước xây dựng thành công văn hoá cho mình.

Từng là cán bộ quản lý, là nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh Hà Nội, ông Phạm Văn Phổ, nay là Chuyên gia tư vấn thuộc Công ty Tư vấn quản lý EduViet Management Consultancy nhấn mạnh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp là một quá trình kiên nhẫn, lâu dài và đòi hỏi ý chí lớn lao của từng nhà lãnh đạo, cán bộ công ty. Để xây dựng văn hóa trong doanh nghiệp, trước hết phải là ý chí xây dựng văn hóa của ban lãnh đạo doanh nghiệp. Sau đó phải triển khai các hoạt động giáo dục để nhân viên hiểu, chấp nhận chia sẻ và đi đến sự đồng thuận trong cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài ra, muốn xây dựng văn hóa doanh nghiệp thì phải biết phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận trong công ty. Thiếu sự hợp lực này thì văn hóa doanh nghiệp sẽ không xây dựng được.

Như vậy có thể khẳng định, văn hoá tồn tại khách quan và doanh nghiệp nào cũng có văn hoá của riêng mình. Chỉ có điều, văn hoá được thể hiện như thế nào và doanh nghiệp đó có phát hiện ra những giá trị tốt để phát huy và những giá trị chưa tốt để thay đổi hay không? Văn hóa doanh nghiệp cần bắt nguồn từ những gì nhỏ nhất, cụ thể, không chung chung để tự thân nó sẽ tạo nên những giá trị riêng biệt và nền tảng phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Tại Quyết định số 1846/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã lấy ngày 10/11 hàng năm là Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam nhằm khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp. Tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức về văn hóa doanh nghiệp, thúc đẩy việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và trong toàn xã hội.

Tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp. Góp phần tạo môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và cạnh tranh lành mạnh, đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế.

Ngọc Quỳnh (TTXVN)